Bệnh nhân 438 khỏi COVID-19 nhưng tiên lượng rất nặng

Bệnh nhân 438 khỏi COVID-19 nhưng tiên lượng rất nặng
TPO - Bộ Y tế cho biết, tính đến 6h ngày 22/8, Việt Nam có tổng cộng 667 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 527 ca.

Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 104.793.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm: bệnh nhân 438 tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế cơ sở 2 và bệnh nhân 738 tại Trung tâm Y tế huyện Hoà Vang (Đà Nẵng).

Bệnh nhân 438 (56 tuổi, nam giới, trú tại thành phố Đà Nẵng) tuy được công bố khỏi bệnh sau 5 lần xét nghiệm âm tính nhưng  theo lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân vẫn đang duy trì điều trị tại đơn vị. Tiên lượng bệnh nhân đang rất nặng và phải thở máy do có nhiều bệnh lý nền nặng như viêm phổi đa đề kháng - suy hô hấp, u ác tính niệu quản đã phẫu thuật, tăng huyết áp và đái tháo đường…

Ca bệnh số 438 được lấy mẫu xét nghiệm ngày 27/7 và được Bộ Y tế công bố dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 28/7.

Như vậy, đến thời điểm này có 547 bệnh nhân/1009 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh.

Tính đến sáng ngày 22/8, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 41 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 62 ca, số ca âm tính lần 3 là 35 ca.

Số ca tử vong là 25 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đến nay đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng...

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang trong tầm kiểm soát, số trường hợp mắc bệnh ghi nhận giảm trong tuần gần đây. Bộ Y tế cho hay đang tổng kết các bài học kinh nghiệm từ trường hợp Đà Nẵng, Quảng Nam hay Hải Dương.

Quyền Bộ trưởng cũng thông tin trong vài ngày tới, tại Đà Nẵng, Quảng Nam có thể vẫn sẽ ghi nhận những trường hợp mắc bệnh rải rác do nguồn lây bệnh đã có tại cộng đồng trước khi được khoanh vùng, khống chế.

Tại Hải Dương, dịch bệnh cũng cơ bản được kiểm soát. Ổ dịch tại nhà nhà 36 phố Ngô Quyền, TP Hải Dương với tất cả 12 trường hợp mắc bệnh đã được kiểm soát kịp thời. Công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm vẫn đang được khẩn trương thực hiện để nhanh chóng dập dịch dứt điểm.

Các ổ dịch khác tại một số địa phương được phát hiện đều nhanh chóng được khoanh vùng, cách ly và thực hiện các biện pháp chống dịch cần thiết.

Chẩn đoán sớm nguy cơ mắc COVID-19 đối với các bệnh nhân có biểu hiện dù là nhẹ nhất

Theo đó, tại phiên họp của Thường trực Chính phủ, bàn giải pháp phòng, chống COVID-19 chiều ngày 21/8, Thủ tướng  Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, dịch vẫn còn phức tạp nhưng đang trong tầm kiểm soát, kể cả ở địa bàn phức tạp nhất như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương và các thành phố lớn. Thủ tướng nhấn mạnh, cần xác địch chống dịch COVID-19 là một cuộc chiến trường kỳ, chừng nào chưa có thuốc đặc trị và văc xin phòng dịch thì chúng ta vẫn phải chung sống với dịch bệnh

Thủ tướng tiếp tục yêu cầu, các cấp, các ngành, không được chủ quan, phải tập trung, làm hết sức mình để không có ổ dịch lây lan rộng trong cộng đồng. Không được để xảy ra ổ dịch, nhất là tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Các cơ sở y tế phải làm nhanh hơn, làm sớm hơn, cương quyết hơn bởi vì đây là nơi chữa bệnh, dễ lây nhiễm. Từ các trạm xá ở vùng nông thôn miền núi đến các bệnh viện huyện, trung ương cần chủ động nâng cao nghiệp vụ phòng, chống dịch. Trong đó có việc hướng dẫn phân luồng hợp lý, an toàn...

Cần tăng cường hệ thống xét nghiệm, nâng cao khả năng xét nghiệm lên một tầm mới, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân xét nghiệm. Ngành y tế cần suy nghĩ về việc nhận diện, chẩn đoán sớm nguy cơ mắc COVID-19 đối với các bệnh nhân có biểu hiện dù là nhẹ nhất. Cần tập trung bảo vệ nhóm rủi ro cao, là người có bệnh lý nền, người cao tuổi dễ bị tử vong.

Kiểm soát chặt chẽ người nhập cư trái phép trong nội địa và quản lý biên giới; xử lý các chủ khách sạn, các cơ sở lưu trú sử dụng lao động nhập cư trái phép. (Quảng An)

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.