Bệnh nhân ung thư đang trẻ hóa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo ghi nhận từ Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, không ít bệnh nhân ung thư gan, phổi, vú, đại - trực tràng, dạ dày… được phát hiện ở lứa tuổi 30, thậm chí 20 thay vì ngoài 40, 50 như trước.
Bệnh nhân ung thư đang trẻ hóa ảnh 1
Bác sĩ Bệnh viện K phẫu thuật triệt căn cho bệnh nhân ung thư vú

Thống kê của Bệnh viện K cho thấy độ tuổi mắc ung thư vú ở Việt Nam đang trẻ hóa so với các nước ở châu Âu và Bắc Mỹ. Người mắc bệnh tập trung nhiều và tăng nhanh ở độ tuổi 30-34; ung thư đại - trực tràng đang có xu hướng tăng lên. Trước đây, người bệnh ung thư đại - trực tràng thường ở độ tuổi từ 50 trở lên. Hiện nay, cả những người 12-13 tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh.

PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết, số bệnh nhân đến khám và điều trị vì ung thư qua từng năm đều tăng, nhiều nhất là ung thư phổi, dạ dày, vú, cổ tử cung, đại - trực tràng. Đáng lưu ý, xu hướng trẻ hóa bệnh nhân ung thư ở Việt Nam rất rõ. Bệnh viện K đã và đang điều trị cho không ít bệnh nhân bị ung thư vú khi chưa lập gia đình. Bệnh nhân N.A.T (22 tuổi, ở Nam Định) sau khi đi thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng được bác sĩ kết luận bị ung thư vú phải. Nhưng do phát hiện muộn, khối u đã di căn đến gan…

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: “Gánh nặng ung thư tại Việt Nam ước tính đã tăng gấp 3 lần sau 30 năm và điều đáng lo ngại hiện nay là bệnh nhân ung thư đang có xu hướng trẻ hóa. Theo GLOBOCAN 2020, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc mới ung thư xếp thứ 90/185 quốc gia và tỉ lệ tử vong do ung thư xếp thứ 50/185 quốc gia”. Ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Thống kê của ngành Y tế cho thấy cứ 100.000 người thì có 159 người được chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.

Hiện có hơn 350.000 người Việt Nam đang sống với bệnh ung thư. Một nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Huế về các ung thư vùng đầu - cổ được chẩn đoán ở giai đoạn 2010-2020 cho thấy, tỉ lệ bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi là 11,2%, tăng gần gấp đôi so với số liệu 10 năm trước đó.

Theo số liệu thống kê, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỉ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số bệnh ung thư trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ung thư phổi là một trong những bệnh lí ác tính có số lượng người mắc và tỉ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp ở hai giới. Thống kê ung thư toàn cầu GLOBOCAN chỉ ra năm 2020, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với 26.262 ca mắc mới, chiếm 14,4%, và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này.

PGS TS Quảng thông tin, nếu như trước đây, ung thư phổi dẫn đầu trong các bệnh ung thư ở Việt Nam thì vài năm gần đây ung thư gan vươn lên số 1, tuy nhiên, số ca tuyệt đối của ung thư phổi chỉ tăng, không giảm. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều ca ung thư phổi mà bệnh nhân còn khá trẻ, các dấu hiệu phát hiệu ung thư phổi sớm rất mơ hồ, có thể chỉ ho, tức ngực nhẹ, nhiều người chủ quan bỏ qua hoặc ho khạc ra ít tơ máu lại nghĩ do ho nhiều hay bệnh lao. Còn đến khi tức ngực nặng nề, khó thở, đi khám thì ung thư phổi thường đã ở giai đoạn 3-4.

“Theo thống kê, 2/3 bệnh nhân ung thư phổi đến khám ở Bệnh viện K đã ở giai đoạn muộn. Khả năng điều trị ở giai đoạn sớm (phẫu thuật) không cao mà phải điều trị xạ trị, hóa chất luôn… Đó cũng là lí do khiến số bệnh nhân tử vong do ung thư phổi rất cao”, ông Quảng nói.

Những nguyên nhân chính

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, có thể do nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng ung thư có xu hướng trẻ hóa. Các yếu tố bao gồm lối sống lười vận động ảnh hưởng đến sức khỏe, chế độ ăn uống không lành mạnh (ít rau quả, nhiều đạm, nhiều muối...). Bên cạnh đó là các thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lạm dụng chất kích thích... Theo các chuyên gia y tế. người nhiễm virus viêm gan B, C, đồng nhiễm HIV và viêm gan virus, xơ gan do rượu là những yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng xơ gan và ung thư gan. Nếu được tầm soát và theo dõi điều trị sớm, số người mắc và tử vong vì ung thư gan và xơ gan sẽ không lên đến con số quá cao như hiện nay. Ngoài ra, sử dụng thuốc lá và rượu còn là hai yếu tố chính ở Việt Nam gây ra ung thư đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu và ung thư thực quản. Đặc biệt, những người béo phì có nguy cơ mắc các loại ung thư cao hơn người bình thường. Béo phì cũng là nguyên nhân dẫn tới khoảng 20% các loại ung thư như: ung thư thực quản, dạ dày, đại - trực tràng, gan, buồng trứng, tụy, vú (sau mãn kinh)…

Ước tính, 40% số ca bệnh ung thư có thể dự phòng, 30% có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Với các biện pháp điều trị ung thư hiện tại, có thể cứu 30% số bệnh nhân ung thư còn lại.

“Hiện nay, ô nhiễm môi trường sống cũng là một trong các nguyên nhân gia tăng tỉ lệ mắc ung thư ở người trẻ. Hơn nữa, nhờ trình độ y khoa phát triển, mức độ quan tâm đến sức khỏe của người dân tăng lên, có ý thức đi khám sàng lọc, do đó nhiều trường hợp ung thư được phát hiện ở lứa tuổi trẻ hơn. Ngoài ra, tiếp xúc sớm với các tác nhân gây ung thư khiến cho tỉ lệ người trẻ mắc bệnh gia tăng”, PGS.TS Phương nói. Vị chuyên gia này cho rằng, cần nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng và chống ung thư kịp thời để giảm tỉ lệ mắc, tỉ lệ tử vong do ung thư gây ra và nhấn mạnh “ung thư phổi cũng như các loại ung thư khác nếu phát hiện sớm, điều trị sớm thì hiệu quả càng cao”.

“Tại Việt Nam, bệnh nhân ung thư vú nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm có tỉ lệ sống thêm 5 năm lên đến 90%, thậm chí một nghiên cứu gần đây trên nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi đã chỉ ra tỉ lệ sống thêm toàn bộ 10 năm ở giai đoạn sớm là trên 80%”, GS.TS. Thuấn cho hay.

MỚI - NÓNG