Bị đề nghị mức án tử hình, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế bật khóc xin cơ hội làm lại

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau khoảng 10 phút tự bào chữa, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bật khóc, mong HĐXX và VKS xem xét lại tội danh của bị cáo, cho hưởng mức án tù để bị cáo có cơ hội được làm lại…

Bị cáo Phạm Trung Kiên trình bày tại tòa. Clip: Như Ý

Sáng nay, 18/7, TAND TP Hà Nội tiếp tục mở phiên toà xét xử 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”. Trong vụ án này, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế là người nhận hối lộ nhiều nhất với 253 lần, tổng số hơn 42 tỷ đồng và bị Viện kiểm sát (VKS) đề nghị mức án tử hình.

Bị đề nghị mức án tử hình, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế bật khóc xin cơ hội làm lại ảnh 1

Bị cáo Kiên trình bày tại phiên toà sáng 18/8. Ảnh Như Ý

Luật sư đề nghị xem xét lại tội danh

Tham gia phần bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên, luật sư cho biết, sau khi VKS đề nghị mức hình phạt cao nhất là tử hình tôi nghe xong cũng bất ngờ ở đây với lý do trong vụ án có phân hoá tội phạm, hành vi, qua quá trình xét xử, căn cứ các tài liệu, chứng cứ hồ sơ trong vụ án thể hiện rất rõ mức độ, hành vi của bị cáo Kiên, tuy nhiên, VKS chưa đánh giá đúng được bản chất sự việc” - luật sư của bị cáo Kiên nêu quan điểm.

Theo luật sư, cần phải làm rõ vấn đề này trong vụ án, bởi thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19, có 3 hình thức đưa người Việt Nam ở nước ngoài về là chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo và chuyến bay đơn lẻ. Bị cáo Kiên không liên quan đến chuyến bay giải cứu mang tính chất nhân đạo, miễn phí, mà bắt đầu từ các chuyến bay combo và đơn lẻ mang tính chất lợi nhuận thì bị cáo Kiên thực hiện hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, về tội danh VKS kết luận bị cáo Kiên phạm tội “Nhận hối lộ”, nhưng trên thực tế qua nghiên cứu hồ sơ và các chứng cứ khác thì đề nghị cần xem xét lại.

“Về mặt trách nhiệm hình sự chúng tôi khẳng định bị cáo Kiên có hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước phiên toà ngày hôm nay là xứng đáng, bị cáo Kiên nhận tiền của doanh nghiệp là có thật. Nhưng vấn đề là chức vụ của bị cáo Kiên khi nhận tiền và thẩm quyền của bị cáo đối với các công văn doanh nghiệp xin chuyến bay có thuộc thẩm quyền của bị cáo hay không...” - luật sư nêu quan điểm.

Từ các lập luận trên, vị luật sư cho rằng, hành vi của bị cáo Kiên có dấu hiệu tội “Lợi dụng ảnh hưởng của người chức vụ quyền hạn để trục lợi” là rõ hơn so với tội “Nhận hối lộ”. Đồng thời nêu ra 2 lý do đối với tội “Nhận hối lộ” thì chủ thể phải là người có chức vụ và được giao thực hiện công việc; thứ hai về hành vi khách quan là người trực tiếp làm hay không làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Cụ thể, về mặt chủ thể, quá trình công tác của bị cáo Kiên thời điểm xảy ra sự việc là chuyên viên trang thiết bị y tế của Bộ Y tế; 12/2019, Kiên được biệt phái sang làm giúp việc cho thứ trưởng Bộ Y tế… và qua tìm hiểu các văn bản tại Bộ Y tế tại thời điểm xảy ra sự việc không có chức danh thư ký cho Thứ trưởng và từ 1/7/2022 thì mới đề cập đến công việc của một chuyên viên giúp việc cho Thứ trưởng.

Ngoài ra, trong hồ sơ không có việc bổ nhiệm thư ký cho Thứ trưởng mà chỉ có phiếu trình làm công tác thư ký. Tháng 2/2022, Kiên không làm giúp việc và không có văn bản nào chấm dứt công việc mà chỉ “nói bằng miệng không làm nữa”...

Theo luật sư, về khắc phục hậu quả, nhận thức được hành vi phạm tội của mình, Kiên thông qua luật sư và gia đình đã nộp khắc phục 15 tỷ đồng. Ngày hôm nay (18/7 - PV) vợ bị cáo đang đi nộp tiếp khoản tiền 8 tỷ đồng và có đơn gửi HĐXX liên quan đến căn hộ chung cư trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) bị kê biên sẵn sàng xử lý để nộp khắc phục hậu quả...

Bị cáo bật khóc xin có cơ hội làm lại

Tự bào chữa cho bản thân tại phiên toà, bị cáo Phạm Trung Kiên xác nhận hành vi nêu trong cáo trạng là đúng. “Bị cáo rất ăn năn hối lỗi về việc đó, qua đây bị cáo gửi lời xin lỗi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân về hành động sai trái của mình”- Kiên nói.

Bị cáo Phạm Trung Kiên cũng xin bổ sung thêm một số tình tiết để làm rõ về việc không gây khó khăn cho doanh nghiệp. Kiên nói, trong tổ công tác 5 Bộ các lãnh đạo Bộ có Group Viber để trao đổi thông tin, mỗi khi Bộ Ngoại giao có công văn gửi xin ý kiến về việc tổ chức các chuyến bay combo thì anh Tô Anh Dũng, Đỗ Hoàng Tùng thông báo lên và đề nghị lãnh đạo các Bộ quan tâm có ý kiến trả lời…

“Các anh Dũng, Tùng cũng có văn bản nhắc các Bộ chưa có văn bản gửi Bộ Ngoại giao thì đề nghị khẩn trương có văn bản trả lời. Căn cứ nội dung đó thể hiện bị cáo không thể làm chậm được chuyến bay gây ảnh hưởng đến kinh doanh của các doanh nghiệp” - Kiên nói.

Ngoài ra, Kiên cũng khẳng định không ép buộc doanh nghiệp đưa tiền cho mình; đồng thời đưa ra dẫn chứng về việc bị cáo Trần Hồng Hà – Giám đốc Công ty Quốc tế Sao Việt và Phạm Bích Hằng (Phó Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế) từng chuyển 100-200 triệu đồng nhưng là thời điểm sau khi Bộ Y tế cấp phép các chuyến bay. “Điều đó thể hiện các anh chị ý đưa bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu chứ không có sự ép bức nào…” - bị cáo Kiên trình bày.

Sau khoảng 10 phút trình bày, bị cáo Phạm Trung Kiên bật khóc, mong HĐXX, VKS xem xét lại tội danh của bị cáo, cho hưởng mức án tù để bị cáo có cơ hội được làm lại…

MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.