Giấc mơ đoàn tụ không thành
Năm 2005, anh D. tạm biệt vợ và hai đứa con của mình để đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc với thời hạn 5 năm. Qua 4 năm xa xứ miệt mài lao động, dù mỗi năm anh đều được nghỉ phép về thăm nhà, nhưng nỗi khao khát được đoàn tụ với vợ, cùng nhau làm việc nơi xứ người dâng lên mãnh liệt. D. đã tìm hiểu và được một số người tư vấn rằng: “Đưa vợ sang đây bằng cách kết hôn với người Hàn Quốc”. Tin lời, nên anh tìm đến các “Trung tâm môi giới hôn nhân” tại Seoul nhờ giúp đỡ. Sau nhiều lần suy tính, anh D. đã thỏa thuận ký kết hợp đồng với Trung tâm “tổ chức cưới chồng cho vợ mình”, với chi phí 15.000 USD. Hồ sơ giấy tờ và con người từ Hàn Quốc được phía “môi giới hôn nhân” sắp đặt. Còn chị T., vợ anh ở nhà chỉ xoay xở làm sao để được chứng nhận độc thân.
Khi ngày, tháng được Trung tâm môi giới hôn nhân ấn định, anh D. gọi điện về nhà thông báo cho vợ mình biết ngày, giờ người “chồng” Hàn Quốc sẽ về Việt Nam làm các thủ tục giấy tờ cần thiết, tiến tới tổ chức đám cưới. Thời gian chờ đợi này chị T. sống trong âu lo thắc thỏm. Dẫu ước mong được đoàn tụ cùng với chồng lao động ở Hàn Quốc luôn cháy bỏng, nhưng đâu có thể dễ dàng vượt qua được những phong tục, thoát khỏi những lời gièm pha dù mọi việc đều do chồng chị sắp đặt. Rồi người “chồng Hàn” cũng đến. Sau hai lần gặp gỡ và trò chuyện, người đàn ông Hàn Quốc đưa vợ anh đi đăng ký kết hôn. Thế nhưng mọi việc không theo ý muốn khi hồ sơ hôn nhân của vợ anh, với người chồng Hàn Quốc bị Sở Tư pháp từ chối. Họ không cho phép kết hôn bởi họ phát hiện ra sự giả mạo độc thân của chị T. Người “chồng Hàn” của vợ anh đành trở về bản quốc và hồ sơ hôn nhân tạm gác lại. Thế nhưng, dự định đưa vợ sang Hàn đoàn tụ vẫn không hề vơi đi trong anh.
Chú rể Hàn lấy vợ Việt (bên trái).
Sáu tháng sau, vở kịch hôn nhân lại được tiếp tục. Nhưng lần này, người “chồng” của chị T., vợ anh là một người đàn ông khác. Còn vợ anh, mượn giấy tờ của cô em họ độc thân theo kế “ve sầu thoát xác”. Mang tên người em họ, hồ sơ hôn nhân của vợ anh với người nước ngoài lần này được Sở Tư pháp đồng ý, cho phép kết hôn. Khi nhận được tin, anh D. khấp khởi mừng thầm vì một phần kế hoạch đã thành công. Còn vợ anh, tạm chia tay với “người chồng”, chờ ngày được gọi phỏng vấn. Rồi cũng đến ngày chị T. cùng với “chồng Hàn” ra Hà Nội để phỏng vấn hôn nhân. Khi được vợ nhắn tin thông báo “Đã lên xe đi Hà Nội” anh không biết nói gì hơn, chỉ biết “chúc vợ may mắn”. Suốt đêm hôm đó ở Seoul, anh thức trắng đêm trong nỗi thấp thỏm mơ hồ, nguyện cầu cho vợ mình “lấy chồng” trót lọt.
Thế nhưng, số phận lại một lần nữa trêu ngươi vợ, chồng anh khi Lãnh sự quán Hàn Quốc từ chối, không chấp nhận cho chị T. “làm cô dâu xứ Hàn”. Nghe vợ thông báo, anh vô cùng thất vọng bởi giấc mơ “Châu về Hợp phố” ở xứ người đã tan vỡ. Rồi hợp đồng lao động ở Hàn Quốc hết hạn, D. trốn ở lại trở thành lao động bất hợp pháp. Anh D. nói: “Có lẽ vợ tôi không có số lấy chồng ngoại quốc...”. Tôi hỏi anh số tiền bị mất cho trung tâm môi giới ở Seoul là bao nhiêu, sau hai lần cưới chồng cho vợ không thành. Anh thành thật trả lời: “Ít thôi, bởi chỉ phải trả đủ 15.000 USD khi vợ tôi được đặt chân tới Hàn Quốc…”. Chia tay anh, trên đường trở về tôi chợt nghĩ đến một cặp vợ chồng khác có cảnh ngộ giống như vợ chồng anh, nhưng chỉ khác nhau là hạnh phúc gia đình họ tan vỡ ngay sau vở kịch hôn nhân thứ hai. Bất chợt tôi tự hỏi: “Không biết anh D. có bị kém may mắn hay anh đã may mắn, sau hai lần cưới chồng cho vợ không thành?”.
Dư âm một vụ án chấn động dư luận
Trước khi tôi sang đây một ngày, một câu chuyện rất đau lòng liên quan đến “cô dâu Việt” đã xảy ra. Theo truyền thông Hàn Quốc cho biết, vào sáng sớm ngày 7/12/2015, người ta phát hiện một người đàn ông đã treo cổ trên cành cây ở một con phố thuộc quận Guro - Seoul. Khi mở rộng tìm kiếm, cảnh sát phát hiện chiếc xe của người đàn ông đậu gần đó. Trong xe, một phụ nữ người Việt và một đứa trẻ 6 tuổi đã bị giết. Người ta tìm thấy một bức thư tuyệt mệnh bên cạnh có nội dung: “Tôi đã giết vợ và con gái, vì cô ấy đã giả vờ kết hôn với tôi. Yêu cầu không khám nghiệm tử thi”. Cảnh sát nhanh chóng xác định được danh tính người đàn ông là Chol (52 tuổi), sống ở quận Guro – Seoul. Người phụ nữ cùng với cháu bé xấu số là vợ và con gái của ông ta. Theo hồ sơ của cảnh sát, thì ông Chol đã kết hôn với cô H. (26 tuổi), người Việt Nam (quê ở thành phố Vinh, Nghệ An) vào năm 2008 và đã có một con gái chung 6 tuổi.
Cũng theo hồ sơ lưu trữ của cảnh sát địa phương, thì ông Chol - chồng của cô gái là một người đàn ông có xu hướng bạo lực. Trong thời gian chung sống với ông Chol, cô H. đã nhiều lần bị chồng đánh đập và phải vào nhà tạm lánh (nhà giúp đỡ phụ nữ khi gặp tình huống nguy kịch) không dưới hai lần. Cảnh sát sở tại từng ban hành lệnh “Cấm tiếp cận vợ” đối với ông Chol. Chính hôn nhân bất hạnh kéo dài, nên vào năm 2013 cô H. và ông Chol đã ly hôn sau 5 năm chung sống. Sau khi ly hôn một thời gian, cô H. kết hôn với một người Việt Nam đang lao động và sinh sống tại Hàn Quốc và chuyển xuống tỉnh JinJu, cách Seoul 300km để sinh sống.
Một nhân vật trong bài và tác giả tại Seoul- Hàn Quốc.
Chiều ngày 6/12/2015, ông Chol lái xe đến JinJu bắt cóc vợ cũ và con gái của mình đưa về Seoul, rồi sát hại cả hai mẹ con. Sau đó ông ta treo cổ lên cành cây tự tử. Kết quả khám nghiệm và điều tra của Cảnh sát kết luận: cô H. bị ông Chol bóp cổ, còn cháu bé (6 tuổi) bị bố của mình dùng chiếc gối đè lên miệng đến chết... Thi thể hai mẹ con nạn nhân được nhà chức trách bàn giao cho thân nhân hỏa táng. Có lẽ trước đây, người giỏi tưởng tượng cũng không thể nghĩ được ngày trở về quê hương của cô H., lại là một nắm tro trong chiếc lọ lạnh lẽo. Câu chuyện đau lòng này một thời gây chấn động dư luận.
Tôi tìm đến “Trung tâm trợ giúp phụ nữ nước ngoài”, hay còn có tên gọi khác là “Gia đình đa văn hóa” tại số 6F Seoul Global Center, tòa nhà 38 GongYo do bà Seong Euy Kang làm Giám đốc. Hỏi về vụ án mạng của cô H. với ông Chol, bà Kang cho biết: “Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Chol là người đàn ông có xu hướng bạo lực, cô dâu H. là một phụ nữ thông minh. Chính vì thế nên ông Chol luôn sống trong tình trạng lo sợ bị cô H. bỏ rơi. Trước khi xảy ra án mạng, trung tâm đã nhiều lần yêu cầu cảnh sát tiến hành các biện pháp cứng rắn hơn, để bảo vệ cho cô H., nhưng đáng tiếc điều chúng tôi lo sợ đã xảy ra. Chúng tôi thực sự rất đau lòng”. “Vậy giải pháp nào để giảm bớt, ngăn chặn được tình trạng bạo hành, đổ vỡ của những cặp vợ chồng Hàn – Việt nói riêng và hôn nhân quốc tế nói chung?”. Bà Kang nói: “Nguồn gốc của mâu thuẫn dẫn đến bạo hành, tan vỡ hôn nhân là do thiếu vắng tình yêu làm nền tảng. Hơn nữa sự bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa giữa chồng Hàn Quốc và vợ nước ngoài làm gia tăng thêm khoảng cách tình cảm giữa hai người. Chính vì vậy tôi nghĩ các quốc gia có xu thế phát triển về hôn nhân quốc tế, cần phải thành lập nhiều trung tâm trợ giúp để đào tạo, trang bị cho các cô dâu những kỹ năng bắt buộc trước hôn nhân như dạy ngôn ngữ và văn hóa nước họ sẽ đến. Nếu làm tốt điều đó, hôn nhân quốc tế sẽ giảm thiểu được sự đổ vỡ, bạo hành đáng báo động như hiện nay”.
(Còn nữa)
Theo số liệu lưu trữ tại Sở Tư pháp Nghệ An, đến tháng 1/2016 toàn tỉnh Nghệ An đã có hơn 200 hồ sơ đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc. Dù theo Luật Hộ tịch mới (từ 1/2016), việc kết hôn với người nước ngoài thuộc thẩm quyền cấp huyện, thành phố, nhưng tại sở này vẫn còn nhiều bộ hồ sơ kết hôn có yếu tố nước ngoài, đang chờ được chấp thuận.