Cuộc khai quật lần này được thực hiện tại khu vực Hào Thành phía Bắc với diện tích khai quật 3.000m2. Bước đầu, đã phát hiện nhiều di tích và di vật quan trọng: Bề mặt hố khai quật là lớp cỏ phủ kín và lớp đất sét xám nhạt, tơi, xốp, độ dày không đều nhau.
Di vật lớp mặt xuất lộ không nhiều, chủ yếu là các mảnh dăm đá giai đoạn muộn nằm lẫn trong đất, sỏi cuội kích thước nhỏ; một số khối đá với nhiều kích thước khác nhau nằm ngổn ngang trong phạm vi hố khai quật; mảnh gạch, ngói phân bố không đều. Kết cấu bờ hào, xuất hiện hình dáng dốc dần từ phần bề mặt xuống phần thành bờ và vát chéo xuống đáy hào…
Dựa trên mặt bằng khai quật và xem xét chi tiết các dấu tích văn hóa xuất lộ, xác định đây có một nền kiến trúc gia cố chân thành phía Bắc và hệ thống Hào Thành phía Bắc được gia cố bằng đá khối kích thước nhỏ và đất sét đầm lẫn nhiều sạn sỏi.
Ngoài ra, cuộc khai quật còn làm xuất lộ nhiều khối đá nguyên khối và đá phiến có kích thước khá lớn, hình hộp chữ nhật. Các di vật thu được với số lượng lớn về loại hình, chất liệu, hoa văn.
Đó là nhóm các vật liệu kiến trúc như gạch, gói, đá, trang trí kiến trúc; sành, sứ, tiền kim loại. Các lớp trên, hiện vật chủ yếu thuộc niên đại Lê - Nguyễn xuống lớp dưới chủ yếu thuộc niên đại Trần - Hồ.
Theo ý kiến đánh giá của các nhà khoa học thì ngoài chức năng phòng thủ, Hào Thành còn là một công xưởng chế tác, tinh chế đá.