BHXH Việt Nam chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Những năm qua, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam luôn quyết tâm đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin của ngành theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Qua đó đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm

Thực hiện Nghị định 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Bảo hiểm (là 1 trong 6 Cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng được Chính phủ ưu tiên triển khai), BHXH Việt Nam được giao là đơn vị chủ quản của Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Bảo hiểm.

Xác định rõ vai trò và trách nhiệm, BHXH Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, tập trung, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành; danh mục dữ liệu mở để sẵn sàng kết nối, chia sẻ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Hiện, ngành BHXH Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện kho Cơ sở dữ liệu của hơn 98 triệu người dân, tương ứng gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB); có trên 620.000 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc... Đây là tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên môi trường số.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam luôn đi đầu trong kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành. Ngay khi Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên được Bộ Công an triển khai kết nối, chia sẻ, đồng bộ thông tin công dân.

Tính đến hết tháng 9/2022, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực gần 52 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ trên 61 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho Cơ sở dữ liệu về dân cư.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đang đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành để “làm giàu” thêm Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể như, kết nối, chia sẻ dữ liệu khai sinh, khai tử, hưởng chế độ tử tuất, mai táng phí với Bộ Tư pháp (thực hiện liên thông đăng ký khai sinh - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi trên toàn quốc); chia sẻ dữ liệu thẻ BHYT cho các cơ sở y tế để phục vụ khám chữa bệnh BHYT, bàn giao Cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT cho Bộ Y tế để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử; chia sẻ dữ liệu với Tổng cục Thuế; chia sẻ dữ liệu và xác thực thông tin để hoàn thiện dữ liệu về học sinh, sinh viên với Bộ GD&ĐT; chia sẻ nhóm thông tin về BHXH, BHTN với Bộ LĐ-TB&XH...

Đáng chú ý, trong 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT phục vụ đối chiếu, đồng bộ với dữ liệu tiêm chủng cho Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia. Đồng thời phối hợp, cung cấp thông tin từ Cở sở dữ liệu Quốc gia về Bảo hiểm với UBND các tỉnh, thành phố để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.

BHXH Việt Nam chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp ảnh 1
Người dân sử dụng ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thẻ giấy trong khám chữa bệnh BHYT

Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN

Hiện, toàn ngành BHXH Việt Nam có gần 30 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin quản lý các quy trình nghiệp vụ của ngành. Gần như các hoạt động của ngành, giao dịch của người dân, doanh nghiệp với cơ quan BHXH đã thực hiện trên môi trường số. Qua đó góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí trong giao dịch với cơ quan BHXH.

BHXH Việt Nam đã nâng cấp phần mềm phục vụ tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng Căn cước công dân có gắn chíp làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT. Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc của Căn cước công dân gắn chíp. Tính đến hết tháng 9/2022, toàn quốc đã có 11.556 cơ sở y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng Căn cước công dân gắn chíp (chiếm trên 90% tổng số cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc), với hơn 3,1 triệu lượt tra cứu.

BHXH Việt Nam cũng cung cấp dịch vụ công “Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng” trên Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. BHXH Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ LĐ-TB&XH tích hợp dịch vụ “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Hiện, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho tất cả thủ tục hành chính của ngành; tích hợp, cung cấp 20 dịch vụ công thuộc 14 thủ tục hành chính của BHXH Việt Nam trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; cung cấp 7 dịch vụ công trên ứng dụng “VssID - BHXH số”. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, Cổng Giao dịch BHXH điện tử và Hệ thống Thông tin giám định BHYT của ngành tiếp nhận và xử lý gần 300 triệu lượt hồ sơ.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho hay, thời gian tới, BHXH Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người dân tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT làm trung tâm; hướng tới mục tiêu hoàn thiện ngành BHXH Việt Nam số, đem lại hiệu quả trong quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

MỚI - NÓNG