Bên lề một kỳ họp hai Chính phủ

Bên lề một kỳ họp hai Chính phủ
TP - Các phương tiện thông tin đại chúng đã loan báo chi tiết về kỳ họp lần thứ 36 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam- Lào về hợp tác kinh tế văn hóa giáo dục KHKT tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Thủ đô Viêng Chăn ngày 17/12/2013. Giờ giải lao, hành lang Hội trường bỗng đông chật bởi những chuyện cần bộc bạch phải tranh thủ thời gian...

> Họp Ủy ban liên Chính phủ Việt – Lào

Lần đầu được tới Trung tâm Hội nghị quốc gia Lào. Không hoành tráng như hội trường quốc gia Mỹ Đình, nhà họp của quốc gia Lào khá bề thế, ấm cúng công năng sử dụng tiện nhiều bề. Mặt tiền lẫn nội thất đặt chân vào đã rõ và bật lên chất... Lào mộc mạc nhưng sang trọng. Có tí ti diêm dúa nhưng hợp lý.

Có lẽ muốn biết chi tiết việc hợp tác Kinh tế - Văn hóa, Khoa học Kỹ thuật Việt Nam - Lào chỉ cần lật giở những biên bản các kỳ họp của Ủy ban liên Chính phủ Việt-Lào. Ủy ban có nhiệm vụ theo dõi, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác này. Ủy ban họp mỗi năm một lần, luân phiên địa điểm, khi ở Việt Nam khi ở Lào. Đã có 36 phiên họp cả thảy. Từ năm 1991, quy định Chủ tịch Ủy ban mỗi nước là ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực.

Ban nãy ngồi trong Hội trường đông chật, nghe báo cáo thấy lọt cùng xuôi tai những thành tựu đạt được trong một năm. Rồi cứ ngỡ những cuộc gặp Lào - Việt, dẫu tầm cấp nào, âm hưởng chủ đạo xuyên suốt là vui vẻ nhất trí trăm phần trăm. Nhưng ở cuộc họp này, để đến đáp số vui vẻ nhất trí, các đại biểu Trung ương, địa phương, Bộ ngành đến phần thảo luận cả hai bên đều không ngại việc thẳng thắn và bộc trực quan điểm cùng những bức xúc. Một chỉ dấu đổi mới và chất lượng của một Liên minh cần được xốc lại đội hình?

...Cái dáng cao ráo quen thuộc của Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Somsavad Lengsavath luôn nổi bật trong đám đông, với chất giọng vang khi ông dùng tiếng Việt. Ấy là dấu hiệu mỗi khi ông muốn tâm tình hay thẳng thắn với bạn Việt Nam (tôi dẫn lại cụm từ thẳng thắn tâm tình của ông Tô Huy Rứa từng nhận xét về vị Phó Thủ tướng này trong Hội nghị xúc tiến đầu tư Lào-Việt tháng 12/2008).

Phó Thủ tướng Somsavad Lengsavath với tác giả trong giờ giải lao Hội nghị
Phó Thủ tướng Somsavad Lengsavath với tác giả trong giờ giải lao Hội nghị.

Đứng với một số quan chức lẫn doanh nhân Việt, ông Phó Thủ tướng Lào như đang nối tiếp cái mạch đột phá mà ban nãy trong Hội trường rằng, ta họp, ta ngồi với nhau mãi rồi. Nói mắc và vướng ở thể chế là ở đâu, khâu nào? Phải có động thái đột phá vào những gì trì trệ cả hai bên. Chuyện khó, nhạy cảm như trước đây Việt Nam đưa quân đội sang giúp Lào mà chúng ta còn làm được. Vì chúng ta có mối quan hệ đặc biệt, Liên minh chiến đấu của chúng ta là đặc biệt. Đặc biệt nên chúng ta mới có bước đột phá trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Bây giờ,Việt Nam - Lào là thành viên WTO và ASEAN, ta kết hợp lại hai đặc thù đặc biệt này để tìm ra bước đột phá để tháo gỡ...

Cứ thế, ông kết hợp khái niệm lẫn chi tiết. Chi tiết là những câu chuyện sinh động. Tôi nhớ cũng giờ giải lao ở Hội nghị xúc tiến đầu tư năm ấy ở Sầm Nưa, ông bộc bạch với các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam là ông mới đi Viêng Xay căn cứ cách mạng Lào về. Dân Viêng Xay thu nhập bình quân không quá 200 USD/ năm đâu các bạn ạ. Nhưng ngô, cây lương thực chủ yếu thì lại không có đầu ra. Tôi nhẩm tính phải đến 80.000 tấn ngô hiện đang đắp đống để đấy. Các nhà đầu tư Việt Nam có thể giúp gì cho bà con nông dân Viêng Xay? Chúng ta có thể nghĩ ngay đến những cơ sở chế biến thức ăn gia súc vừa và nhỏ? Rồi nhà máy chế biến hoa quả để giải quyết đầu ra cho dứa, cho mận nữa? 9 nhà máy thủy điện ở Bắc Lào ở Hủa Phăn đang đợi các đồng chí. Tiềm năng về khoáng sản, về thủy điện, về công nghiệp nhẹ và nông nghiệp ở mấy tỉnh Bắc Lào nói chung đang đợi các đồng chí. Tôi rất cảm ơn những cú hích của BIDV trực tiếp mời gọi được hơn 20 nhà đầu tư lớn của Việt Nam có mặt tại đây hôm nay như Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, Đức Long Gia Lai vv... Tôi tin rằng tiềm năng của 5 tỉnh Bắc Lào nói chung và Hủa Phăn nói riêng sẽ hấp dẫn được các vị!

Có một lúc ông đứng với cánh nhà báo. Ông thẳng thắn luôn: Tốc độ đầu tư của Việt Nam ở Lào đang chững lại. Tuy tốc độ đang là dẫn đầu là số 1, nhưng xếp trong 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, 9 tỷ USD đầu tư của Việt Nam vẫn sau Trung Quốc và Thái Lan một chút.

Giọng ông trầm hẳn xuống khi bộc bạch rằng ông rất sốt ruột. Tại sao các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào kém hào hứng? Tất nhiên thủ tục đầu tư có những điểm cần phải chỉnh sửa ngay, nhưng sự nổi trội của các nhà đầu tư Thái và Trung Quốc là họ sẵn sàng chấp nhận sự rủi ro. Các nhà đầu tư Việt Nam còn chùng chình. Nếu cứ với tốc độ chững lại như vừa qua thì Việt Nam không còn là ở vị trí số 1 đầu tư ở Lào nữa...

Hình như những chuyện, những vấn đề bên hành lang một địa phương 5 năm trước, bữa nay trong Hội nghị tầm cấp Trung ương này còn chút gì đó lẩn quất, cần có những đột phá tiếp để tháo gỡ như ông Phó Thủ tướng vừa quyết liệt trong hội trường?

...Ông đang trao đổi với Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà Đầu tư Việt Nam sang Lào điều gì đó. Tôi được nghe, ông Somsavad với vị doanh nhân Việt Nam này có mối quan hệ thân thiết đâu như Trần Bắc Hà là em kết nghĩa của Somsavad. Cưới con trai, con gái, ông Somsavad đều có mời ông Bắc Hà. Thế mà ban nãy trong Hội nghị, ông em Bắc Hà liên tục cật vấn ông anh chớ nên làm nản lòng các nhà đầu tư! Những là các đơn vị chức năng hai nước chưa có biện pháp quyết liệt để xử lý dứt điểm các dự án treo, dừng các nhà đầu tư không đủ năng lực. Các khó khăn vướng mắc của DN đầu tư mới chỉ nhỏ lẻ theo từng dự án. Một số dự án như trồng cao su, keo lai vẫn chưa được cấp đủ đất theo giấy phép ban đầu. Chính phủ Lào chưa có chính sách ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài tại vùng sâu vùng xa vv...

Có cảm giác hơi căng hơn khi ông em nói trước ông anh trong Hội nghị rằng cần xem xét lại một điểm trong chỉ thị 13 của Chính phủ Lào vừa ký rằng, các dự án thuộc diện thu hồi theo Chỉ thị 13 nên để doanh nghiệp Việt Nam và Lào thực hiện, không nên giao cho nhà đầu tư nước thứ ba!

Thế mà lúc này ông anh lẫn ông em đang bá vai nhau chuyện cười vui vẻ.

Một mảng hút người nghe là hợp tác giáo dục phát triển nguồn nhân lực. Đằng sau mảng sáng thành tựu (hiện có 6.493 cán bộ học sinh Lào đang học tập tại các cơ sở đào tạo của Việt Nam trong đó có 2.409 người thuộc diện học bổng của hai chính phủ, 2.818 người do các địa phương giúp, số còn lại do DN và người học tự túc. 428 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Lào) đang có mảng chưa sáng. Giật mình thêm cái nỗi đã và đang xuất hiện chuyện học giả nhưng bằng thật. Tại hành lang, tôi nán thêm một lát với Giáo sư (GS) Khonsy Sengmany, Thứ trưởng Bộ GD Lào. GS không ngần ngại cho biết thêm những chuyện cụ thể buồn lòng về một số TS, thạc sĩ học chay, không học tiếng Việt, nghe phiên dịch tiếng Việt để làm công trình luận án. Không học hoặc học giả cũng được cấp bằng vv... Tiện có Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đứng bên, trao đổi lại với Bộ trưởng điều Thứ trưởng Lào vừa bộc bạch, Bộ trưởng Luận cho biết hai Bộ sẽ rà soát chấn chỉnh nhiều điều để tăng quy mô và chất lượng đào tạo. Sự chấn chỉnh đó cũng nằm trong Đề án đổi mới giáo dục toàn diện mà Bộ GD&ĐT Việt Nam đang tiến hành âm thầm bền bỉ quyết liệt.

Thẳng thắn chân tình, quyết liệt, sáng tạo và hiệu quả đó là phương châm hành động của chúng ta trên nền tảng bất biến của mối quan hệ hữu nghị đặc biệt. Kịp thời phát hiện tồn tại để khắc phục và có những bước đột phá như Phó Thủ tướng Lào đề nghị để kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2014 tăng 15% và năm 2015 đạt 2 tỷ USD. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ quyết tâm đó với báo giới bên hành lang.

Viêng Chăn 18/12

Phó Thủ tướng Somsavad quê ở Luông-pha-băng. Năm 1961 ông tham gia hoạt động cách mạng khi mới 16 tuổi. Năm 1964 ông được chọn làm thư ký của đồng chí Cay Xỏn Phôm-vi-hản và ở vị trí ấy cho đến năm 1974. Sau đó ở cương vị Chánh Văn phòng T.Ư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào một thời gian. Rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Trưởng Ban Đối ngoại T.Ư. Tháng 6/2006, ông là Phó Thủ tướng thường trực. Điều khá đặc biệt là ông Somsavad không học ở Việt Nam ngày nào nhưng dùng tiếng Việt rất thạo vì trước đây thường xuyên làm việc với các chuyên gia Việt Nam. Ngoài ra ông còn thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.