Bệnh viện nghìn tỷ vùng Tây Nguyên: Ngốn bao ngân sách cho vừa?

BV Vùng phải tiếp nhận 111 máy tính quá đát
BV Vùng phải tiếp nhận 111 máy tính quá đát
TP - Sau hơn 8 năm xây dựng Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên chưa được nghiệm thu và bàn giao. Bây giờ, nơi đây tấp nập cảnh đục, sửa, khoan, đào, với những gói thầu mới ngốn nhiều chục tỷ đồng ngân sách. 

Của đau, dân xót

Được giao làm chủ đầu tư cho Dự án xây Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên (BV Vùng) khởi công từ 19/7/2010, mãi đến nay Sở Y tế Đắk Lắk vẫn không thể đưa công trình đi vào hoạt động, dù lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần ra “tối hậu thư”. 

Trên khuôn viên rộng 12 ha đất (phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột), quy mô 800 giường bệnh, BV Vùng nhằm phục vụ dân vùng Tây Nguyên, thậm chí cả bệnh nhân ở Lào, Campuchia có nhu cầu khám chữa bệnh kỹ thuật cao, giảm chuyển tuyến. Kỳ vọng lớn, nhưng nay lộ rõ chỉ phục vụ dân tỉnh cũng khó đạt. 

Ban quản lý Dự án xây dựng BV Vùng chỉ nhanh mỗi một việc là cấp tốc ký hợp đồng sai trái để mua 111 máy vi tính với giá hơn 23 triệu đồng/máy sau khi khởi công. Còn việc xây BV thì quá hạn hơn 5 năm vẫn chưa xong.

Bệnh viện nghìn tỷ vùng Tây Nguyên: Ngốn bao ngân sách cho vừa? ảnh 1 Dân chăn bò quanh khối nhà BV Vùng đã xuống cấp
Đây là công trình xây dựng cấp 1 nên việc giám định, nghiệm thu thuộc cấp bộ. Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình Xây dựng (Cục Giám định) đã nhiều lần kiểm tra, chỉ ra rất nhiều tồn tại, yếu kém, thiếu sót. Các văn bản do cục này ký từ tháng 12/2015 đến tháng 8/2017 thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu lần 1, lần 2, đều chỉ ra hàng loạt “tồn tại” mà Sở Y tế Đắk Lắk chưa khắc phục, nên Cục Giám định cũng chưa chấp thuận nghiệm thu. 

Thông báo của Cục Giám định đưa ra từ tháng 1/2018 vẫn chỉ ra rất nhiều lỗi như: Phân công người giám sát hiện trường không đúng chuyên môn; Thiếu kết quả đánh giá chất lượng vật liệu; Thiếu bản vẽ hoàn công cơ điện; Công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, môi trường, xả thải; Chưa hoàn thành việc cấp điện nước; Chưa xử lý hiện tượng nứt, thấm; Đường dốc hành lang lát gạch không chống trơn trượt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn v.v...

Giữa tháng 5/2018, BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, đơn vị phải tiếp nhận BV Vùng có báo cáo số 564, đề xuất bổ sung nhiều hạ tầng cho bệnh viện mới này như hệ thống khí nén, hệ thống cấp-xả nước cho từng máy nha khoa; Cần thêm 2 phòng đặt máy CT Scaner, 1 phòng lắp đặt hệ thống làm mát Chiller, 1 phòng đặt máy DSA, phòng đặt thiết bị phụ trợ, phòng đặt hệ thống nước RO cho 23 máy chạy thận nhân tạo; Hệ thống điện 3 pha và cấp-xả nước cho các máy giặt, máy hấp sấy tiệt trùng; Cần hoàn thiện hành lang nối giữa các tòa nhà, các khoa phòng v.v... 

Nhà nghèo nhưng phải chơi sang

Đắk Lắk xưa nay luôn là tỉnh phải xin kinh phí cấp bù của Trung ương. Năm 2018, tỉnh thu ngân sách khoảng 5,5 nghìn tỷ, nhưng chi gần 15 nghìn tỷ đồng vẫn thiếu trước hụt sau. 
Dẫu thế, tỉnh này vẫn phải chi thêm nhiều chục tỷ để sửa lỗi cho Ban quản lý Dự án BV Vùng là điều tất yếu.

Theo Báo cáo số 1416 tháng 9/2015 của Sở Kế hoạch & Đầu tư Đắk Lắk, báo cáo số 74 tháng 3/2016 của Sở Y tế, thì từ tháng 4/2009 UBND tỉnh đã phê duyệt tổng mức đầu tư cho BV Vùng 1.098,4 tỷ đồng. Năm 2011, dự án không giải ngân hết, bị Trung ương thu hồi hơn 1 tỷ đồng. Vì giá cả biến động, UBND tỉnh phải điều chỉnh dự án: Giữ nguyên tổng mức đầu tư, cắt giảm nhiều khoản mục, không xây Khoa Tâm thần 2 tầng và nhà dịch vụ 3 tầng, giảm mua sắm trang thiết bị v.v... 

Khi Sở Y tế Đắk Lắk yêu cầu BV Đa khoa tỉnh tiếp nhận công trình, thì toàn bộ sân vườn cảnh quan của BV Vùng vẫn chỉ là những đám đất lan tràn cỏ dại, dân chúng thoải mái dắt bò tới chăn. Chỗ xử lý rác thải chưa có. UBND tỉnh phải duyệt chi thêm vài chục tỷ nữa để xây dựng sân vườn, xây nhà xử lý rác thải. Hiện nhà xử lý rác thải mới đào hố móng, sân vườn đang trồng cây. Hệ thống dẫn khí Chiller làm mát phòng mổ đặt trên sân thượng tòa nhà Kỹ thuật chưa bàn giao đã móp méo, sét gỉ. 

Cả 36 khoa phòng của BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk khi xem xét nơi mình sắp phải chuyển đến, đều xin đập phá sửa chữa mới phù hợp nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, còn nhiều điều “đau đầu” khác chưa biết xử lý cách sao. Ví dụ: Về thang máy, do không có cầu nối thông tầng giữa các tòa nhà điều trị, nên muốn đi từ tòa này sang tòa kia phải bấm thang máy suốt các lầu, xuống tầng trệt mới có lối qua khoa khác. Tệ nhất, là cả 4 phòng thang máy của khu nhà Kỹ thuật 5 tầng, phục vụ phòng phẫu thuật và hồi sức tích cực lại nhỏ tới mức không chứa được xe chuyên dụng đẩy bệnh nhân dài 2,2 m, vì bề sâu thang máy chỉ 2,04 m!

Về Nhà chống nhiễm khuẩn lẽ ra xây liên hoàn với phòng phẫu thuật, song nó lại bị đặt xa tít cuối đường, cạnh... nhà xác. Giữa tháng 12/2018, đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn BV Bạch Mai vào và khẳng định: Không chấp nhận được. Hấp sấy xong, đẩy xe ngược dốc lên tới các khoa phòng thì mọi thứ đều nhiễm trùng. Có ý kiến cho rằng, có lẽ phải bỏ dãy nhà xây tốn hàng chục tỷ này, để xây nhà khác. 

Bên cạnh đó, hệ thống ô xy gom nhặt thiết bị nhiều hãng, mỗi hãng dùng nhiều loại ổ cắm khác nhau, BV không tìm được phích cắm thích hợp, nên cả hệ thống khí chưa kiểm định được, không bàn giao được. 

Dàn máy vi tính 111 chiếc do Ban quản lý Dự án BV Vùng mua về, nhập kho từ ngày 15/6/2013. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, máy tính chỉ có giá trị sử dụng trong 5 năm. Mới đây, BV Vùng phải tiếp nhận cả 111 máy vào ngày 21/9/2018. Không rõ lô máy quá đát này sẽ chạy thế nào trong BV Vùng nghìn tỷ ?!

Vô số thứ chưa xong, nhưng ngày 23/5/2018, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Doãn Hữu Long vẫn ký Báo cáo số 220 gửi UBND tỉnh, tiếp tục hứa “Việc bàn giao BV vùng cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk được thực hiện trước ngày 30/6/2018”. Thực tế tới cuối tháng 7/2018, đoàn khảo sát xây dựng BV Vùng vẫn liệt kê khoảng 300 vị trí hư hỏng, thi công cẩu thả, thiếu nhiều bồn nước, thiếu máy lạnh, thiếu khu vệ sinh, thiếu tường ngăn, nứt thấm nghiêm trọng, đấu nối chung bồn nước sinh hoạt với nước chữa cháy v.v...

Dù Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã chấp nhận chi hơn 50 tỷ đồng để thông các ngả đường vào bệnh viện, nhưng tới nay, các lối vào BV Vùng từ phía đường Mai Thị Lựu lẫn đường Trần Quý Cáp vẫn đang thi công dang dở, ngổn ngang. Sáng 19/12/2018, trao đổi với PV Tiền Phong, bà H’Yim K’Đoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, lãnh đạo tỉnh không buộc BV Đa khoa tỉnh chuyển nhanh nữa. Phải ưu tiên xử lý tất cả các bất cập tại BV Vùng trước khi bàn giao, vì tính mạng bệnh nhân mới là điều quan trọng nhất.   

MỚI - NÓNG