Bệnh 'lạ' ở Quảng Ngãi: Vẫn hy vọng một con đường sống

Chị Triêu héo hắt vì bố vừa chết, nay thêm 3 người trong nhà mắc bệnh “lạ” Ảnh: Hoài Văn
Chị Triêu héo hắt vì bố vừa chết, nay thêm 3 người trong nhà mắc bệnh “lạ” Ảnh: Hoài Văn
TP - Chưa bao giờ cuộc sống của người dân H’Rê ở Ba Tơ lại ảm đạm đến vậy. Những ngôi nhà trống hoác, ánh mắt đượm buồn hướng về phía núi như cầu nguyện một điều gì đó trong vô vọng.

> Gia tăng trẻ mắc bệnh lạ

Người ta vẫn chờ đợi một ngày gần nhất ngành y tế sẽ tìm ra một con đường sống cho người dân kém may mắn như họ …

Chị Triêu héo hắt vì bố vừa chết, nay thêm 3 người trong nhà mắc bệnh “lạ” Ảnh: Hoài Văn
Chị Triêu héo hắt vì bố vừa chết, nay thêm 3 người trong nhà mắc bệnh “lạ”.  Ảnh: Hoài Văn.

Nước mắt làng Rêu

Làng Rêu (xã Ba Điền, Ba Tơ, Quảng Ngãi), một trong những điểm nóng của căn bệnh “lạ” hoành hành những ngày cuối tháng 5 buồn héo. Ruộng nương vắng tanh, những đứa trẻ không còn vui đùa hồn nhiên bên những con suối. Thật hiếm hoi để thấy một nụ cười.

Bên kè đá cạnh con suối đầu làng, hai mẹ con chị Phạm Thị Triêu ôm nhau thút thít. Cả nhà chị có 4 người mắc bệnh “lạ”, ông nội mất cách đây vừa tròn ba ngày.

Chồng và con trai Phạm Văn Khắc đang điều trị tại TP Hồ Chí Minh. Căn nhà nhỏ chỉ còn chị và đứa con gái, người mẹ già cũng ngày càng gầy yếu vừa do căn bệnh hoành hành, vừa ngập sâu trong những lo lắng của con cháu.

Đôi mắt quầng sâu, chị Triêu chợt khóc òa sau cú điện thoại gấp gáp của chồng: “Ảnh nói thằng bé ngày càng nặng hơn, khó có khả năng qua khỏi. Đường sá xa xôi, đi lại ăn ở tốn kém, không biết xoay đâu ra tiền nữa. Cũng chẳng còn tâm trạng nào làm ăn, suốt ngày tôi cứ như người mất hồn. Nếu Nhà nước không giúp thì chắc tôi chết mất” – chị Triêu nói.

Chị kể, người đầu tiên trong nhà bị bệnh là bố đẻ chị. Ông cụ được đưa tới bệnh viện, 3 tháng sau thì mất. Rồi lần lượt chồng và con chị cũng mắc các triệu chứng của bệnh “lạ”.

Chị đưa chồng, con tới Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ thì được các bác sỹ giới thiệu vào bệnh viện Phong da liễu trung ương Quy Hòa (Bình Định), và hiện tại đang phải điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM.

Chị Triêu cho biết, cũng như các hộ khác trong làng, nhà chị thường ăn loại gạo đế (loại gạo từ lúa được ủ trong kho sau nhiều ngày đem ra xay, giã) và dùng nước suối. Đây là thói quen có từ lâu đời của người dân H’Rê.

“Bữa trước, Nhà nước có cho gạo mới để ăn nên chuyển sang ăn gạo mới rồi, có điều người dân ăn cũng không quen, và cũng không bỏ kho gạo ủ của mình” – chị Triêu kể.

Bố con anh Phạm Văn Trà, người làng Rêu, 2 tuần nay nằm điều trị tại Trung tâm y tế huyện Ba Tơ. Anh cho biết đứa con gái đầu là Phạm Thị My đã chết tháng 12 năm ngoái do mắc chứng bệnh “lạ”, với biểu hiện nổi mẩn, bụng trương to. Đứa con trai 3 tuổi sau khi được điều trị khỏi lại tái phát bệnh.

“Tôi thực sự rất hoang mang. Trong làng người dân bị bệnh, ra đi ngày càng nhiều, trong đó có cả con gái tôi. Và cho đến bây giờ vẫn chưa có thể chắc chắn có thể chữa khỏi bệnh. Người dân sẽ còn ở đây, và chứng kiến biết bao cảnh tang thương nữa” – anh Trà rầu rĩ.

Ngày tháng cứ nặng nề trôi qua với những người dân làng Rêu. Hung tin liên tục ập tới. Người chết, trẻ bị bệnh tật, quấy khóc. Đâu đâu cũng thấy người dân da tay chân nổi mẩn, da vàng vọt vì suy gan, những ánh mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Một không khí xác xơ, tang tóc ngập cả một làng quê.

“Cứ tình trạng này người làng Rêu chết hết mất. Không lẽ sống trong thời đại này mà vẫn phải chứng kiến cảnh người thân, người dân trong làng lần lượt ra đi thì quả là thảm họa rồi” – Phạm Văn Trinh (21 tuổi), tâm sự. Trinh cho biết, cậu từng mắc chứng bệnh “lạ”, nhưng sau một thời gian qua làng bên sống thì không thấy bị bệnh nữa.

Theo Trinh, người dân trong làng từ lâu có thói quen ăn gạo ủ, dùng nước suối cùng việc sử dụng bếp ăn chung ngay trong phòng ở nên không đảm bảo vệ sinh.

Bệnh ngày càng trẻ hơn với nhiều  mới

Cục trưởng Cục VSATTP Trần Quang Trung thăm khám bệnh nhân
Cục trưởng Cục VSATTP Trần Quang Trung thăm khám bệnh nhân .

Ông Nguyễn Tấn Đức, Phó GĐ Sở Y tế Quảng Ngãi, cho biết: Thời gian qua, Sở ráo riết hỗ trợ người dân ứng phó với bệnh “lạ”. Ngoài việc chỉ đạo Trung tâm Y tế tăng cường bổ sung vi chất cho bệnh nhân, Sở cũng có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp hỗ trợ.

Hiện trên địa bàn huyện Ba Tơ, số bệnh nhân đã tăng lên 235, trong đó 21 người đã tử vong.

Bà Đặng Thị Phượng, GĐ Trung tâm y tế huyện Ba Tơ cho biết: “Hiện số lượng trẻ em mắc chứng bệnh này ngày càng tăng. Hơn nữa, xuất hiện thêm các triệu chứng mới nóng sốt, buồn nôn và tổn thương gan… khiến cho người dân rất khó phát hiện để đưa đến điều trị kịp thời”.

Theo bà Phượng, Trung tâm vừa tiếp nhận thêm 3 ca mới đều là bệnh nhi, gồm em Phạm Văn Mơ (5 tuổi), Phạm Đinh Hiếu (4 tuổi) và Phạm Thị Thủy (10 tuổi).

Trung tâm tiến hành phân khu đối với những bệnh nhân nặng hơn, đồng thời áp dụng phác đồ điều trị do Bộ Y tế ban hành. Song tình hình diễn biến bệnh vẫn rất phức tạp và cần sự nhập cuộc, hỗ trợ của giới chuyên gia và các ngành chức năng.

Trong chuyến thăm và khảo sát tình hình tại huyện Ba Tơ hôm 21-5, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế), cho biết: Sau khi khảo sát thực địa và xét nghiệm mẫu, Hội đồng khoa học của Bộ y tế đã xác định hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân là do nhiễm độc trên cơ địa người bệnh có tình trạng kém dinh dưỡng.

Trước khi tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị triệt để, ngoài việc uống thuốc, người dân cần tăng cường các loại vitamin, bổ sung kháng sinh, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân.

Đồng thời, cần định hướng cho tất cả người dân về chế độ dinh dưỡng và thay đổi một số tập tục và thói quen ăn uống, sử dụng thực phẩm thiếu khoa học của người dân địa phương.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.