> Sắp có làn sóng kịch lịch sử?
Chẳng ai có thể tưởng tượng được phía sau ánh hào quang sân khấu của đào chánh Mộng Lành ngày ấy là cuộc sống khốn khổ suốt gần 10 năm trời sống vỉa hè, mưu sinh bằng nghề bán vé số.
Cô đào Mộng Lành (bên trái) trong một vai diễn. |
Viện dưỡng lão nghệ sĩ, quận 8, TP HCM buổi trưa bình yên, các nghệ sĩ già đang mải mê với những câu chuyện nghề, chuyện đời của họ dưới tán cây ngập tràn tiếng chim sẻ hát.
Nghệ sĩ Mộng Lành năm nay vừa tròn 70 tuổi, bà là người ít tuổi nhất trong viện, là em út trong số các nghệ sĩ sân khấu lão làng đang sống lại viện dưỡng lão nghệ sĩ như: Phùng Há, Bạch Huệ, Thiên Kim, Lệ Thẩm…
Vào sống tại viện dưỡng lão đã được 6 năm, nghệ sĩ Mộng Lành nói rằng có lẽ đây là những năm tháng yên bình nhất của bà trong cuộc đời làm một nghệ sĩ.
Mười ba tuổi bỏ nhà theo gánh hát
Nghệ sĩ Mộng Lành sinh ra tại một miền quê nghèo tỉnh Cần Thơ. Kí ức về gia đình đối với bà ít ỏi lắm, chỉ nhớ đó là một miền đồng ruộng nghèo, ba má bà đi làm thuê cho tá điền, hiếm hoi sinh được bà và một người chị hai. Mộng Lành biết đến nghề hát từ năm mười ba tuổi.
Ngày đó thỉnh thoảng các gánh hát bội, hát cải lương lại đến biểu diễn rộn ràng khắp đình làng. Trốn ba má đi xem hát, chẳng hiểu từ khi nào cô bé nhỏ nhắn ấy thuộc làu những câu hát bội. Niềm đam mê nhen nhóm tự lúc nào không hay, như định mệnh cô bé mười ba tuổi theo chân đoàn hát bội Minh Tơ ngày đó nghe hát đến độ "quên đường về nhà".
Mười ba tuổi nghệ sĩ Mộng Lành rời khỏi gia đình bắt đầu cuộc sống trong đoàn hát, và ước mơ được một lần đứng trên sâu khấu. Cô bé Mộng Lành ngày đó làm những công việc nhỏ nhất trong gánh hát và bắt đầu học xướng ca từ các anh chị đi trước bằng cách nhẩm theo điệu nhạc từ trong cánh gà.
Những vai diễn đầu tiên là vai nữ tì, a hoàn không có lời thoại, rồi được làm diễn viên dự bị phòng khi diễn viên chính nghỉ ốm. Từng bước phấn đấu để được đứng lên sân khấu với vị trí đào chánh là khi đó nghiệp ca hát của bà mới thực sự bắt đầu.
Vào những năm 1960, khi phim ảnh và tuồng Đài Loan, Quảng Đông du nhập khắp Sài thành là thời kì khó khăn của gánh hát bội Minh Tơ ngày đó. Để có chỗ đứng với khán giả, các nghệ sĩ trong đoàn đã đưa cải lương vào lối hát bội đơn thuần; những điệu nhạc Đài Loan, nhạc Quảng cũng được tiếp thu đưa vào làm ca khúc trong tuồng hình thành nên cải lương hồ quảng.
Theo hát hồ quảng từ đó đến năm 25 tuổi, sau mười hai năm rong ruổi cùng đoàn hát, nghệ sĩ Mộng Lành đã được khán giả biết đến và yêu quý gọi tên. Sau giải phóng năm 1975 Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ chính thức lập ra và đi hát khắp các rạp hát, khi đó được khán giả biết đến mình nhiều hơn. Đoàn hát Minh Tơ nổi tiếng khắp Sài Gòn với tên tuổi nghệ sĩ Mộng Lành và một số nghệ sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ như Thanh Thế Bạch Lê Xuân Yến…
Phía sau vinh quang sân khấu
Nhớ lại vinh quang sân khấu với những vai diễn để lại dấu ấn trong lòng khán giả như vai diễn phản diện Hàn Tố Mai trong vở Đào Tam Xuân loạn trào, hay vai diễn võ tướng uy nghi Phàn Lê Huê trong vở Thần nữ dâng ngũ linh kỳ… nghệ sĩ Mộng Lành không giấu được cảm xúc.
Bà nói rằng bà sinh ra để đứng trên sân khấu, ước mơ duy nhất là được hát hoài, hát mãi, hát đến khi gục chết trên sân khấu.
Nhưng cuộc đời sống để hát ấy đã phải hi sinh tất cả để rồi không có gì nhận lại ngoài sự nghèo khổ và cô đơn. Bỏ nhà theo gánh hát, nữ nghệ sĩ dáng người nhỏ nhắn này đơn thương độc mã bước vào nghề, cho đến khi rời xa sân khấu người đàn bà cũng chưa có được một mụn con để an ủi. Chồng bà đã mất khoảng năm 1980.
Nghệ sĩ Mộng Lành trong căn phòng ở viện dưỡng lão. |
Nghệ sĩ Mộng Lành kể lại: Năm 23 tuổi bén duyên vợ chồng cũng là những năm tháng hào quang nhất của người nghệ sĩ. Cả hai vợ chồng bà khi đó đều dành hết lý tưởng cho sự nghiệp trên sân khấu, cũng như tâm lý chung của nhiều nghệ sĩ sân khấu lúc bấy giờ là… sợ có con.
Vì khi mang bầu hoặc có con cũng đồng nghĩa với việc người nghệ sĩ sẽ không thể đứng vững trên sân khấu. Các vai diễn sẽ không dành cho những bà bầu, khán giả sẽ quên mình đi một cách nhanh chóng. Đó là điều đau lòng nhất của người nghệ sĩ.
Tưởng chừng như khát khao làm mẹ là lớn lao nhất đối với người phụ nữ, ấy vậy mà những người phụ nữ làm nghệ thuật có thể hi sinh điều đó vì sự nghiệp. Giờ đã là một người phụ nữ thất thập, nghệ sĩ Mộng Lành mới chua xót nói: " Khi muốn có con thì đã già mất rồi".
Và trong cả cuộc đời buồn nhiều hơn vui ấy, nghệ sĩ Mộng Lành cũng chưa bao giờ nghĩ đến một căn nhà nhỏ nương thân những năm tháng tuổi già. Khi đoàn hát Minh Tơ giải tán, bà mới nhận ra mình không có chỗ nào gọi là nhà để về. Cuộc sống không còn đứng trên sân khấu trở nên quá khó khăn.
Ngày sống trong đoàn hát nhiều đào chánh, kép chánh cũng không có nhà riêng, cuộc sống lưu diễn nay đây mai đó, đoàn hát chính là ngôi nhà chung duy nhất. 64 tuổi nghệ sĩ Mộng Lành mới nhận ra thiếu một căn nhà trú ngụ.
Mộng Lành nói cuộc đời nghệ sĩ của bà luôn sống dựa vào bạn bè và khán giả. Trở về từ đoàn hát, bà có gần 20 năm sống cùng với một người bạn ở quận 4, TP HCM cho đến khi về viện dưỡng lão nghệ sĩ. Bà Trần Thị Bảy ban đầu là một người khán giả mê hồ quảng và mê tiếng hát Mộng Lành.
Khi Đoàn Minh Tơ còn biểu diễn ở đình Cầu Quan, lần nào có vở diễn là bà Bảy đều đi xem và quen biết nghệ sĩ Mộng Lành từ đó. Thương đời nghệ sĩ đơn độc của Mộng Lành, bà Bảy và nghệ sĩ Mộng Lành thân thiết như hai chị em ruột thịt, những ngày sau đó nghệ sĩ Mộng Lành về sống tại nhà bà Bảy ở quận 4.
Cuộc sống cũng không giàu có gì, dư dả nhất chỉ có tình bạn, sự thấu hiểu của một người đứng vị trí khán giả dành cho giọng ca Mộng Lành ngọt ngào ấy. Người ta nói, bà có phước mới gặp được một người tốt như chị Bảy. Hai con người đơn độc trở thành bạn bè lúc tuổi già ốm đau bệnh tật.
Được sự chăm sóc tận tình từng chút của bà Bảy mà nghệ sĩ Mộng Lành mới được nguôi ngoai sự cô đơn. Ba lần bệnh nặng phải mổ, chính bà Trần Thị Bảy đã bỏ tiền chạy chữa cho Mộng Lành cho đến khi căn nhà nhỏ của bà Bảy bị giải tỏa, tiền bạc cũng khánh kiệt bởi căn bệnh tai biến quái ác của nghệ sĩ Mộng Lành năm 2006.
Nói về người khán giả, người bạn hiếm có của mình, nghệ sĩ Mộng Lành chực khóc. Không một chút máu mủ ruột rà, tình cảm giữa bà Trần Thị Bảy và nghệ sĩ Mộng Lành còn hơn cả tình chị em. Sống trong sự đùm bọc, yêu thương ấy bù đắp vạn phần cho nỗi cô đơn những năm tháng lùi xa sân khấu của cô đào Mộng Lành ngày ấy.
Năm 2006 sau cơn tai biến từ bệnh viện trở về, hai người bạn già dắt dìu nhau che chiếc bạt nhỏ nơi góc vỉa hè chỗ căn nhà ngày xưa sống là hai kẻ vô gia cư mưu sinh bằng nghề bán vé số. Nghệ sĩ Mộng Lành khi đó đi chưa vững phải chống gậy, cánh tay trái đã liệt hẳn, giọng hát mới đây còn đi biểu diễn giờ cũng không còn.
Người phụ nữ chưa đến 70 tuổi mái đầu đã bạc trắng không còn sợi đen, mỗi một ngày bán vé số chỉ mong đủ tiền ăn đỡ đói, may mắn được những khán giả cùng thời nhận ra cô đào Mộng Lành ngày ấy hai chị em Mộng Lành và Trần Thị Bảy mới có bữa cơm tử tế.
Đầu năm 2007, nghệ sĩ Mộng Lành được duyệt đơn xin vào viện dưỡng lão nghệ sĩ sống những năm tháng tuổi già còn lại. Chị Bảy cũng được người cháu họ hàng xa đưa về nhà nuôi. Hai người bạn xa nhau quyến luyến nhưng đó là cách tốt nhất để kết thúc những tháng ngày hai người già yếu đuối phải vất vả mưu sinh và chống chọi với bệnh tật.
Ngẫm lại cuộc đời nghệ sĩ từ khi theo nghề hát năm mười ba tuổi, cái tên Mộng Lành hoàn toàn trái ngược với số phận buồn nhiều hơn vui của bà. Trời thiên phú cho nghệ sĩ giọng hát nhưng đến bây giờ khi lòng còn muốn hát thì bệnh tật ập đến là nghiệp hát ấy cũng điêu tàn, thứ duy nhất trời cho cũng không còn nữa.
Hàng tháng vào ngày rằm, viện dưỡng lão nghệ sĩ thường tổ chức biểu diễn sân khấu. Nhìn anh chị em tuy tuổi cao nhưng vẫn còn đứng trên sân khấu hát, nghệ sĩ Mộng Lành cũng cảm thấy tủi thân. Trời đã không chiều lòng người khi không cho người nghệ sĩ già được tiếp tục cất giọng ca dù là yếu ớt.
Nhìn lại cả cuộc đời tưởng chừng như chỉ toàn đau khổ nhưng trời không lấy hết mọi thứ của con người. Nghệ sĩ Mộng Lành vẫn thường cảm ơn trời phật vì đã mang đến cho bà những con người yêu thương mình đó là khán giả, người bạn Trần Thị Bảy hiếm có và người thầy cũng vừa là người bạn tri âm nghệ sĩ Minh Tơ.
Nghệ sĩ tiếng tăm Minh Tơ là người dìu dắt bà từ những ngày bước vào nghiệp hát, cũng chính ông là người luôn bảo vệ và có ảnh hưởng lớn đối với sự nghiệp của đào chánh Mộng Lành. Bà có gần 10 năm sống với nghệ sĩ Minh Tơ tại căn nhà của ông sau khi bà Bảy Sự vợ ông Minh Tơ mất, cho đến khi người nghệ sĩ tài hoa ấy gục chết trên tay của bà (sau đó nghệ sĩ Mộng Lành về sống tại nhà bà Trần Thị Bảy).
Nói về Minh Tơ, nghệ sĩ Mộng Lành luôn dùng kính ngữ trân trọng gọi ông là thầy. Đã có nhiều gian nan cuộc sống nhưng xét cho cùng tình cảm ấy đối với Mộng Lành rất đỗi thiêng liêng. Cho đến bây giờ bà vẫn không muốn chia sẻ tâm sự đó cho bất kì ai vì người đời không dễ dàng thấu hiểu. Rồi tuổi già cũng kết thúc bằng cái chết, mong rằng cuộc đời xí xóa cho con người mọi điều tiếng.
Giờ đây quãng thời gian sống ở viện dưỡng lão đã khiến cô đào Mộng Lành bình tâm lại, bà không còn nuối tiếc những gì cuộc đời đã mất. Cách tốt nhất để vui vẻ là tận hưởng cuộc sống yên bình trong viện cùng với những người bạn, những câu chuyện nghề nghiệp hàng ngày ôn lại.
Thi thoảng bà Trần Thị Bảy vẫn đến thăm Mộng Lành, mua quà cho bà và chia sẻ câu chuyện tình bạn của riêng họ. Viện dưỡng lão nghệ sĩ ai cũng biết đến và khâm phục tình bạn hiếm có này.
Nghệ sĩ Mộng Lành cùng tâm sự: nếu có kiếp sau chắc bà sẽ không chọn nghề ca hát mà sẽ ước mơ và phấn đấu một lần được làm vợ, làm mẹ, sống cuộc sống bình dị như những người phụ nữ khác. Còn ước mơ nhỏ bé cuối cùng bây giờ của bà là tận hưởng sự yên bình cuối đời tại viện dưỡng lão và cầu mong "ông bà" thương ban cho một cái chết nhẹ tựa lông hồng
Theo Câm Huyên
Cảnh Sát Toàn Cầu