Bí ẩn Thành Nhà Hồ xây chỉ 3 tháng

Mô hình Vọng lâu Cổng Nam Thành Hồ.
Mô hình Vọng lâu Cổng Nam Thành Hồ.
TP - Thành Nhà Hồ chẵn năm năm được UNESCO tôn vinh là Di sản Văn hóa thế giới. Ngôi thành đá kỳ vĩ độc nhất vô nhị đã trơ gan cùng tuế nguyệt hơn 600 năm.

Cứ có cảm giác là lạ, bởi vô khối các công trình những là thành quách đền đài miếu mạo cùng những vật thể cùng phi vật thể này khác dằng dặc trải suốt các triều phong kiến Đại Việt nhưng cái ông UNESCO lại để mắt đến một công trình của một ông vua ở ngôi chỉ 7 năm. Mà ông vua ấy, Hồ Quý Ly đứng đầu một triều đại hàng trăm năm nay, các nhà chép sử không tiếc lời rủa xả là ngụy, là không chính danh! Hoành tráng chĩnh chiện như cuốn Toàn thư (Đại Việt sử ký toàn thư) sử thần Ngô Sĩ Liên đã không ngần ngại chép và tách riêng ra một kỷ (thiên-chương) gọi là Ngụy Hồ!

Vậy mà Tổ chức Văn hóa giáo dục của Liên Hiệp Quốc đã không lấy đó làm điều, dẫu muộn nhưng đã sáng suốt tôn vinh Thành Hồ là Di sản văn hóa nhân loại. Cứ như động thái đó là nghĩa cử của việc minh oan chiêu tuyết cho tác giả thành Hồ - Hồ Quý Ly.

Tác giả? Chứ sao! Thử lật lại một đoạn trong chính sử. Vẫn là cuốn Toàn thư viết thế này.

 Mùa xuân năm Đinh Sửu niên hiệu Quang Thái thứ mười, tức là năm 1397 tháng Giêng, Hồ Quý Ly sai Lại bộ thượng thư kiêm Thái sư lệnh Đỗ Tỉnh đi coi đất rồi đo đạc động An Tôn Phủ Thanh Hoa đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc, mở đường phố có ý muốn dời đô. Việc trong ba tháng thì xong.

Việc trong ba tháng thì xong!

Với cụm từ đó trong Toàn thư, Hồ Quý Ly đã gieo vào hậu thế một tồn nghi nhọc nhằn. Bởi cộm cán như Viễn Đông Bác cổ thời Pháp, đến ngành Khảo cổ của chế độ mới, các chuyên gia từng loay hoay nhiều năm với không ít tiền của nhưng vẫn chả thể giải mã nổi việc trong ba tháng thì xong ấy. Những năm 1990 lại được sự giúp sức của Đại học Chiêu Hòa (Nhật Bản) nhưng cái cụm từ ấy vẫn như đang tiếp tục thách đố qua các đợt nối nhau dài dài những điều nghiên, khai quật thám sát Thành Hồ.

Lần ấy, tôi may mắn được lặp lại động thái  ngước lên như người thả diều, coi diều của bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam. Chả là bà Katherine Muller Marin khi ấy dẫn theo hàng chục nhà ngoại giao đi coi xét thực địa Thành Hồ. Khi ngẩng, ngước lên như thế, bà đã thốt lên nhiều lần hai từ bí ẩn với các nhà ngoại giao! Bí ẩn việc ba tháng vừa thiết kế vừa thi công một tòa thành chu vi 4 cây số vuông cao 10 mét và 4 vòm cổng! Bí ẩn việc ghép hàng ngàn vạn những viên đá, thớt đá hình vuông hình chữ nhật (viên lớn có kích cỡ dài 5,1m rộng 1,59m cao 1,3m) trong 20 ngàn mét khối đá. Bà Katherine Muller Marin nói mà như than rằng, việc kỳ khu và cũng là kỳ quan khi xây cất 4 vòm cổng thành, việc ghép các khối đá hình múi cam cho những vòm cổng ngất ngư mà không dùng bất kỳ vật liệu nào để kết dính? Rồi bí ẩn khối lượng đá lớn như thế lấy ở đâu? Vận chuyển bằng kiểu gì? v.v..

Chợt nhớ đêm đón bằng Di sản, trước những ràn rạt quan khách, như thứ ngạc nhiên chung thủy, bà Katherine Muller Marin cũng đã lặp hai từ bí ẩn trong đêm thiêng ấy.

Bữa nay về lại Thành Hồ. Gặp lại Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Thành Hồ. Chức giám đốc mà nhiều người nói vui là ông từ giữ Đền thiêng Thành Hồ. Chợt nhớ, TS Trọng từng rịn mồ hôi tay hồi hộp khi trực tiếp theo dõi diễn tiến của phiên họp sáng ngày 27 tháng 6 năm 2011, Hội nghị lần thứ 35 Ủy ban Di sản văn hóa thế giới UNESCO tổ chức tại Paris, Pháp, Thành Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới như thế nào.

...Tôi chép vội vào sổ biên việc ít sự kiện qua 5 năm mang tên Di sản cũng là cam kết của UBND tỉnh Thanh Hóa với UNESCO.

Cụ thể, toàn bộ khu vực bảo vệ I của Di sản Thành Hồ gồm Thành Nội, La Thành, Đàn Nam Giao hiện đã được khoanh vùng bảo vệ bằng mốc chỉ giới; Quy định khống chế chiều cao các công trình xây dựng trong khu vực đệm Di sản. Rồi kế hoạch cụ thể để bảo tồn nguyên vẹn cảnh quan núi, sông của vùng đệm, chủ tịch tỉnh đã có quyết định thu hồi giấy phép các mỏ khai thác khoáng sản. Đã cho lập dự án xây dựng trạm xử lý rác thải (ngoài vùng đệm) bằng công nghệ hiện đại. Thanh Hóa đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản khảo sát, lập đề án và thực hiện xây dựng bản đồ vệ tinh kỹ thuật số sử dụng hệ thống thông tin toàn cầu (MAP GIS) cho Di sản.

…Tôi chú mục vào TS Trọng để nghe kỹ hơn việc phát hiện và nghiên cứu kỹ thuật xây dựng tường thành đá lớn, một bí ẩn mà bà Katherine Muller Marin từng băn khoăn lẫn nắc nỏm. Một việc mà giám đốc Trọng coi là được giới nghiên cứu trong và ngoài nước nêu ra trong nhiều thập kỷ của thế kỷ 20 mà vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Chỉ sau thời điểm nhận bằng Di sản, các nhà khoa học trong nước và ngoài nước đã tìm ra nhiều câu trả lời cho vấn đề trên như: Nguồn gốc đá xây thành; các công trường khai thác và chế tác, tu chỉnh đá xây thành; cách thức khai thác và công cụ chế tác đá xây thành...

Kết quả khai quật đã phát lộ núi An Tôn (xã Vĩnh Yên) gần Thành Hồ chính là công trường khai thác nguyên liệu đá xây dựng kinh thành Tây Đô. Sau công trường An Tôn, hàng loạt các công trường khai thác đá cổ khác đã được phát hiện như núi Xuân Đài, núi Nhà Rồng, núi Tiến Sĩ (xã Vĩnh Ninh) cũng thuộc huyện Vĩnh Lộc.

Rồi nữa, trong các năm 2015 - 2016, di tích Hào thành Nam và Hào thành Bắc được khai quật, nghiên cứu với diện tích 5.000m2. Di vật thu được đã minh chứng cho sự tồn tại một đại công trường tập kết, chế tác, tu chỉnh đá dưới chân tường thành với diện tích ước khoảng 180.000m2.

Tháng 5 năm 2016, Trung tâm đã cùng với chuyên gia cơ quan nghiên cứu bảo tồn quốc tế khảo sát phát hiện được 24 dấu tích kỹ thuật (các rãnh đục) còn lưu trên các phiến đá xây tường thành với kích thước khác nhau. Đó là những dấu tích của kỹ thuật khai thác và chế tác đá thời Hồ còn lưu dấu ở chính những khối đá lớn trên tường thành.

 Do khuôn khổ bài báo nên chả thể biên hết ra đây những phát hiện mới như kỹ thuật gia cố móng, nền xây tường thành; vấn đề sử dụng chất kết dính trong xây dựng tường thành đá lớn; dấu tích các thời đại trong việc tu sửa bức tường thành đá…

Bí ẩn Thành Nhà Hồ xây chỉ 3 tháng ảnh 1

Cửa Nam Vọng lâu Cổng Nam Thành Hồ

Một ngạc nhiên nữa, năm 2011, dự án khai quật Cổng Nam Thành Hồ đã phát lộ con đường Hoàng gia được nhà Hồ cho xây dựng nối từ Thành Nội đến Đàn Nam Giao. Được đánh giá là con đường đá cổ đẹp và được bảo tồn nguyên vẹn nhất cho đến hiện nay ở Việt Nam. Lại phát hiện kiến trúc công trình phòng thủ Ủng thành. Ủng thành là lũy phòng thủ ở cổng thành lần đầu tiên được tìm thấy ở Việt Nam. Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là kiến trúc độc đáo, hiếm có ở nước ta thời phong kiến được xây dựng sau giai đoạn Trần - Hồ; Di tích đàn tế Nam Giao cũng tiếp tục được nghiên cứu, khai quật với diện tích 24.000m2. Kết quả nghiên cứu đã vượt qua sự mong đợi của các nhà khoa học. Một di tích chứa đựng những giá trị lịch sử văn hóa liên quan đến thượng tầng kiến trúc vương triều Hồ đã được phát lộ tương đối rõ nét, với các cấp nền đàn tế, nền móng và tường đàn, giếng Vua, đường thần đạo, thần trù, thần khố, hệ thống các loại hình cống thoát nước, mộ táng động vật trấn yểm và hàng vạn hiện vật với các loại hình khác nhau có niên đại thế kỷ XIV-XV...

  Dẫn ra như thế để thấy, thành quả công tác nghiên cứu khoa học 5 năm qua đã phần nào minh chứng và lý giải cho câu hỏi lớn của lịch sử là tại sao Hồ Quý Ly và các cộng sự có thể xây dựng kinh thành Tây Đô trong thời gian 3 tháng.

Vẫn chưa hết. Đề án nghiên cứu khai quật khảo cổ học chiến lược giai đoạn 2013 - 2020 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt với diện tích khai quật 56.000m2, trong đó có các hạng mục: Hào thành, chính điện, đường hoàng gia, các cổng thành. Hiện nay, di tích Hào thành phía Nam và Hào thành phía Bắc được khai quật, nghiên cứu.

Cũng có một chút hụt hẫng. Dẫu việc tuyên truyền, quảng bá có nhiều cách làm sáng tạo (được tổ chức giới thiệu đến các công ty lữ hành, tour du lịch) trong 5 năm qua, song du khách trong nước và quốc tế đến với Di sản thế giới Thành Hồ từ con số khoảng 20.000 lượt khách năm 2010 đến năm 2015 cũng chỉ  đạt 100.000 lượt khách.

Còn đang ló dạng nhiều bộn bề, khó khăn. Tỷ như ngân sách còn kẹt nên việc giải phóng và bàn giao một phần lớn khu vực bảo vệ I của Thành Nhà Hồ chưa được bàn giao cho Trung tâm quản lý di sản. Nguồn lực hiện nay chưa đáp ứng trong việc quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị một khu vực di sản rộng lớn 5.234 ha bao gồm địa giới hành chính 8 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Vĩnh Lộc.

Việc triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể khu di sản Thành Nhà Hồ gắn với phát triển du lịch thực hiện trong thời gian khá dài nên chưa nhận được những cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương.

Rời Thành Hồ, cũng ghi thêm một nguyện vọng của ông thủ từ Đỗ Quang Trọng cũng là mong ước của anh chị em ở Trung tâm là đang đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt đề án nâng cấp Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa.

Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ thêm cái điều tưởng lạc đề, là các nhà chức việc lẫn cơ quan có trách nhiệm biết đâu cũng gắng tìm cho ra phần mộ của ông vua cải cách Hồ Quý Ly, tác giả Di sản Thành Hồ cùng người con trai Hồ Hán Thương (với cái tài chế tạo súng thần công được nhà Minh trọng dụng và thăng chức cao). Hiện phần mộ ở Trung Hoa lục địa mà công luận từng đề cập, nhắc nhở?

MỚI - NÓNG