Bến đỗ cho người lầm lỡ

Bến đỗ cho người lầm lỡ
Mạnh dạn vay vốn của Trung ương Đoàn gần 200 triệu đồng mở rộng cơ sở đá granite để cưu mang nhiều thanh niên “ở trại ra”, thủ lĩnh thanh niên Nguyễn Thành Quỳnh đã giúp những bạn trẻ lầm lạc làm lại cuộc đời.

>> Vượt lên lỗi lầm
>> Giúp người được đặc xá có nghề nghiệp ổn định

Nguyễn Thành Quỳnh (phải) làm việc cùng công nhân tại cơ sở đá granite của mình. Ảnh: Lê Hải
Nguyễn Thành Quỳnh (phải) làm việc cùng công nhân tại cơ sở đá granite của mình. Ảnh: Lê Hải.

Nhiều bạn trẻ “ở trại ra” tuy không quen biết Quỳnh nhưng được giới thiệu đã tìm đến xin học nghề, xin việc làm và được Quỳnh tiếp nhận. Ở đây không chỉ có nơi làm việc mà nhiều bạn trẻ còn tìm thấy tin yêu trong cuộc sống.

Nên người từ nghèo khó

Nguyễn Thành Quỳnh năm nay 34 tuổi, ở khối phố Mỹ Hòa, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Nhà nghèo, Quỳnh nghỉ học từ năm lớp 9 vì không có tiền đóng học phí, bắt đầu từ đó vất vưởng đi lượm ve chai, đào sắt gỉ suốt mấy năm giúp ba mẹ có tiền đong gạo nuôi bốn đứa em. Năm 1996, Quỳnh viết đơn đăng ký đi nghĩa vụ quân sự và trở thành lính phòng cháy chữa cháy, Công an TP Đà Nẵng. Rời quân ngũ sau ba năm phục vụ, anh trở về địa phương và tham gia sinh hoạt Đoàn ở khối phố Mỹ Hòa.

Với bản tính năng nổ, nhiệt huyết và rất có năng khiếu tập hợp thanh niên nên chỉ sau thời gian ngắn Nguyễn Thành Quỳnh được tín nhiệm bầu làm bí thư chi đoàn khối phố. “Từ một chi đoàn năm nào cũng ở vị trí bét bảng tổng sắp thi đua, Quỳnh đã vực dậy phong trào Đoàn khối phố Mỹ Hòa vượt lên đứng tốp đầu thị trấn. Đó chính là tố chất cần thiết của một thủ lĩnh Đoàn” - anh Trần Yên (bí thư Đoàn thị trấn Nam Phước) nói về Quỳnh.

Nơi công an gửi người cải tạo tốt

Thiếu úy Lê Trung Tài (Công an thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) cho biết: “Những thanh niên vào trại chấp hành tốt kỷ luật, khi mãn hạn nếu muốn học nghề đá granite đều được chúng tôi gửi gắm sang cơ sở anh Quỳnh. Đó là một mô hình dạy nghề rất nhân văn”. Hiện tại, cơ sở đá granite Thành Liên - Quỳnh có 27 nhân công, thu nhập mỗi người hằng tháng ổn định 3-4 triệu đồng.

Hằng năm, ông chủ trẻ Nguyễn Thành Quỳnh đều công khai lợi nhuận với công nhân và dành một khoản kinh phí làm từ thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2003, Quỳnh được ban chấp hành Đoàn thị trấn Nam Phước tín chấp cho vay 10 triệu đồng vốn vay ưu đãi lập nghiệp dành cho thanh niên. Anh hăm hở khăn gói ra làng đá Non Nước (TP Đà Nẵng) xin học nghề điêu khắc đá.

Sau sáu tháng ăn - ngủ cùng đá, Quỳnh rành nghề. “Sắm được hai máy chạm khắc, cắt đá ngót ngét gần hết chục triệu đồng vốn vay, mình mượn thêm bố mẹ, bạn bè dựng được túp lều lụp xụp làm quán thì mừng lắm. Lúc đó chỉ mới có vậy mà nhiều dự định đã... nhảy múa trong đầu rồi” - Quỳnh nói về ngày đầu lập nghiệp.

Ánh sáng cho người lầm lỡ

Cơ sở đá granite của Quỳnh có tên Thành Liên - Quỳnh. Cách đây vài năm, đêm nọ có một tay thanh niên lêu lổng tên Tuấn đi chơi đêm về, ngứa tay đập bể mấy mét khối đá xanh lát nền biệt thự, ước thiệt hại gần 5 triệu đồng. Lúc đó Quỳnh đi vắng nhưng hàng xóm đã kịp bắt kẻ phá phách giao nộp công an chờ xử lý.

Ngay sáng hôm sau, Quỳnh lên đồn thật sớm xin được gặp Tuấn để tìm hiểu lý do phá phách và có thù oán gì với gia đình mình không. Chuyện trò được khoảng 15 phút, Quỳnh ra ngoài mượn giấy bút, viết giấy bảo lãnh cho Tuấn trước sự ngỡ ngàng của nhiều cán bộ thụ lý vụ việc.

Được tha, Tuấn cảm kích và... trở lại gặp Quỳnh, “bái làm sư phụ” xin học nghề đá, hứa đoạn tuyệt với con đường ăn chơi lêu lổng. Hiện tại Tuấn đã lập gia đình và là một trong những thợ điêu khắc đá giỏi với mức lương xấp xỉ 4 triệu đồng/tháng. Nhắc lại chuyện cũ, Tuấn cảm kích: “Lần đó nếu không được bảo lãnh, gia đình mình cũng chẳng có tiền bồi thường, chắc phải đi trại cải tạo. May là được vô “trại anh Quỳnh” nên chừ mới có công ăn việc làm ổn định và cưới được vợ”.

Năm 2009, Quỳnh quyết mở rộng cơ sở, viết đơn vay vốn của Trung ương Đoàn 160 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn. Được chấp thuận, Quỳnh mở rộng cơ sở đá granite với quy mô 2.000m2; đồng thời đầu tư mua thêm nhiều máy móc phục vụ công việc.

Cơ sở mới vừa hoàn thành, đồn công an thị trấn Nam Phước mở hàng bằng việc giới thiệu với Quỳnh... năm thanh niên từng nghiện ngập, quậy phá nhưng cải tạo tốt được ra trại sớm. Quỳnh nhận hết, cầm tay chỉ việc tỉ mỉ cho từng người như cách anh học được nghề từ người thầy ở làng đá Non Nước năm nào. Quỳnh còn thành lập CLB Tái hòa nhập cộng đồng ngay tại cơ sở để đón nhận những thanh niên lầm lạc về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm theo nguyện vọng. Nhiều thanh niên “ở trại ra” không được ai giới thiệu nhưng nghe tiếng Quỳnh cũng đến gõ cửa xin được tá túc học nghề, làm việc và rèn luyện thành người tốt.

Còn với Quỳnh, anh bày tỏ: “Giúp họ hoàn lương mình cũng cảm thấy nhẹ lòng. Chỉ ngặt nỗi cơ sở còn nhỏ quá, chưa có tiền mở rộng để nhận thêm nhiều người”.

Được nhiều giấy khen

Những việc làm của Nguyễn Thành Quỳnh đã được xã hội ủng hộ và ghi nhận. Tất cả giấy khen, bằng khen như: Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2009, Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác vùng biển đảo năm 2010 của Trung ương Đoàn tặng; Thanh niên vì cộng đồng, Chi đoàn xuất sắc nhiều năm liền của UBND huyện Duy Xuyên... được anh treo trang trọng ngay tại cơ sở đá granite như nhắc nhở mình luôn sống tốt.

Theo Lê Hải
Tuổi trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG