Bệnh binh giả nuốt tiền tỷ ngân sách

 Ông Lê Hải Lý cung cấp thông tin cho phóng viên
Ông Lê Hải Lý cung cấp thông tin cho phóng viên
TP - Chỉ cần bỏ ra từ 12 đến 60 triệu đồng, là đủ để biến một người lành lặn thành thương bệnh binh để hưởng chế độ ưu đãi dành cho người có công.

Mua chục triệu, lãnh trăm triệu

Gần đây tại Đắk Lắk, hàng loạt hồ sơ làm giả thương binh, bệnh binh được Sở LĐ-TB&XH phát hiện, khui dần ra đường dây làm giả hồ với quy mô lớn và tinh vi. Gần 50 hồ sơ thương bệnh binh (TBB) giả từ các tỉnh phía Bắc như Hà Nam, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa… chuyển vào Đắk Lắk nhằm qua mắt cơ quan chức năng, trục lợi tiền chính sách. Tổng số tiền các đối tượng này chiếm đoạt là 1,93 tỷ đồng.

Ông Lê Hải Lý, Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk) cho biết: Nghiên cứu hồ sơ tiếp nhận, thấy có dấu hiệu nghi ngờ nên chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với các Sở LĐ-TB&XH (địa phương của những người có đơn xin chuyển chế độ - PV) để xác minh thông tin, mới phát hiện ra hồ sơ giả.

Từ 3 bộ hồ sơ nghi vấn ban đầu, chúng tôi đã dừng lại các hoạt động chi trả theo chế độ và rà soát lại nhiều hồ sơ khác phát hiện thêm hàng loạt hồ sơ giả mạo. Có những người không đi bộ đội cũng làm được hồ sơ TBB. Đến nay, Sở đã chuyển sang Công an tỉnh 46 trường hợp để điều tra, xử lý theo pháp luật.

Bước đầu, cơ quan điều tra đã xác định được nhóm 5 người gồm: Phạm Xuân Ngọc (SN 1954, trú tại huyện Nam Trực, Nam Định); Trần Văn Chính (SN 1951, ở xã Ea Bông, huyện Krông Ana, Đắk Lắk); Hoàng Thế Vinh (SN 1951, TP Nam Định); Trần Thị Hồng (SN 1954, ở P. Thành Công, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và Trần Hữu Loan (SN 1944, TP Nam Định) đã bán 44 bộ hồ sơ TBB giả nhằm hưởng lợi bất chính từ việc môi giới, làm giả hồ sơ.

Cả đôi vợ chồng Trần Văn Chính đều ăn tiền chế độ TBB nhờ hồ sơ giả. Ban đầu, Chính nhờ Ngọc mua hồ sơ giả với giá 20 triệu đồng, tỷ lệ thương tật 41%.

Năm 2009, sau khi nhận tiền chế độ trót lọt, Chính tiếp tục liên hệ với Ngọc để mua hồ sơ bệnh binh cho vợ là Đồng Thị The (SN 1956), thương tật 65% với giá 35 triệu đồng và làm đơn chuyển chế độ từ Nam Định vào Đắk Nông.

Đến cuối năm 2011, Chính tiếp tục liên lạc với Ngọc mua thêm hồ sơ thương binh khác cho vợ với giá 30 triệu đồng nộp vào Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk thì bị phát hiện. Số tiền mà The đã nhận tại tỉnh Đắk Nông là hơn 71 triệu đồng. Từ việc quen “đường đi, nước bước”, Chính đã trực tiếp môi giới làm giả 36 hồ sơ với số tiền gần 1,7 tỷ đồng, hưởng lợi 290 triệu đồng và 1 chỉ vàng. Riêng cá nhân Chính nhận chế độ thương binh giả từ năm 2009-2012 với gần 100 triệu đồng.

Kẽ hở của pháp luật

Để hồ sơ giả kín kẽ, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng yêu cầu người muốn nhận chế độ phải có hộ khẩu ở các tỉnh phía Nam. Kèm theo các giấy tờ đi bộ đội, bản phô tô công chứng hộ khẩu, chứng minh thư, ảnh thẻ và tiền “chi phí”. Người khỏe mạnh cũng có thể “hô biến” thành thương tật 60-70%, thậm chí làm giả cả Huân chương Giải phóng.

Ông Bùi Đức Lễ sinh năm 1957, trú tại phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, trước đây ở Ninh Bình. Năm 1974, ông Lễ đi bộ đội đến năm 1980 thì về quê hành nghề “chữa bệnh đông y”, lên Đắk Lắk sinh sống, bỏ ra 40 triệu đồng để mua hồ sơ bệnh binh với tỷ lệ mất sức lao động 65% và Huân chương Giải phóng Hạng Ba, rồi làm đơn xin chuyển chế độ vào Đắk Lắk.

Tính từ năm 2009 đến 2012, ông Lễ đã nhận tiền chi trả chế độ gần 120 triệu đồng. Cũng với thủ đoạn này, các TBB giả khác như Khuất Ngọc Chiến, Lê Đại Huệ, Cao Văn Khuê, Trần Đức Bài… đã từng chi từ 50-60 triệu đồng mua hồ sơ giả nhằm chiếm đoạt tiền ưu đãi chế độ cho người có công.

Không chỉ làm hồ sơ TBB giả cho những người từng tham gia quân đội, những kẻ làm giả hồ sơ còn “phù phép” cho nhiều người chưa đi bộ đội thành TBB. Với giá 35 triệu đồng/hồ sơ, bà Ngô Thị Nguyệt (SN 1956, quê ở Nam Định - hiện cư trú ở Đắk Nông) đã biến thành thương binh với tỷ lệ thương tật 41%, hưởng tiền chế độ gần 100 triệu đồng.

Tương tự, bà Trần Thị Bình (SN 1952, trú tại xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana), nguyên giáo viên ở tỉnh Yên Bái cũng biến thành bệnh binh mất sức lao động 41% với giá mua 40 triệu đồng/hồ sơ.

Theo ông Lê Hải Lý: Trước đây hồ sơ được gửi trực tiếp ở bộ phận một cửa có kèm dấu niêm phong và các giấy tờ liên quan đầy đủ nên việc chi trả theo chế độ diễn ra đơn giản, không qua thanh kiểm tra giữa nơi đi và nơi đến nên kẻ xấu đã lợi dụng kẽ hở để trục lợi.

“Bây giờ, việc xin chuyển chế độ từ tỉnh này đến tỉnh khác được làm rất chặt chẽ, hồ sơ sẽ do các Sở LĐ-TB&XH chuyển đi bằng bưu điện và giữa hai cơ quan có sự trao đổi với nhau để tránh giả mạo. Hiện chúng tôi đang tiếp tục rà soát các hồ sơ trước đây và cần có nhiều thời gian mới kiểm tra, thống kê hết. Đến nay, số tiền chi sai chế độ Sở đã thu hồi được hơn 1,5 tỷ đồng”.

Liên quan đến vụ làm giả hàng loạt hồ sơ TBB này, cơ quan điều tra - CA tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố hình sự các đối tượng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Có 1 đối tượng Trần Hữu Loan làm giả hồ sơ đã chết nên không khởi tố. Mới đây, cuối tháng 12/2013, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành cáo trạng dài 42 trang, truy tố 43 bị can cùng tội danh.

MỚI - NÓNG
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
TPO - Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đạt 11,2%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.