Bến tạm của những phận nữ lỡ làng

Những người phụ nữ lỡ làng nương tựa vào nhau.
Những người phụ nữ lỡ làng nương tựa vào nhau.
Có cô gái chỉ mới 14, 15 tuổi, yêu đương sớm rồi mang bầu, gia đình hắt hủi vì sợ mang tiếng đành đưa vào Nhà tạm lánh Mai Tiến ở Đồng Nai để lánh nạn.

Nỗi niềm...

Những cô gái trót mang thai ngoài ý muốn nhưng bị người yêu, gia đình chối bỏ khiến họ bơ vơ, tuyệt vọng. Trong hoàn cảnh cay nghiệt ấy có một bàn tay nhân hậu chìa ra. Đó là Nhà tạm lánh Mai Tiến ở KP4, phường Hố Nai, TP. Biên Hoà (Đồng Nai).

Bà Nguyễn Thị Căn, thành viên Ban quản lý nhà tạm lánh, cho hay hiện tổ ấm có khoảng 30 chị em đến từ khắp nơi trên cả nước. Bất cứ người nào lỡ mang bầu không được gia đình thừa nhận, sợ dư luận đay nghiến, nơi này đều sẵn sàng tiếp nhận, cho vào ở miễn phí, tạo mọi điều kiện chăm sóc tốt nhất có thể, từ em học sinh nhỏ mới 14 tuổi đến nữ sinh viên, công nhân, chị lao công...

Bà Căn lý giải: “Mái nhà này được thành lập với mục đích đơn giản là giúp chị em giữ lại đứa con của mình. Mỗi người vào đây có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều rất đáng thương. Có em chỉ mới 14, 15 tuổi, yêu đương sớm rồi mang bầu, gia đình hắt hủi vì sợ mang tiếng đành đưa vào đây lánh nạn. Có em chồng không muốn sinh thêm con, lỡ mang bầu bị đánh đập, đuổi ra khỏi nhà, cũng xin vào đây...”.

Lúc đầu, nơi này chỉ là căn nhà cấp bốn cũ kỹ, xập xệ, sau đó nhờ nguồn tiền vận động mới được xây dựng khang trang hơn, có thể tiếp nhận trên 50 phụ nữ, sinh hoạt theo quy định của ban quản lý, bầu nhỏ là “cánh tay phải” nuôi bầu lớn. Mọi người và thành viên ban quản lý có nhiệm vụ đưa bà bầu đến bệnh viện sinh nở và đón về chăm sóc như chính người thân trong gia đình.

Ở khu này còn có nghĩa trang hài nhi chỉ nằm cách nhà tạm lánh vài chục bước chân, là nơi người dân đưa những thai nhi bị vứt bỏ đem về chôn cất tử tế. Từ nhà tạm lánh, tôi bước qua nghĩa trang nhỏ bé này, tiếng nhạc trẻ thơ vang vọng giữa những hàng hoa thơm ngọt ngào, có tiếng suối nước chảy.

Đáng chú ý hơn cả là bức tường xi măng có những hộc vuông nhỏ là nơi đặt vong linh của những hài nhi xấu số. Bà Căn chỉ tay lên những chiếc hộc đó, nói: “Đây là cháu X.T được đưa về từ Bệnh viện Từ Dũ, cháu H.T nhặt từ thùng rác ngoài đường, cháu T.D được xin về từ phòng phá thai, còn đây là cháu T.Y được cha mẹ đưa đến...”.

Trên các hộc có nhiều đồ chơi như ôtô, hoa tai, lược cài hay thậm chí chỉ là chiếc nơ đeo tay màu đỏ xinh xắn. Có lẽ đó là món quà duy nhất mà cha mẹ các cháu muốn tặng cho đứa con bất hạnh từ khi chưa kịp cất tiếng khóc chào đời.

Tình người nơi bến tạm

Lúc rảnh rỗi, những thai phụ nơi đây miệt mài với việc bọc giấy bóng cho từng thỏi kẹo mút đầy màu sắc. Đó là công việc nhàn hạ duy nhất giúp họ có thể kiếm thêm tiền trong khi chờ ngày sinh nở.

Lan (16 tuổi) quê Đắk Lắk, hát điệu “ầu ơ” ru đứa bé say giấc. Bé trai kháu khỉnh là con mới sinh của người bạn chung phòng. Lan mang bầu mới được 4 tháng, chăm sóc con bạn như chính đứa con mình sinh ra, hàng ngày cô dậy sớm giặt tã, lau nhà, cho bé uống sữa...

Lan kể, những ngày đầu sống xa gia đình, đêm nào cô cũng khóc vì sự lỡ lầm của mình, định tìm đến cái chết, nhưng nhiều chị em đã động viên, khuyên nhủ. Họ để Lan bồng bế những đứa trẻ còn nồng hơi sữa để cô cảm nhận tình mẫu tử thiêng liêng, cố gắng sống và làm lại cuộc đời.

Trước mặt tôi là một phụ nữ tên Hương (28 tuổi, quê Thanh Hoá). Trên góc giường là nơi Hương đặt những cuốn sách viết về trẻ em. Cô đặc biệt thích một câu trong đó: “Dù không phải là thiên tài nhưng bạn có thể trở thành cha mẹ của thiên tài”. Hương tin tưởng bảo rằng dù cô có lầm lỡ một lần trong đời nhưng sau này cô sẽ là mẹ của đứa con trong bụng, thằng bé biết đâu cũng trở thành thiên tài.

Thời gian mang bầu, Hương suy sụp và rơi vào tuyệt vọng. Về quê nhà với cái bụng này, cha cô sẽ chửi mắng và đuổi cô ra khỏi nhà ngay lập tức, còn nếu đi thì đi đâu bây giờ, ở nhà bạn rồi nhiều người sẽ biết cô chửa hoang, sống nhờ nhà người thân thì điều tiếng oan trái lan rộng sẽ khiến cha cô gục ngã.

Khi Hương chẳng còn gì để mất thì mái nhà tạm lánh đã che chở cho cô, giúp cô vững vàng tâm lý cho lần “vượt cạn” sắp tới. Dù còn nhiều nỗi trăn trở nhưng khi vào đây, Hương được sống trong tình cảm ấm áp yêu thương của những người chung hoàn cảnh.

Sự thông cảm cho nhau đã giúp Hương tin vào tương lai phía trước. Và không ít cô gái như Hương sau này đã tìm về mái nhà tạm lánh để thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã cưu mang mình.

Bà Căn cho hay đa số những chị em sinh nở ở đây đều nuôi dạy con khôn lớn, một số người trở về hoà nhập với cuộc sống mới để đón nhận hạnh phúc. Mái nhà tạm lánh, đúng như tên gọi của nó, là nơi để người phụ nữ tạm thời lánh nạn trong cuộc đời khi chẳng may “lỡ làng” mang trong mình hình hài nhỏ bé.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG