*Bác sĩ Trần Lê Vũ, chuyên khoa Tim Mạch, phòng khám Victoria Healthcare Mỹ Mỹ: Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở hai giới (nam và nữ), bất kể lứa tuổi, chủng tộc và bất kể có hay không có các yếu tố nguy cơ tim mạch khác kèm theo.
Các nghiên cứu quan sát với các cá thể có mức huyết áp từ 115/75 mmHg trở lên đã cho thấy tỉ lệ chết do bệnh tim mạch gia tăng tỉ lệ thuận với tăng huyết áp.
Trong lứa tuổi từ 40 đến 89, cứ với mỗi mức tăng thêm 20 mmHg của huyết áp tâm thu hoặc 10 mmHg huyết áp tâm trương, tỉ lệ tử vong do thiếu máu cơ tim hoặc đột quỵ lại tăng gấp đôi. Do đó, chúng tôi hiểu sự lo lắng của bạn đối với bệnh lý này.
Với các phương tiện nghiên cứu ngày càng tinh vi, hiện đại thì cho đến nay, y khoa đã kết luận là các bất thường về gien có thể dẫn đến tăng huyết áp. Do đó, tăng huyết áp có thể mang tính di truyền.
Có ít nhất 10 rối loạn gene được nhận diện có thể gây bất thường về huyết áp. Các rối loạn về gene gây tăng huyết áp đều có đặc điểm chung là tăng hấp thu muối natri và làm quá tải tuần hoàn. Tuy vậy, tăng huyết áp gây ra do bất thường gien là khá hiếm gặp, với tần suất chiếm chưa đến 1% tổng số trường hợp tăng huyết áp.
Để phòng ngừa bệnh lý tăng huyết áp, bạn cần ngưng hút thuốc lá (nếu có), giảm mức độ uống rượu bia xuống mức vừa phải, giữ trọng lượng cơ thể trong giới hạn chuẩn, ăn nhiều rau quả, ăn ít béo và ăn ít muối. Bạn cũng cần vận động thể lực ở cường độ vừa phải (chạy bộ hoặc đi bộ nhanh) ít nhất 150 phút hàng tuần.