Bệnh lao tấn công giới trẻ

Bệnh lao tấn công giới trẻ
TP - PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, nguyên giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho biết, tỷ lệ lao phổi tăng ở nhóm tuổi lao động (chiếm 75%) và ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

> Việt Nam có gần 50 người chết vì bệnh lao mỗi ngày
> Vắc xin phòng bệnh lao BCG

Bác sĩ Bệnh viện Lao khám bệnh và phát hiện bệnh nhân lao phổi. Ảnh: Ngọc Châu
Bác sĩ Bệnh viện Lao khám bệnh và phát hiện bệnh nhân lao phổi. Ảnh: Ngọc Châu.

Điều này có thể chi phối đến tình hình dịch vì luôn có một số lượng nguồn lây tiềm tàng ở nhóm trẻ tuổi.

Bệnh nhân Nguyễn Thị M. (24 tuổi), ở xã Văn Cao, huyện Kiến Xương (Thái Bình) sau khi sinh con thứ hai bị ho nhiều, người mệt mỏi, sức khỏe giảm sút. Đi khám ở một bệnh viện tư nhân, bác sĩ bảo M. bị ho sau sinh và cho thuốc về điều trị tại nhà. Tuy nhiên, bệnh của M. vẫn nặng hơn.

Tại bệnh viện đa khoa tỉnh, M. được chụp cho thấy phổi trắng xóa. Nguyên nhân là do bác sĩ tư nhân chỉ định và cho dùng sai thuốc đã khiến việc điều trị của M. gặp nhiều khó khăn.

Một trường hợp khác là bệnh nhân Phạm Văn M. (23 tuổi) ở xã An Lư, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) bị đồng nhiễm HIV-lao đã 7 năm. Trong khi chưa điều trị lao dứt điểm, M. vẫn tìm thuốc hút vì thế bệnh lao càng thêm trầm trọng. Đây là hai trong số rất nhiều trường hợp mắc bệnh lao phổi khi còn trẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, hiện nay bệnh xảy ra nhiều ở lứa tuổi thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi. Nguyên nhân là sự thay đổi về phân bố dân cư lao động, quá trình đô thị hóa đã kéo giới trẻ từ nông thôn ra thành thị, cuộc sống bấp bênh, thiếu việc làm, điều kiện sinh hoạt không tốt đã làm cho công tác kiểm soát bệnh lao bị hạn chế. Đây cũng là đối tượng ít có điều kiện chăm sóc y tế nên khả năng mắc bệnh khá cao.

Thông tin từ Chương trình Phòng chống lao Quốc gia cho thấy dịch tễ bệnh lao ở Việt Nam không suy giảm. Đặc biệt nhiều người dưới 30 tuổi nhưng đã phải chống chọi với bệnh lao trong thời gian dài.

Hầu hết bệnh nhân không hay biết những triệu chứng thông thường của bệnh lao, cho là mình bị ho, cảm cúm nhẹ nên không đi khám mà tự mua thuốc về chữa trị.

Những triệu chứng thông thường của bệnh lao

Lao phổi là bệnh nhiễm khuẩn do trực khuẩn lao gây nên. Bệnh nhân có các triệu chứng như: Ho, khạc đờm, ho máu. Các triệu chứng khác là: đau ngực, khó thở, có tiếng rên khu trú ở một vùng của phổi…

Mọi bệnh nhân ho trên 3 tuần không phải do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi dùng thuốc kháng sinh không giảm ho phải nghĩ đến do lao phổi.

Khạc đờm cũng như ho cũng có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra mà các nguyên nhân thông thường nhất là viêm nhiễm. Do vậy nếu sau khi dùng thuốc kháng sinh triệu chứng khạc đờm không giảm thì những bệnh nhân có triệu chứng ho khạc trên ba tuần phải nghĩ đến do lao phổi.

Các triệu chứng toàn thân quan trọng nhất là: gầy, sút cân, sốt, ra mồ hôi hoặc chán ăn, mệt mỏi…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG