Có chiếc xe ô tô đỗ xịch trước cổng chốt. Một người đàn ông vóc dáng cao ráo bước xuống, nhanh tay cùng mọi người chuyển những túi màu vàng, đựng hộp cơm vào khu phong tỏa. Lực lượng trực chốt vui vẻ nhận lấy rồi chuyển lên xe gửi vào bệnh viện.
“Trưa ni các bác sĩ lại có cơm “VIP” ăn rồi. Cơm 4U ấy, 4U chứ không phải For You (địa điểm nhà hàng tiệc cưới mà bệnh nhân 416 tham dự - PV) mô nghe” - một chiến sĩ trẻ cười đùa. Những suất cơm “VIP” này do anh Phạm Lê Văn Long - chủ một nhà hàng lớn trên địa bàn hỗ trợ lực lượng y bác sĩ tuyến đầu chống dịch trong khu phong tỏa.
Biết các bác sĩ tuyến đầu chống dịch vất vả, anh Long kêu gọi những người quen của mình cùng nấu những suất cơm miễn phí để tiếp sức cho lực lượng chống dịch. “Lúc đầu tôi nghĩ chỉ vài người hưởng ứng, không ngờ lại rất nhiều. Người góp 500 ngàn, người góp 1 triệu, người cho mượn nhà hàng để cùng nấu. Tôi mong muốn lực lượng ở tuyến đầu được ăn những bữa cơm ngon, đủ chất nhất để có đủ sức khỏe, tinh thần đối đầu với dịch bệnh”, anh Long chia sẻ.
Hiện đã có 6 nhà hàng trên địa bàn góp sức cùng nấu những suất cơm “VIP”. Mỗi ngày, khoảng 800 suất cơm sẽ được chuyển vào khu phong tỏa. Anh Long và những người bạn của mình sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi kết thúc dịch bệnh.
Lực lượng gác chốt ở đây đều quen mặt chị Tạ Mỹ Hồng nhà ở gần đấy. Bởi chỉ mới 2 ngày chốt, chị đã mang ra không biết bao lượt cà phê, nước nôi mời mọi người. “Thấy mấy đứa chốt ngày chốt đêm ở đây, tui thấy thương lắm. Tui chả có chi nhiều cho tụi hắn. Nhà bán cà phê nên pha thêm mấy ly, nước mát thì tủ lạnh lúc nào cũng có”, chị Hồng tươi cười.
Cũng tại các điểm chốt, không biết bao nhiêu lượt người dân tạt qua, lúc thì cho túi bánh, lúc thì cho mấy chai nước mát, lúc thì cho mấy bịch hoa quả gọt sẵn. Mỗi ngày, có hàng ngàn chai nước, khẩu trang, mũ chống giọt bắn, đồ bảo hộ... được chuyển vào khu phong tỏa. Các mạnh thường quân, người dân cũng góp sức tiếp nhu yếu phẩm, thực phẩm. Ít thì vài trăm suất, nhiều lên đến cả ngàn suất. Người dân Đà Nẵng ai cũng muốn góp chút sức dù nhiều hay ít để cùng thành phố vượt qua đại dịch.