Mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, làng Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) lại đượm nồng trong mùi men thơm của gạo. Hương thơm này đến từ những thúng cơm rượu nếp mới, được bày bán khắp các ngõ đường làng.
Ngay tại đầu làng, một nhà buôn đang bận rộn đong cơm rượu để bán trong ngày diệt sâu bọ. Mùi thơm của cơm rượu lan tỏa khắp nơi.
Cơm rượu nếp được mua nhiều vào dịp Tết Đoan Ngọ. |
"Cơm rượu nếp đi em ơi, 50.000 đồng 1 cân thôi", chị Bùi Thị Dung (nhà buôn, làng Phú Thượng) mời chào. Như thường lệ, vào ngày Tết Đoan Ngọ, món cơm rượu nếp lại trở thành món ăn được nhiều gia đình săn đón.
Theo chị Dung, vào ngày diệt sâu bọ, các gia đình thường chọn mua cơm rượu về ăn để làm sâu "say". Thực chất, chính lớp cám ở gạo nếp, trộn thêm men cay của rượu sẽ giúp người ăn tăng sức đề kháng và ngăn ngừa được nhiều bệnh tật trong mùa.
Gia đình chị Dung là đầu mối cơm rượu từ nhiều năm nay. Nghề đượm hơi men này được ông bà truyền lại cho các con dâu, con gái. "Nhà tôi bán lâu rồi, vừa bán lẻ, vừa bán sỉ cho các chợ truyền thống", chị Dung chia sẻ.
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, các nhà buôn bán ra cả tạ cơm rượu. |
Năm nay, gia đình chị tiếp tục chọn bán cơm rượu nếp cái hoa vàng và nếp cẩm. Giá bán từ 50.000 - 80.000 đồng/kg. Để cho ra những mẻ cơm rượu thơm, hạt cơm mọng chín tới, những người dân làng Phú Thượng phải ủ từ 1 - 2 ngày. "Tùy theo thời tiết, những ngày trời nắng nóng thì chỉ cần ủ 1 đêm là cơm chín", chị Nguyễn Thị Quý (42 tuổi) - người có nhiều kinh nghiệm nhất trong gia đình chị Dung chia sẻ.
"Cơm rượu muốn ngon phải chọn gạo nếp thật kỹ, sau đó ủ men và đường. Trong những ngày nắng nóng phải đảm bảo rượu ủ đúng cách, nếu không rất dễ bị hỏng. Cơm rượu chưa chín tới thì ngọt sượng mà quá ngày thì rất cay, không thể ăn được", chị Quý nói thêm.
Các đầu mối đóng sẵn từng hộp 1kg để tiểu thương đến lấy. |
Để giữ cơm rượu được thơm và ẩm, nhà chị Quý sử dụng lá sen để gói và ủ cơm. "Làm cơm rượu thì rất dễ, công thức luôn có sẵn. Nhưng không phải ai cũng có thể làm ra món cơm rượu vừa thơm nồng, cay nhẹ lại ngọt vừa đủ. Vậy nên nhà tôi không thuê người làm, tất cả đều là chị em trong nhà tự tay ủ", chị bộc bạch.
Cũng vì điều này mà từ sáng sớm, gia đình này đã tất bật kiểm tra các mẻ cơm rượu, đem đóng hộp sẵn chuẩn bị cho các thương lái đến lấy. Tại nhà chị Quý, một cân cơm rượu nếp cái được bán với giá 50.000 đồng, cơm rượu nếp cẩm sẽ có giá cao hơn là 70.000 đồng/kg. Do hàng chất lượng nên khách quen rất chuộng mua. Chỉ trong 2 ngày gần Tết Đoan Ngọ, nhà chị đã bán hết gần 2 tạ cơm rượu.
Cơm rượu nếp cẩm cũng rất được ưa chuộng vì màu sắc đẹp. |
Tương tự, tại hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hà (37 tuổi, làng Phú Thượng) cũng đã đổ cơm rượu ra thúng bày bán. Nhà anh chủ yếu bán cơm rượu nếp cẩm, "ăn vào sẽ có vị hơi khác so với nếp cái, nó có mùi thơm đặc trưng và màu sắc bắt mắt nên thường được các khách hàng mua để đặt mâm cúng", anh Hà chia sẻ.
"Khách chỉ mua cơm rượu đợt này là nhiều. Nhà tôi cũng chỉ làm số lượng lớn và bán trước Tết Đoan Ngọ. Những ngày thường tôi vẫn ủ cơm rượu nhưng ít hơn và nấu xôi là chính", vừa nói người lái buôn này vừa bận rộn đong hàng bán cho khách lẻ.
Cận ngày Tết Đoan Ngọ, nhiều khách hàng đã tìm mua sản phẩm "hot" này. |
Trên thị trường, cơm rượu nếp được rao bán với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 60.000 - 100.000 đồng/kg. Các thương lái tại chợ truyền thống bán cơm rượu đóng sẵn với giá 15.000 - 20.000 đồng/hộp nhỏ. Một số nơi bán nguyên mâm đồ cúng bao gồm bánh gio, cơm rượu nếp, hoa quả, hoa sen sẽ có giá từ 200.000 - 300.000 đồng.
Chị Hà (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) năm nào cũng ghé chợ làng Phú Thượng mua cơm rượu nếp. Chị lựa chọn mua hộp nhỏ đóng sẵn với giá 15.000 đồng. "Chỉ thắp hương và ăn trong ngày nên tôi không mua nhiều, chỉ vài lạng là đủ. Tôi cũng ra chợ mua thêm hoa quả tươi về bày mâm sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với mua mâm đồ cúng".
Link gốc: https://danviet.vn/ben-trong-thu-phu-com-ruou-ngay-tet-doan-ngo-o-ha-noi-20230622074606547.htm