Nguyễn Đắc Xuân và cuộc “bén duyên” với lăng mộ Hoàng đế Quang Trung
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, qua nhiều sử liệu xác thực, sau khi vua Quang Trung mất đột ngột, Nguyễn Ánh (vua Gia Long – vị vua đầu tiên triều Nguyễn (1802-1945) cuối cùng tại Huế) đã nắm chắc được những thông tin về nơi tọa lạc lăng mộ Quang Trung nên khi lên ngôi vua đã quyết định quật mộ của vua Quang Trung, nấu chảy toàn bộ đồ tự khí bằng đồng của Tây Sơn rồi đúc thành chín khẩu thần công (nay đang trưng bày trước mặt Hoàng thành Huế), hủy bỏ sách vở, tài liệu mang niên hiệu Quang Trung, Cảnh Thịnh; đổi tên những địa danh của anh em nhà Tây Sơn đã sống qua; hủy bỏ những nơi Tây Sơn đã sử dụng, dời đổi những trị sở Tây Sơn từng đi qua… còn gọi là “tận pháp trừng trị” nhà Tây Sơn. Toàn bộ phong trào Tây Sơn đã bị trả thù một cách nghiệt ngã. Từ đó, những thông tin về lăng mộ, dấu tích của Quang Trung đã bị xóa sổ.
“Tuy nhiên lịch sử vẫn là lịch sử, nó không chịu viết ra theo ý kiến của bất cứ ai. Do đó những sử liệu của nhà Nguyễn có liên quan đến vấn đề này vẫn còn có những “kẻ hở” để chúng ta có thể tách ra được những thông tin cần thiết, phục vụ cho việc đi tìm lăng mộ vua Quang Trung ở Huế” – ông Xuân bày tỏ.
Để tiếp cận được vấn đề này trong hơn 30 năm qua, ông Xuân đã dùng 2 phương pháp chính là săn tìm thông tin trong sử sách rồi khảo sát thực địa để tìm ra được những điều khó hiểu tập trung lại ở chung quanh chùa Thuyền Lâm (tên cũ Thiền Lâm) và Vạn Phước ở trên gò Dương Xuân (phường Trường An, TP Huế hiện nay).
Ông là người đầu tiên khám phá ra được những sự khó hiểu đó có liên quan đến cung điện Đan Dương và huyệt mộ vua Quang Trung. Bỏ ra hơn nửa đời người để giải mã những bí ẩn và vô số điều khó hiểu ở gò Dương Xuân, việc nghiên cứu của ông thận trọng, dò dẫm, công bố từng bước và lắng nghe dư luận, để kết luận một giả thiết với nhiều độ tin cậy cao, được nhiều đồng nghiệp, giới nghiên cứu đánh giá là có cơ sở.
Giả thiết của ông Xuân là cung điện Đan Dương của vua Quang Trung nằm ở vùng Phủ Dương Xuân thời cuối các chúa Nguyễn (thuộc vùng gò Dương Xuân hiện tại). Khi vua Quang Trung băng hà thì lăng mộ - nơi chôn cất nhà vua được đặt ngay trong cung điện để tạo sự bí mật trong thời điểm có nhiều “thù trong giặc ngoài” của vua. có Sau khi Nguyễn Ánh đánh thắng quân Tây Sơn và lên ngôi vua đã cho khai quật lăng mộ “kẻ thù” Quang Trung, đồng thời cố xóa hết toàn bộ dấu vết cung điện Đan Dương.
“Đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung – từ nửa đầu của thế kỷ XX, là một thao thức của các nhà sử học Việt Nam, đặc biệt là những nhà nghiên cứu Huế. Là một người nghiên cứu Huế, tôi không thể đứng ngoài sự thao thức ấy” – ông Xuân thổ lộ về cuộc hành trình đi tìm một bí mật lịch sử chưa có lời giải đáp đã lấy hết nửa đời người của ông.
Được sự đồng ý của Bộ VH,TT&DL cho phép cấp giấy phép khai quật khảo cổ tại vùng gò Dương Xuân những ngày đầu tháng 10/2016 dưới sự chủ trì của Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế tìm dấu vết cung điện Đan Dương và lăng mộ Quang Trung - đã minh chứng cho sự thành công của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trong việc chứng minh giả thiết của mình.
Câu chuyện ly kỳ truy tìm dấu vết cung điện Đan Dương và lăng mộ Hoàng đế Quang Trung được chúng tôi trân trọng tìm hiểu giới thiệu đến toàn thể bạn đọc
Tồn tại các kiến trúc Đô thành Phú Xuân thời cuối các chúa Nguyễn
Cố đạo Jean Koffler sinh năm 1711 ở Pra-ha, ông đến Nam Hà vào năm 1740 và được chúa Nguyễn Phúc Hoạt/Khoát mời làm ngự y trong cung Nguyễn và rất được tin dùng. Sau đó vì chủ trương không dùng người phương Tây của chúa Nguyễn, nên Jean Koffler bị buộc phải rời Phú Xuân vào năm 1755. Ông sang Bồ Đào Nha. Gặp phải lúc thủ tướng Pombal không ưa Dòng Tên nên ông bị giam vào ngục. Trong cảnh tù tội, Jean Koffler viết cuốn “Nam bộ sử chí” (Description historique de la Cochinchine). Trong cuốn sử chí quan trọng này, J.Koffler dành nhiều trang viết về Dinh phủ thời Võ Vương Nguyễn Phúc Hoạt/Khoát như sau:
“Dinh chúa xếp theo hình chữ khẩu, tường bọc ba lớp. Có bảy cửa chính để đi vào: cửa đẹp hơn cả hướng ra sông Hương làm thành mặt tiền cho cả toà, phía trên có vọng gác[…]
Ngoài chỗ ở ấy của chúa, còn có 3 cung điện khác nữa.[...] Cung điện thứ nhì dùng làm cung điện Mùa đông của chúa dựng lên ở bên kia sông” (outre cette demeure royale (c’est-à-dire le grand palais), il y a encore trois autre palais... Le second, qui sert au roi de résidence d’hiver, est construit sur la rive opposée du fleuve. Ông Xuân nhấn mạnh chữ “dựng lên ở bên kia sông” đối với cung điện thứ nhì của chúa Nguyễn trong câu chuyện sau này.
Ngoài những cung điện riêng của Võ Vương, sử sách còn cho biết chung quanh Đô thành Phú Xuân (Huế) còn có nhiều kiến trúc nổi tiếng khác mà linh mục Léopold Cadière đã nghiên cứu và ghi lại trong bài Những Dinh Phủ của các vua ở Xứ Đàng trong trước Gia Long gồm 2 ngôi điện: Kim Hoa và Quang Hoa; 3 gác (Các): Diên Trì, Triêu Dương và Quang Thiên; 4 nhà (đường): Tựu Lạc, Chính Quang, Trung Hòa và Di Nhiên.
Năm 1774, Trịnh quân chiếm Phú Xuân, Lê Quý Đôn vào làm quan ở Phú Xuân, khi viết “Phủ Biên Tạp Lục”, Lê Quý Đôn đã ca ngợi hết lời cảnh quan, kiến trúc Đô thành Phú Xuân lúc bấy giờ:
“Đâu đâu cũng đều là nhà lớn nguy nga, đài cao rực rỡ. Vòng quanh bức tường thành và các nhà tả vu, hữu vu, đều có cửa trong, cửa ngoài thông ra bốn phía. Các điện đài đều được tô son, khắc chữ, vẽ tranh trang hoàng huy hoàng. Nhân công đến như thế thật là cùng cực. Các ngôi nhà đều có nền móng bằng phẳng, đều được lát gạch và lát đá cả”.
Nhưng ông cũng lên án quân Trịnh trong thời gian chiếm đóng Phú Xuân (1774-1786) đã phá dỡ phần gỗ nhiều kiến trúc đẹp để làm củi đốt.
Nguyễn Huệ/Quang Trung thời ở Huế có 1 cung điện chính ngoài Đô thành Phú Xuân
Ông Xuân cho hay, tháng 6/1786, Nguyễn Huệ đưa quân Tây Sơn từ Bình Định ra giải phóng Đô thành Phú Xuân trong tay quân Trịnh. Lấy được Đô thành Phú Xuân nhưng Nguyễn Huệ không vào thành mà trú ở một nơi khác trước khi tiến quân ra Bắc “Diệt Trịnh phù Lê”. Ông biết được việc nầy nhờ thông tin sau đây:
Năm 1792, Macartney được cử sang làm đại sứ của nước Anh tại Trung Quốc. Trong sứ đoàn có John Barrow biết tiếng Trung Quốc làm quản gia. Trong chuyến du hành, vào những năm 1792-1793 sứ đoàn có ghé lại Đà Nẵng. Trong thời gian nầy John Barrow khởi thảo cuốn “A voyage to Cochinchina in the years 1792-1793” (Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà trong các năm 1792-1793). Tại trang 251 cuốn bút ký hiếm hoi nầy, John Barrow cho biết: “Long-niang had scarcely set foot in his capital Hué-foo, before he took occasion to quarrel with the king of Tung-quin” (dịch nghĩa “Long-niang (hay còn phiên âm ra Long Nhương là tên Nguyễn Nhạc phong cho Nguyễn Huệ) hầu như chưa đặt chân tới kinh đô của mình là Huế-phủ trước khi ông ta có cơ hội để gây sự với nhà vua Bắc Hà”).
Chuyện Nguyễn Huệ không vào Đô thành Phú Xuân trước khi ra Bắc “phù Lê diệt Trịnh” ta có thể hiểu được: Thứ nhất: Hàng ngàn quan quân Trịnh vừa bị giết, xác chết chưa chôn kịp thối tha làm sao vào đó ở được. Thứ hai: Qua nghiên cứu kinh thành Huế, nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho biết Đô thành Phú Xuân như giới thiệu trên, được xây dựng trên một hòn đảo mà người phương Tây gọi là Vương đảo. Vương đảo được bao bọc bởi con sông Hương phía trước và sông Kim Long phía sau. Khai thác đặc điểm đó, hồi tháng 6/1786, Nguyễn Huệ đã cho thủy quân áp sát chân thành mặt trước và cả mặt sau, đợi thủy triều lên chỉa súng vào thành, diệt gọn đội quân mà chúa Trịnh đã đưa vào trấn giữ Phú Xuân.
Sau khi hoàn thành sứ mệnh “Phù Lê diệt Trịnh” ở Bắc Hà, Nguyễn Huệ kéo quân trở lại Phú Xuân đem theo nhiều của cải quý giá của Bắc Hà. Theo dõi tình hình ấy, trong một lá thư viết ngày 23-7-1788, tại Phú Xuân, giáo sĩ La Bartette cho biết:
“Từ khi Tân vương (Nguyễn Huệ) về Phú Xuân, ông ấy bận phòng ngự: ông đã cho xây cất một bức tường cao 20 pi-ê (6,48m) chung quanh Dinh ông. Hình như ông gấp lắm, ông bắt mọi người làm việc sáng đêm không nghỉ. Người ta nói rằng Ông cho đặt súng đại bác chung quanh. Người ta còn nói, Ông sắp xây tường hai bên sông chảy qua Phú Xuân và đặt súng đại bác ở đó. Người ta tin rằng Ông làm như vậy vì ông sợ thủy quân (địch). Chính tại thành này ông đã cất số vàng bạc ông đã kiếm được ở Bắc Kỳ”.
“Thông tin trong lá thư của La Bartette ông đã cho xây cất một bức tường cao 20 pi-ê (6,48m) chung quanh Dinh ông chứng tỏ trước khi xua quân ra Bắc Hà, Nguyễn Huệ đã có một dinh riêng. Dinh nầy không phải do quân đội Tây Sơn xây dựng (vì mới ra Phú Xuân rồi kéo quân đi liền làm sao xây kịp) mà chính là một dinh cũ mà ông đã chọn ngay khi ra đến Phú Xuân. Thông tin nầy cho phép ta khẳng định Nguyễn Huệ đã có một dinh riêng.
Sách Lê Quý Dật Sử của Bùi Dương Lịch (1757-1828) – người cùng thời, viết rằng vào năm Kỷ Dậu (1789) sau khi Bắc tiến đánh đuổi quân Thanh “Nguyễn Huệ thắng trận trở về, bèn định đô ở Phú Xuân, đắp thêm thành quách, mở rộng cung điện…”
Do Nguyễn Huệ không ở trong Đô Thành, không xem trọng Đô thành Phú Xuân vì từ lúc chưa lên ngôi, Nguyễn Huệ đã có quyết định dời Kinh đô ra Nghệ An. Thực hiện việc “đắp thêm thành quách, mở rộng cung điện” sau khi Nguyễn Huệ đã lên ngôi lấy niên hiệu là Quang Trung và vừa đại thắng 29 vạn quân Thanh. Trong khi chờ đợi ra Nghệ An, ông cho “đắp thêm thành quách, mở rộng cung điện” như trên để tương xứng với vị thế một vị hoàng đế. Và Bùi Dương Lịch đã mách cho ta biết vua Quang Trung đã có một cung điện riêng” - ông Xuân khẳng định.