CNN đưa tin trong cuộc họp báo của Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Rome (Italy) ngày 3/5, nhà sử học Silvano Vinceti tuyên bố đã giải quyết xong một trong những chủ đề tranh luận về bức tranh Mona Lisa. Đó là vị trí của cây cầu phía sau người phụ nữ nổi tiếng.
Sau lưng phía bên phải của nàng Mona Lisa có một cây cầu mờ ảo. Ảnh: Getty Images. |
Chuyên gia người Italy cho rằng bối cảnh trong bức tranh đầu thế kỷ 16 của Leonardo Da Vinci mô tả cầu Romito ở thị trấn Laterina thuộc khu vực Toscana (miền trung Italy).
“Hình dạng đặc biệt của sông Arno dọc theo dải lãnh thổ đó trùng khớp với những gì Leonardo miêu tả phong cảnh bên trái người phụ nữ trong bức tranh nổi tiếng”, ông nói.
Tuyên bố này như một cái tát vào ngôi làng Arezzo (Toscana). Người dân ở đây từng tự tin tuyên bố cây cầu trong bức tranh là Ponte Buriano và biến nó trở thành điểm du lịch chính tại địa phương. Họ thậm chí còn tuyên bố sở hữu cây cầu trên tấm biển chào mừng vào làng.
Thế nhưng, bằng các phương pháp như dựng đồ họa cây cầu, nghiên cứu bờ sống bằng máy bay không người lái và sử dụng tài liệu trong kho lưu trữ của Florence (thủ phủ của Toscana), ông Vinceti bác bỏ niềm tin của làng Arezzo.
Theo nhà sử học, từ năm 1501 đến 1503, giai đoạn vẽ Mona Lisa, Leonardo Da Vinci sống gần Laterina với Hồng y Cesare Borgia. Ngoài ra, cây cầu ở Laterina có bốn mái vòm như được mô tả trong bức tranh, trong khi Ponte Buriano có sáu mái vòm.
Ông Vinceti thậm chí còn xem xét cả Ponte Bobbio, một cây cầu ở Piacenza, bởi có điểm tương đồng. Tuy nhiên, giả thiết đó không đúng vì Ponte Bobbio có hơn 6 mái vòm.
Nhiều năm qua, người ta tin rằng cây cầu trong tranh là Ponte Buriano. Ảnh: Stockphoto. |
Cầu Romito trước đây nối Arezzo, Fiesole và Florence nhưng giờ đã thành đống đổ nát. Tuy vậy, Vinceti khẳng định không thể nhầm lẫn bởi đã xem xét tư liệu, ảnh chụp trong nhiều năm để xác định.
Thị trưởng Laterina Simona Neri cũng có mặt trong buổi họp báo. Bà bày tỏ sự vui mừng khi nghĩ đến viễn cảnh cây cầu thu hút khách du lịch đến thị trấn 3.500 dân của bà.
Kiệt tác của Leonardo Da Vinci hiện được lưu giữ tại bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp. Nó thu hút hàng triệu du khách đến xem mỗi năm.
Các chuyên gia cho rằng bức tranh nổi tiếng toàn cầu là do từng bị tên trộm người Italy Vincenzo Peruggia đánh cắp vào năm 1911, chứ không phải do yếu tố nghệ thuật đặc biệt nào.
“Nếu một tác phẩm khác của Leonardo bị đánh cắp, đó sẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất thế giới chứ không phải Mona Lisa. Bản thân nó không có gì thực sự nổi bật, ngoài việc nó là tác phẩm tốt của một họa sĩ lừng danh, cho đến khi nó bị đánh cắp. Vụ trộm là thứ thực sự làm tăng sức hấp dẫn của nó và khiến nó trở thành một cái tên quen thuộc”, Noah Charney, giáo sư lịch sử nghệ thuật kiêm tác giả của cuốn The Thefts of the Mona Lisa, cho biết vào năm 2013 - đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày bức tranh được tìm thấy.
Hàng triệu người ghé bảo tàng Louvre xem Mona Lisa mỗi năm. Ảnh: Getty Images. |