XÉT XỬ VỤ CHẠY THẬN KHIẾN 9 NGƯỜI CHẾT Ở HÒA BÌNH

Bệnh viện và Cty Thiên Sơn đòi kiện nhau ra tòa

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.
TP - Từng phối hợp “kinh doanh” chạy thận, giờ đây, phía Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đề nghị tòa khởi tố Giám đốc Cty Thiên Sơn. Doanh nghiệp này cũng mong gặp lại bệnh viện ở một phiên tòa khác.

Không cho luật sư hỏi

Ngày 23/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục xét xử vụ án vô ý làm chết người trong quá trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình). Tại tòa, luật sư Trần Hồng Phúc đề nghị được hỏi điều tra viên nhưng chủ tọa không cho phép nhưng không nêu lý do, bà Phúc muốn xác nhận lại: “Vậy không được hỏi?”. Chủ tọa đáp: “Đúng”.

Tiếp đó, luật sư Hạnh - đồng nghiệp của luật sư Phúc đề nghị hỏi điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa nhưng chủ tọa cũng không cho phép. Bà Hạnh đề nghị chủ tọa nêu rõ những quy định cho phép tòa “cấm” luật sư hỏi. Chủ tọa không trả lời, cho luật sư khác tham gia xét hỏi. Trước đó, bị cáo Hoàng Công Lương khai, được một điều tra viên tên Trường cho xem lời khai của ông Hoàng Đình Khiếu về phân công nhiệm vụ cho mình và bị cáo Lương đã khai theo.

Luật sư Lê Văn Thiệp đề nghị hỏi ông Hoàng Đình Khiếu - Phó GĐ Bệnh viện kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực về quyết định sửa chữa hệ thống lọc nước RO do nguyên GĐ Bệnh viện - ông Trương Quý Dương ký. Ông Khiếu đáp không biết, cá nhân ông dù phụ trách phòng vật tư nhưng cũng không phải chịu trách nhiệm trong vụ án vì GĐ Dương đã giao trực tiếp cho phòng vật tư.

Bệnh viện phải bồi thường

Phần luận tội, kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng đã nêu quan điểm cho thấy ngày 25/5/2017, ông Trương Quý Dương ký hợp đồng với Cty Thiên Sơn giá trị gần 100 triệu đồng nhằm sửa chữa hệ thống lọc nước RO dùng trong chạy thận. Cùng ngày, Cty Thiên Sơn ký lại hợp đồng với Cty Trâm Anh, cho Bùi Mạnh Quốc sửa chữa.

Ngày 28/5/2017, Quốc tới sửa chữa nhưng sơ suất để tồn dư axit trong hệ thống. Bị cáo Trần Văn Sơn - cán bộ phòng vật tư có việc riêng nên không theo dõi nhưng gọi điện cho điều dưỡng nói có thể hoạt động bình thường. Ngày 29/5/2017, bị cáo Hoàng Công Lương ra y lệnh lọc máu, chạy thận khiến 9 người tử vong.

Từ đó, kiểm sát viên đề nghị tòa phạt bị cáo Bùi Mạnh Quốc từ 5 - 6 năm tù về tội “Vô ý làm chết người”; bị cáo Trần Văn Sơn từ 4 - 5 năm tù và Hoàng Công Lương từ 30 - 36 tháng tù cho hưởng án treo, cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Về dân sự, kiểm sát viên đề nghị tòa tuyên BV Hòa Bình và Cty Thiên Sơn phải bồi thường cho các nạn nhân.

Cũng theo người giữ quyền công tố, bị cáo Hoàng Công Lương được đào tạo chạy thận, được ông Hoàng Đình Khiếu giao nhiệm vụ phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo. Bị cáo Lương và nhiều người liên quan gồm ông Hoàng Công Tình - chú ruột bị cáo cũng có lời khai thể hiện Lương được phân công phụ trách điều trị và quản lý tại Đơn nguyên thận nhân tạo. Ngoài ra, kiểm sát viên cho biết sẽ thực hiện kiến nghị phòng ngừa tới Bộ Y tế về các nội dung liên quan chạy thận nhân tạo.

Đòi đưa nhau ra tòa

Luật sư Nguyễn Danh Huế - đại diện cho BV Hòa Bình nêu quan điểm: “Thiên Sơn đã vi phạm trắng trợn hợp đồng khi giao cho Trâm Anh - Cty vừa thành lập 1 năm, giao cho bị cáo Quốc - người không được đào tạo chuyên môn, chỉ làm theo kinh nghiệm để xử lý nước, bơm vào trong máu của bệnh nhân. Đây là hành vi vô trách nhiệm, vô lương tâm”.

Ông Huế đồng tình việc buộc Cty Thiên Sơn phải bồi thường cho các bị hại. Ngoài ra, luật sư Huế đề nghị tòa: “Khởi tố Cty Thiên Sơn trong vụ án này nếu không sẽ không đảm bảo nâng cao chất lượng y tế”. Tương tự, luật sư Nguyễn Tiến Dũng, bào chữa cho Bùi Mạnh Quốc cũng đề nghị tòa xử lý hình sự với Cty Thiên Sơn.

Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương - bảo vệ cho Cty Thiên Sơn đáp lại: “Thiên Sơn là doanh nghiệp, bệnh viện là pháp nhân ký với nhau hợp đồng kinh tế. Ngay sau vụ án này, sau khi xác định thiệt hại, tôi cũng rất mong nói chuyện với bệnh viện trong một vụ án khác”. Trước đó, bà Hương khẳng định sẽ kiện các quyết định hành chính của BV Hòa Bình liên quan tới Cty mình sau khi vụ án xảy ra.

Luật sư Nguyễn Danh Huế tiếp tục: “Luật năm 1999 chưa truy cứu trách nhiệm hình sự với pháp nhân nhưng ông Tuấn phải có nghĩa vụ về chữ ký của mình và là người cao nhất nhưng buông lỏng quản lý. Tôi đề nghị tòa khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn (giám đốc Cty Thiên Sơn-PV) về hành vi cố ý làm trái”.

Bà Hương đáp trả: “Thiên Sơn là Cty cổ phần, trước khi luật 2015 có hiệu lực, không khởi tố pháp nhân… BV Hòa Bình đã vô trách nhiệm đưa nguồn nước chưa sửa chữa xong vào chạy thận. Tôi phản đối đề nghị của ông Huế về việc khởi tố ông Tuấn, nó không có căn cứ pháp luật”.

Theo kiểm sát viên, truy tố bị cáo Hoàng Công Lương là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc ra y lệnh chạy thận của bị cáo Lương là một trong những nguyên nhân gây hậu quả vụ án. Hành vi của bị cáo trực tiếp xâm hại đến tính mạng của bị hại, làm mất niềm tin, gây hoang mang cho nhân dân, gây thiệt hại cho Nhà nước…

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.