Bến Xuân - Sống lại vẻ đẹp âm nhạc cung đình

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cũng phải vài lần hẹn tôi mới gặp được vợ chồng nghệ sĩ Camille Huyền, chủ nhân của Nhà hát tư nhân đầu tiên của cố đô Huế. Chị Camille Huyền: “Nhà hát do chính chúng tôi thiết kế xây dựng và tổ chức biểu diễn nên hai chúng tôi bận bịu tối ngày. Anh ghé chơi cứ tự nhiên vãn cảnh, lâu lâu chúng tôi sẽ ra tiếp chuyện”.

Từ một lời hứa

Huyền Tôn Nữ Camille (CamilleHuyen), hậu duệ Vương triều Nguyễn thuộc dòng Nam Sách Quận Công (hoàng tử thứ 61 của Hoàng đế Minh Mạng). Cô trưởng thành và lập nghiệp tại châu Âu nhưng luôn hướng nghệ thuật về nguồn cội Việt Nam.

Nhà văn Trần Thùy Mai viết rằng: “Ai đã học ở trường nữ Đồng Khánh những năm 70 hẳn còn nhớ Huyền Tôn Nữ Cẩm Hồng, cô nữ sinh mảnh khảnh nhu mì với mái tóc thề xõa kín đôi vai. Rời quê hương khi chưa đầy hai mươi tuổi, Hồng ở lại Pháp với cái tên mới: Camille Huyền. Khởi đầu từ những đêm hát tài tử ở nhà hàng Les Trois Bonheurs trên đại lộ Champs Elysée, Huyền đi vào thế giới âm nhạc”.

Chị Camille Huyền và thầy của mình là nghệ sĩ Walther Giger đã phổ nhạc nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử biểu diễn nhiều lần tại Thụy Sĩ và Festival Huế. Camille Huyền là một bậc thầy về sáng tác và biểu diễn âm nhạc ngũ cung kết hợp với nghệ thuật cổ điển thính phòng phương Tây. Kỹ thuật thanh nhạc vô cùng thuần thục và xử lý tác phẩm biến hóa với những đường nét giai điệu bất ngờ.

Cố giáo sư nhạc sĩ Trần Quang Hải từng nhận xét về các sáng tác của Camille Huyền và Walther Giger trên nền thơ Hàn Mặc Tử: “Lần đầu tiên có một sự phối hợp giữa những bài thơ về trăng được lồng trong không gian nhạc ngũ cung Việt với sự sáng tạo đầy nhạc tính Tây phương đương đại của nhạc sĩ tài hoa người Thụy Sĩ Walther Giger và nghệ sĩ Việt Nam Camille Huyền. Walther Giger đã được chinh phục bởi nhạc ngữ cổ truyền Việt Nam sau vài lần viếng thăm và trình diễn tại Việt Nam và cùng với Camille Huyền lưu diễn nhiều năm qua”.

Lựa chọn những bài thơ “Điên” của Hàn Mặc Tử để “nhạc hóa” cũng phần nào cho thấy một tính cách độc đáo, mạnh mẽ của hậu duệ Hoàng đế Minh Mạng. Camille Huyền biểu diễn như lên đồng các tác phẩm “Say trăng”, “Những Giọt Lệ”, “Trường tương tư”, “Uống trăng…”. Phía sau người con gái Huế vô cùng nền nếp ấy dường như luôn chứa đựng những khát khao bùng nổ.

Nghệ sĩ Camille Huyền nói với phóng viên: “Cơ duyên Camille Huyền từ châu Âu trở về Huế để xây dựng Nhà hát Bến Xuân ư? Câu chuyện như thế này. Trong một lần tôi cùng thầy Walther Giger được mời về biểu diễn tại Festival Huế, thầy tôi nói: Nhà hát ở đây ồn ào quá, trong khi các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc thì bên ngoài có nhiều hoạt động khác của lễ hội cùng diễn ra. Tôi nói với thầy tôi: Thầy yên tâm, em sẽ về Huế và xây dựng một nhà hát cực kỳ yên tĩnh phù hợp với quang cảnh nơi đây”.

Những viên gạch vỡ “lên tiếng”

Anh Trương Đình Ngộ - phu quân của nghệ sĩ Camille Huyền là một người hiểu và sát cánh cùng giấc mơ nghệ thuật của vợ mình. Anh nói: “Tôi vốn làm trong ngành ngân hàng tại Thụy Sĩ. Thường ngày chúng tôi cũng làm việc tiếp xúc với giới thượng lưu châu Âu, đó là các khách hàng lớn của ngân hàng ở Thụy Sĩ. Họ đều có điểm chung là am hiểu và yêu thích tranh và âm nhạc. Khi vợ tôi muốn trở về Việt Nam xây dựng một nhà hát theo phong cách hoàng gia, tôi ủng hộ”.

Anh Trương Đình Ngộ tiết lộ: “Chúng tôi chọn vị trí xây dựng Nhà hát Bến Xuân là ở khoảng giữa của chùa Thiên Mụ và Văn Thánh. Chúng tôi muốn làm một điểm kết nối giữa hai di sản văn hóa ấy. Vợ tôi ngoài là một nhạc sĩ, ca sĩ, cô ấy còn là họa sĩ và tự tay cô ấy thiết kế toàn bộ Nhà hát Bến Xuân”.

Bến Xuân là một công trình kiến trúc độc đáo: toàn bộ vật liệu đều là vật liệu cổ, song chúng được dùng để xây lên một công trình nghệ thuật mang tính sắp đặt.

Nghệ sĩ Camille Huyền chia sẻ với phóng viên: “Chúng tôi mất mười năm để xây dựng Bến Xuân. Sở dĩ thời gian kéo dài là vì chúng tôi phải đi sưu tầm ngói, gạch cổ, gỗ xưa, cửa cổ, sành sứ xưa… thậm chí tôi mua lại sành sứ từ những con tàu đắm mấy trăm năm được tìm thấy. Nếu anh để ý sẽ thấy nhà hát chủ yếu làm bằng gỗ nhưng màu sắc chỗ đậm chỗ nhạt, sáng tối bất ngờ, đó là do chúng xuất phát từ các triều đại khác nhau”.

Cổng Bến Xuân nhìn ra sông Hương thơ mộng được xây dựng dựa vào hàng tấn mảnh sành sứ cổ. Chị Camille Huyền nói: “Các cổng vào Bến Xuân đều là những công trình nghệ thuật sắp đặt. Cổng hướng ra sông Hương có ý nghĩa biểu tượng là mũi của một con thuyền đang hòa mình vào dòng chảy lịch sử”.

Con thuyền nghệ thuật mới

Nhà hát Bến Xuân đã thực sự trở thành một con thuyền nghệ thuật mới bên dòng Hương Giang xanh biếc, dù cho mùa mưa bão nước lũ cũng dâng tràn khắp Bến Xuân.

Camille Huyền đội nón Huế, tất bật thử âm thanh cho các buổi biểu diễn tại Bến Xuân. Chị nói: “Tôi muốn đưa văn hóa hoàng kim của những ngày xưa trở lại trong những buổi hòa nhạc trên Bến Xuân. Không ai làm thì tôi làm vậy, việc gì cũng phải có người khởi xướng đầu tiên”.

Tại Bến Xuân không chỉ có phòng hòa nhạc được làm hoàn toàn bằng gỗ xưa, quần thể này còn có cả lầu thơ và lầu đọc sách. Cổ mà không cũ, công trình này không chứa đựng tư tưởng hoài cổ mà nó là một sáng tạo mới, một nghệ thuật mới được sản sinh từ vốn cổ. Chẳng hạn cổng vào được thiết kế với dáng Phật ngồi thiền trên ao sen nhưng mô phỏng một tác phẩm nghệ thuật kiểu lắp ghép của nghệ sĩ điêu khắc Điềm Phùng Thị. Những ai từng gặp và yêu quý nghệ thuật của Điềm Phùng Thị có thể sẽ thích đi qua cổng này (Có 3 cổng để lựa chọn khi đi vào Nhà hát Bến Xuân).

Theo nghệ sĩ Camille Huyền thì công trình kiến trúc đẹp không phải là một sự phô trương, mà chính là “tác phẩm nghệ thuật hòa mình vào và làm đẹp thiên nhiên”. Ta chỉ thấy đây đó những tòa lầu với các hoa văn thấp thoáng trong bóng cau.

“Không gian Nhà hát Bến Xuân là để nhớ những đêm thật sự “Ca thính phòng” ở một kinh đô thời vàng son và ở những phủ đệ một thời chưa xa lắm” - Nghệ sĩ cho biết.

Anh Trương Đình Ngộ nói: “Chúng tôi đã tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật tại Bến Xuân, kết hợp âm nhạc cổ điển phương Tây và âm nhạc Việt Nam. Các buổi biểu diễn đều nhanh chóng hết vé. Các công ty du lịch muốn chúng tôi có nhiều buổi biểu diễn hơn nữa! Song thực tế chúng tôi trở về Việt Nam để xây dựng không gian sống cho bản thân mình, vì thế chúng tôi không thể chạy theo thị hiếu”.

Bến Xuân - Sống lại vẻ đẹp âm nhạc cung đình ảnh 1

Một buổi biểu diễn tại Nhà hát Bến Xuân Ảnh: Tư liệu nghệ sĩ

Các buổi biểu diễn tại Nhà hát Bến Xuân được chuẩn bị kỹ lưỡng. Các nghệ sĩ thành danh trong nước và quốc tế được mời. Từng tác phẩm âm nhạc có phần giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng để khán giả hiểu lịch sử ra đời và nội dung tác phẩm.

Đêm diễn mới nhất được tổ chức, các tác phẩm được biểu diễn gồm: Hai bài thơ Hàn Mạc Tử do Camille Huyền và Walther Giger phổ nhạc là “Những giọt lệ” và “Anh điên- em điên”. Hai bài Arias tiếng Pháp là Belle Nuit, Ô Nuit d’amour (J. Offenbach) (1881), Des fleurs, Lakmé (L. Delibes), (1883), Ca khúc “Dis, quand reviendras-tu” của Barbara, bài Arias tiếng Ý Ombra mai fù (G.F. Haendel)…

Nghệ sĩ Opera Khắc Hòa từ châu Âu về biểu diễn tại Nhà hát Bến Xuân chia sẻ rằng: “Xin cảm ơn cô Camille Huyen và bác Trương Đình Ngộ đã lan tỏa và nhân duyên đến với âm nhạc và văn hoá!”. Anh cũng nhận xét: “Chủ nhân của Nhà hát Bến Xuân đã tạo cơ hội cho cho nhiều người con của Huế có được cơ hội thưởng thức bộ môn nghệ thuật hàn lâm”.

Bến Xuân - Sống lại vẻ đẹp âm nhạc cung đình ảnh 2

Cổng Sen nhìn ra dòng sông Hương Ảnh: Trần Nguyễn Anh

Bến Xuân - Sống lại vẻ đẹp âm nhạc cung đình ảnh 3

Nghệ sĩ Camille Huyền luyện giọng mỗi ngày

Ảnh: Trần Nguyễn Anh

Cao sang và dung dị

Nghệ sĩ Camille Huyền tâm sự trở về Việt Nam sinh sống, đôi khi chị cũng rất nhớ Thụy Sĩ, nhớ không khí biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật ở châu Âu, song theo chị: “Thay vì than thở, hãy tự tạo dựng không gian sống cho chính mình”.

Anh Trương Đình Ngộ cũng nói: “Ở châu Âu chúng tôi xem các chương trình nghệ thuật đỉnh cao thường xuyên, còn ở đây thì không thể. Chẳng còn cách nào khác là chúng tôi tự xây dựng nhà hát và biểu diễn, đôi khi là để thỏa mãn cho chính mình”.

Chị Trương Nguyễn Quế Châu (tốt nghiệp thạc sĩ ngành du lịch tại Pháp và hiện làm việc trong ngành du lịch tại miền Trung) cho biết: “Những năm gần đây rất nhiều du khách châu Âu, đặc biệt là du khách Pháp, Thụy Sĩ thích đến thưởng thức nghệ thuật và ẩm thực tại Nhà hát Bến Xuân, Huế. Nơi đây họ có thể thưởng thức nghệ thuật cổ điển thính phòng và nếp sống đài các, hòa mình trong nền nghệ thuật quý tộc cung đình Huế nay hầu như đã mai một”.

Buổi tối biểu diễn hát thơ Hàn Mặc Tử và các tác phẩm nổi tiếng của châu Âu, chiều muộn gia chủ còn làm đầu bếp, tự tay nấu các món ăn từ rau củ mình trồng để phục vụ du khách gần xa trong đêm nhạc.

Nghệ sĩ Camille Huyền cũng có thói quen đi lượm rác ven sông Hương. Chị chia sẻ rằng: “So với ba năm trước, sông Hương đã sạch hơn, nhưng vẫn còn nhiều rác. So với hồ Thụy Sĩ thì còn xa lắm. Quan trọng là thành phố và người dân đã ý thức. Chúng ta sẽ làm Huế xinh đẹp lại”.

Tôi ấn tượng với cuộc trao đổi về dàn âm thanh của vợ chồng nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Camille Huyền nói: “Em muốn hát mộc nhưng em chỉ có thể hát cho vài chục khán giả thôi, còn nhà hát của chúng ta có khi đã lên tới năm mươi người nghe rồi, em thấy rất mệt. Hay là chúng ta sử dụng dàn âm thanh hiện đại hơn để hỗ trợ?”. Anh Trương Đình Ngộ: “Giọng hát em hay ở sự chân thực, mộc mạc, nếu đem âm thanh hiện đại vào thì sẽ không còn nghe ra giọng thật của em nữa”. Nghệ sĩ Camille Huyền: “Ồ! Nếu khán giả nghe nhạc em mà không còn nhận ra giọng của em nữa thì không được. Em sẽ cố gắng để hát bằng những gì chân thật nhất của mình!”.

8/2022

MỚI - NÓNG