Bệnh án tâm thần, mua là có

Bệnh án tâm thần, mua là có
TP - Để hưởng chế độ hỗ trợ, được cấp thuốc miễn phí hay muốn sinh con thứ 3, chỉ cần bỏ ra 3-8 triệu đồng là có trong tay bệnh án tâm thần. Sau nhiều ngày điều tra, PV Tiền Phong phát hiện một đường dây mua bán bệnh án tâm thần, có sự tham gia của các bác sĩ.

Vợ chồng chị N.T.T (quê ở TP Hải Dương) có nguyện vọng muốn đẻ thêm thằng con trai nối dõi. Sợ bị kỉ luật vì sinh con thứ ba, vợ chồng chị N.T.T quyết định mang cháu L.H.T (4 tuổi) vào bệnh viện (BV) xin làm bệnh án tâm thần. Các bác sĩ, lãnh đạo BV Tâm thần kinh Hải Dương thẳng tay viết và ký đóng dấu chứng nhận cháu L.H.T từ một bé gái khỏe mạnh thành rối loạn tâm thần.

Bác sỹ Phong nhận tiền của chị N.T.T nói là để “cảm ơn giám đốc”
Bác sỹ Phong nhận tiền của chị N.T.T nói là để “cảm ơn giám đốc”.

Bác sĩ chỉ làm việc qua điện thoại

Quán bán nước của “cò” Thu nằm đối diện cổng Bệnh viện Tâm thần kinh Hải Dương. Theo một số người từng đi làm bệnh án tâm thần, muốn tiếp cận các bác sĩ trong BV, chỉ cần gặp “cò” Thu, việc gì cũng xong.

Tìm đến quán nước của “cò” Thu trong một chiều đông giá lạnh, từ xa chúng tôi đã nghe thấy giọng người phụ nữ này sang sảng nói chuyện với khách. “Cò” Thu khoảng 55 tuổi, rất xởi lởi với khách, ai đến “cò” Thu cũng bắt chuyện.

“Trước đây bà thường xin cho một số trường hợp là các cháu bị co giật đấy. Như một số trường hợp ở huyện Thanh Miện, bác sĩ đề là thần kinh phân liệt luôn. Con người ta không bị sao nhưng người ta làm cho có để sinh con thứ ba mà… Nhiều người ở các huyện cũng về làm qua bà. Bà làm tứ tung luôn…”- Thu nói vừa dứt lời liền dặn chúng tôi ngồi chờ ở quán nước để mình chạy sang gặp bác sĩ.

Ít phút sau, Thu quay trở lại dẫn chúng tôi sang gặp một bác sĩ tên Phong tại phòng khám nằm ngay ở tầng 1 dãy nhà sát mặt đường.

Trước khi trở lại quán nước, “cò” Thu kéo chị N.T.T ra góc phòng dặn chị phải chi 1 triệu đồng tiền môi giới và 3 triệu đồng một lần xác nhận, sau khi làm xong.

“Tuần sau chị mang giấy giới thiệu có đóng dấu của UBND xã, phường và cháu đến đây rồi nói chuyện tiếp. Tôi trao đổi qua điện thoại thì được, nói chuyện ở đây không tiện lắm!”- bác sĩ Phong dặn chị N.T.T, rồi móc điện thoại cầm tay của mình ra chủ động xin số điện thoại của T. Cuộc gặp diễn ra chóng vánh, nhưng chúng tôi vẫn kịp quan sát biển hiệu đề trên ngực bác sĩ có dòng chữ: “Thạc sĩ Ngô Lê Phong - Trưởng khoa Khám bệnh”. Ra tới cổng BV, “cò” Thu niềm nở bước ra hỏi han, không quên dặn khi nào xong việc nhớ thanh toán tiền cò.

Khám... tốc hành

Đúng hẹn, tôi cùng chị N.T.T đưa cháu L.H.T (4 tuổi) mang giấy giới thiệu của trạm y tế phường đến BV Tâm thần kinh Hải Dương gặp bác sĩ Ngô Lê Phong.

Cầm tờ giấy giới thiệu của trạm y tế ngắm nghía giây lát, bác sĩ Phong đi thẳng đến bàn làm việc, rút tờ Giấy chứng nhận sức khỏe (GCNSK) đặt lên bàn.

Không hề khám, thậm chí không hề nhìn cháu L.H.T một lần, vị trưởng khoa này chỉ hỏi chị N.T.T về tên, tuổi, địa chỉ của cháu, rồi ghi liền một mạch kín tờ GCNSK.

Giấy chứng nhận sức khỏe của cháu L.H.T do ông Phong khám và viết trong 10 phút
Giấy chứng nhận sức khỏe của cháu L.H.T do ông Phong khám và viết trong 10 phút.

Cháu L.H.T vừa nghịch vạt áo của mẹ vừa hát, trong lúc vị trưởng khoa “bịa” ra rất chi tiết trong GCNSK: “Bệnh nhân (cháu L.H.T) dáng vẻ ngớ ngẩn, sợ hãi. Tiếp xúc khó. Dòng tư duy chậm, ngôn ngữ nghèo nàn. Cảm xúc khí sắc không ổn định. Hành vi rối loạn. Hoạt động thiếu mục đích. Khả năng nhận thức hạn chế, tiếp thu kiến thức mới khó khăn…”.

Dù chị N.T.T không hề nói gì, nhưng ông Phong cũng bịa luôn: “Về tiền sử: Theo gia đình, bệnh nhân từ nhỏ đã chậm biết đi, chậm biết nói, đi học thường xuyên bị bạn bắt nạt, có khi sợ hãi chỗ đông người, học tập, thích ứng cuộc sống rất kém.

Kèm theo bệnh nhân có nhiều việc làm, hành động không phù hợp với lứa tuổi…”. Cuối cùng, bác sĩ Phong kết luận cháu L.H.T: Rối loạn tâm thần hành vi cảm xúc tuổi thanh thiếu niên F92.

Từ lúc mẹ con chị N.T.T bước vào phòng khám cho đến khi bác sĩ Phong viết xong GCNSK chưa đầy 10 phút. Viết xong và ký tên vào mục “Bác sĩ khám bệnh”, ông Phong cầm GCNSK dẫn chị N.T.T đi gặp lãnh đạo BV để xin chữ ký, đóng dấu, dặn chị chuẩn bị 1 triệu đồng để “cảm ơn giám đốc”.

Cầm 1 triệu từ tay chị N.T.T, bác sĩ Phong bước vào phòng giám đốc ít phút rồi trở ra với tấm GCNSK có chữ ký của ông Phạm Công Lạng, mực vẫn còn tươi, dưới mục “Lãnh đạo duyệt”.

Và cuộc ngã giá bệnh án

Cầm tấm GCNSK trên tay, chúng tôi nhanh chóng thoát ra ngoài BV, nhảy lên ô tô của người bạn nổ máy chờ sẵn từ trước. Xe vừa chạy một đoạn, đã thấy “cò” Thu gọi điện.

“Bà chỉ đòi 500 nghìn thôi. Làm xong rồi thì đừng đánh lừa người ta, làm xong rồi thì phải trả tiền đầy đủ nhá. Nó (bác sĩ Phong) ra cổng cũng bảo bà như vậy đó!”- Thu oang oang như đe dọa.

Khi chúng tôi nói hôm sau sẽ quay lại xin làm bệnh án và trả nốt tiền, giọng “cò” Thu chùng xuống: “Nó đã ghi nhận có thần kinh thì sợ gì. Cháu không phải lo cái ấy. Thế có chữ ký ông Lạng ở đấy không? Giám đốc người ta chứng nhận cho thì lo gì…”. “Cò” Thu khẳng định, chỉ cần thêm vài triệu là các bác sĩ ở đây có thể làm bệnh án cho cháu L.H.T.

Cuối chiều hôm sau, tôi cùng mẹ con chị N.T.T tiếp tục quay trở lại BV xin làm bệnh án tâm thần. Thấy chúng tôi, bác sĩ Phong mặt nhăn nhó, trách móc đến muộn.

Cũng như hôm trước, không hỏi han gì cháu L.H.T, bác sĩ Phong cho một đồng nghiệp viết bệnh án, còn mình dẫn chị N.T.T sang phòng bên “nói chuyện”. Tại đây, bác sĩ Phong tiếp tục “vòi” tiền chị N.T.T.

Trước khi ra về, khi chúng tôi đặt vấn đề có một gia đình người bạn cũng muốn xin làm bệnh án tương tự, bác sĩ Phong liền dặn dò: “Chiều mai cứ mang đến đây, nhớ xin được giấy giới thiệu của xã thì tốt. Nếu không giấy giới thiệu của trạm y tế cũng được…”.

(còn nữa)

Muốn làm bệnh án, thêm 3 triệu đồng

- Để cho chắc chắn hơn bọn em muốn làm bệnh án có được không anh?

-Nếu muốn có bệnh án thì càng tốt thôi. Chị cứ cho cháu xuống đây chúng tôi làm thủ tục cho vào viện rồi chị cho cháu về. Khoảng độ chục ngày sau chị xuống BV lấy bệnh án về. Chị cho cháu xuống đây làm thủ tục chỉ mấy phút thôi. Khi nào đi lấy bệnh án một mình chị xuống cũng được hoặc nhờ ai lấy…Như thế thì chắc chắn hơn.

- Có phải chi thêm tiền không anh?

-Có, có chị ạ. Cái đấy thêm khoảng từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng nữa chị nhé... Về nguyên tắc thì bệnh nhân phải nằm tại viện, có người chăm nuôi. Cái việc này nó phức tạp hơn việc xác định bệnh…

- Nhỡ cháu bị bác sĩ giữ lại điều trị thì như thế nào?

- Không, việc đó chúng tôi bố trí được thôi.

- Nếu lấy bệnh án có ghi bệnh nặng hơn không?

-Về cơ bản nó sẽ giống như trong xác định bệnh cho con chị hôm nọ. Trong bệnh án chúng tôi có thể mô tả bệnh nó nặng hơn. Trong bệnh án nó khẳng định hơn, chắc chắn hơn chị ạ...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG