Bệnh dại có xu hướng tăng mạnh

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Bệnh dại là một bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây nên. Bệnh chủ yếu lây qua vết cắn, vết cào. Virus được truyền trực tiếp từ chó, mèo, hoặc các động vật máu nóng khác bị nhiễm dại sang người qua nước bọt tại vết cắn. 

Nó sẽ xâm nhập vào cơ thể, nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá huỷ mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết.. 

Hiện bệnh dại cũng là một trong những bệnh gây tử vong cho người đứng đầu thế giới. Khi virus dại nhiễm vào người sẽ không có thuốc đặc trị và tử vong là điều khó tránh khỏi.

Tại Việt Nam, những năm trở lại đây bệnh bắt đầu có xu hướng tăng mạnh, nhất là các tỉnh khu vực phía Bắc, số người mắc bệnh dại gia tăng trở lại, với số ca tử vong rất cao. Riêng năm 2012, bệnh dại  tại nước ta đã làm 98 người tử vong. Vì thế, bệnh dại được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm tái nổi và đứng thứ 2 trong số các bệnh truyền nhiễm gây tử vong ở nước ta.

Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được khi cả các cơ quan chức năng và cả cộng đồng chung tay thực hiện. Để chủ động trong công tác phòng chống bệnh dại gia tăng nhất là trong thời điểm mùa hè nắng nóng - cao điểm bùng phát dịch, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế kết hợp cùng các ban ngành, các cấp chỉ đạo địa phương đẩy mạnh công tác tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh cho đàm chó mèo trên địa bàn quản lý.

Kết hợp đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trong dân; để cả cộng đồng chung tay trong việc phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh.  Bởi 96% nguồn lây bệnh dại là do đàn chó, mèo nuôi trong nhà dân.

Một số khuyến cáo để phòng chống bệnh dại trong cộng đồng

     - Hạn chế nuôi chó, mèo, nếu nuôi phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ theo hướng dẫn của Thú y, phải nuôi nhốt không được thả rông.

     - Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.

     - Theo dõi tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 2 tuần để có hướng xử lý tiếp theo.

     - Không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó mèo ra, vào vùng dịch.

     - Báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó mèo bị dại; cách ly theo dõi động vật nghi dại; tiêm phòng dại cho động vật khỏe mạnh sống trong vùng dịch.

MỚI - NÓNG