Bệnh viện bị tố 'câu bệnh nhân' ra ngoài mổ: Bộ Y tế yêu cầu làm rõ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 16/3, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi đến Sở Y tế TPHCM đề nghị làm rõ thông tin Bệnh viện Ung Bướu câu bệnh nhân ra bệnh viện tư mổ và có biện pháp xử lý vi phạm theo quy định (nếu có) và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 24/3.

Trước đó, ông Đ.H.N (SN 1972) cho biết, năm 2021 ông đến bệnh viện Ung Bướu TPHCM khám và được chẩn đoán bị u tuyến giáp. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên ông bị gián đoạn điều trị. Ngày 4/3/2022 ông trở lại bệnh viện Ung Bướu TPHCM tái khám và được bác sĩ chỉ định mổ cắt u tuyến giáp.

Ngày 8/3 ông Đ.H.N. vào bệnh viện Ung Bướu TPHCM chờ mổ theo lịch hẹn với chi phí dự trù là 11 triệu đồng.

Do bệnh viện quá tải, bác sĩ tư vấn bệnh nhân chuyển sang Bệnh viện Hồng Đức để được phẫu thuật sớm hơn. Trước khi bước vào ca phẫu thuật vào chiều 9/3 tại Bệnh viện Hồng Đức, nhân viên y tế đề nghị gia đình đóng tạm ứng số tiền 28,5 triệu đồng. Cho rằng, cùng kỹ thuật, cùng bác sĩ của Bệnh viện Ung Bướu TPHCM thực hiện, chỉ khác nhau mỗi địa điểm thực hiện ca mổ nhưng chi phí chênh lệch lên tới 17,5 triệu đồng nên thân nhân người bệnh đã phản ứng và cho rằng Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đã câu bệnh nhân ra bệnh viện tư (Bệnh viện Hồng Đức) để phẫu thuật nhằm trục lợi.

Bệnh viện bị tố 'câu bệnh nhân' ra ngoài mổ: Bộ Y tế yêu cầu làm rõ ảnh 1

Thân nhân người bệnh đóng tiền viện phí tại Bệnh viện Ung Bướu

BS Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cho biết, việc bệnh nhân chọn dịch vụ tại Bệnh viện Hồng Đức là hoàn toàn tự nguyện vì muốn được phẫu thuật càng sớm càng tốt để tránh ảnh hưởng đến công việc. Tất cả quy trình chuyển viện, tư vấn đều thực hiện đúng theo quy chế chuyên môn.

Số tiền 28,5 triệu đồng là tiền tạm ứng, Bệnh viện Hồng Đức đã gửi Bệnh viện Ung Bướu phiếu viện phí của bệnh nhân khi xuất viện vào ngày 11/3 là 11.695.943 đồng. Tổng chi phí thực tế bệnh nhân phải thanh toán là 17.156.057 đồng, trong đó 6 triệu đồng là tiền phẫu thuật, hơn 11 triệu đồng còn lại là tiền giường, xét nghiệm, thuốc, vật tư, dịch vụ đi kèm khác.

Đại diện Ban giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cho biết, trong 6 triệu đồng chênh lệch chi phí phẫu thuật, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM được nhận 70% để bồi dưỡng cho kíp phẫu thuật và nộp vào ngân sách chung của bệnh viện.

Bệnh viện tư có giá nhỉnh hơn bệnh viện công cũng là điều dễ hiểu vì bên bệnh viện tư cơ sở vật chất, phòng bệnh khang trang hơn, các dịch vụ tăng thêm để phục vụ cho bệnh nhân đa dạng hơn. Mặt khác, bệnh viện tư được quyền thu khấu hao trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất, được tính đúng tính đủ giá viện phí.

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 17/3 đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết đơn vị này đã tiếp nhận công văn khẩn của Bộ Y tế và đang khẩn trương xác minh các vấn đề liên quan tại Bệnh viện Ung Bướu.

Theo thông tin từ Sở Y tế, ngày 14/1/2015 UBND TPHCM đã có văn bản (số 140/UBND-VX) chấp thuận cho phép hợp tác chuyên môn giữa Bệnh viện Ung Bướu và Bệnh viện Hồng Đức. Sau đó ngày 31/8/2015 Sở Y tế đã có Quyết định (số 4032/QĐ-SYT) phê duyệt đề án liên kết chuyên môn với Bệnh viện đa khoa Hồng Đức.

Đề án quy định rõ về quy trình chuyển viện, quy trình tham gia phẫu thuật, quy trình khám sau mổ, quy trình xử lý khi xảy ra tai biến, biến chứng và trách nhiệm của các bên tham gia.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.