Bêu tên chưa đủ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong thời buổi kinh doanh khó khăn như hiện nay, việc nợ thuế là điều khó tránh khỏi với các doanh nghiệp. Thế nhưng, nợ kiểu “chây ì” và cố tình không nộp thì việc bêu tên doanh nghiệp xem ra không còn hữu hiệu.

Cục Thuế TPHCM vừa công bố danh sách nợ thuế đợt 2 năm 2023 với 198 doanh nghiệp và số tiền nợ lên đến hơn 8.000 tỷ đồng. Trong đó, có những doanh nghiệp nợ hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế, số khác nợ từ 20 – 50 tỷ đồng chiếm số lượng lớn.

Đáng nói, những con số trên chỉ là một phần nhỏ của nợ thuế năm 2023. Trước đó, cơ quan này cũng đã công bố số tiền nợ thuế tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2023 với hơn 53.000 tỷ đồng. Tình trạng này, không chỉ xảy ra ở TPHCM. Danh sách doanh nghiệp nợ thuế, thậm chí nợ “chây ì” nhiều năm liền, mà cơ quan thuế chưa thể thu hồi tăng đều đặn hàng tháng.

Tổng cục Thuế cho biết, tính đến cuối tháng 8/2023, tổng số tiền nợ thuế mà ngành quản lý là 153.693 tỷ đồng, tăng 1,6% so với thời điểm cuối tháng 7/2023. Nguyên nhân tình trạng nợ tăng cao, về khách quan, được xác định do những khó khăn chung của nền kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp, thậm chí thua lỗ, mất khả năng thanh toán, giải thể hoặc lãnh đạo vướng lao lý…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực thuế, việc chây ì nợ thuế do tình hình kinh tế khó khăn sau đại dịch COVID-19 là có thật, song cũng có không ít doanh nghiệp lấy lý do này ra “chống đỡ” nhằm dây dưa, trốn… nộp thuế. Đối với không ít doanh nghiệp, nợ thuế là thói quen, hay nói cách khác đó là sự cố tình dù công ty vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động bình thường!

Đại diện Tổng cục Thuế cũng đã từng chỉ ra, nhiều doanh nghiệp thuộc những ngành nghề không bị tác động trực tiếp và chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng vẫn lợi dụng dịch bệnh để chậm hoặc cố tình không đóng thuế. “Nếu nợ thuế dai dẳng, không có dấu hiệu hay thiện chí đóng nộp, thì không khác gì trốn thuế. Đây chính là vấn nạn làm thủng ngân sách nhà nước”, một cán bộ ngành thuế bức xúc.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân gốc rễ của “vấn nạn” nói trên là “muôn hình vạn trạng” những bất cập từ quy định, cơ chế của các cơ quan quản lý. Ví dụ, từ chuyện cấp phép thành lập doanh nghiệp dễ dãi, quản lý doanh nghiệp sau khi cấp phép lỏng lẻo, cho đến biện pháp và chế tài thu thuế chưa mạnh, thực hiện nửa vời, thiếu quyết liệt… Đấy là chưa kể, có những cán bộ ngành thuế còn “vẽ đường” cho doanh nghiệp nợ thuế.

Nộp thuế là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cá nhân và mỗi doanh nghiệp. Luật cũng quy định, cơ quan thuế có quyền áp dụng 7 biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ như: trích tiền từ tài khoản, khấu trừ tiền lương, dừng làm thủ tục hải quan, cưỡng chế hóa đơn, kê biên tài sản, cuối cùng là thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh. Nhiều nơi được xem là những “chủ nợ” lớn như TPHCM hay Hà Nội đã dùng các biện pháp mạnh với các doanh nghiệp nợ kéo dài và chây ì như thu hồi dự án, kê biên tài sản và cao nhất thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp vẫn… án binh bất động!

MỚI - NÓNG