Bên bờ vực nhưng chưa rơi
Nhà hát Tuổi trẻ tròn 40 năm vào 10/4 tới. Nghệ sĩ nhà hát có hẳn chuỗi hoạt động chào mừng từ 5-10/4. Khởi động cho chuỗi chương trình này là chùm tác phẩm-Hoa cúc xanh trên đầm lầy của tác giải Lưu Quang Vũ bắt đầu khởi diễn từ 4/3, hài kịch Tôi đẹp, tôi có quyền và chùm hài kịch mới Tơ trời mong manh diễn nhân dịp 8/3.
“Nhà hát đang trụ được bên bờ vực, chưa rơi xuống”, Chí Trung ví von. Anh là 1 trong 41 nghệ sĩ kịch đầu tiên của khoá 1, sắp tới khi Lê Khanh nghỉ hưu, Chí Trung là nghệ sĩ duy nhất còn lại của khoá diễn viên này còn lại ở Nhà hát Tuổi trẻ. Với nỗ lực xoay sở suốt thời gian qua, Chí Trung và tập thể lãnh đạo Nhà hát thời kỳ gần đây vẫn giữ được nhịp sáng đèn đều đặn vào dịp cuối tuần.
Không thay đổi thì chết. Vịn vào ý nghĩ đó, từ khi nắm giữ vị trí đứng đầu Nhà hát Chí Trung yêu cầu nghệ sĩ, diễn viên đổi mới như anh nói đủ cách, có lúc tháo dỡ cả hàng ghế khán giả để lấy chỗ cho diễn viên tràn xuống khán phòng. Tuy nhiên khó khăn không ít, khán giả thực thụ của sân khấu rất hạn chế.
Trong buổi gặp gỡ báo chí đầu xuân, Chí Trung nhắc tới ý định muốn đẩy mạnh phần ca múa nhạc vì theo anh dễ tiếp cận với khán giả hơn. Nhà hát phải có vở diễn, sân khấu phải có khán giả, Chí Trung nói không còn cách nào phải tự nâng cao chất lượng mỗi vở diễn, chương trình.
Nhà hát 400 tỷ?
Chí Trung khoe được Bộ VHTTDL làm chủ đầu tư xây dựng cơ sở 2 Nhà hát Tuổi trẻ ở Mỹ Đình, gần siêu thị Big C với lợi thế “hai mặt đại lộ, hai mặt phố nhỏ”, tổng diện tích gần 7 nghìn m2, với 5 tầng nổi 3 táng chìm. Hai khán phòng rộng hơn 900 chỗ và 327 chỗ, theo mức đầu tư giai đoạn 1 được duyệt là 400 tỷ đồng.
Tuy nhiên Chí Trung cho biết đây là công trình “chìa khoá trao tay”, nên cũng có chút lo lắng về thiết kế sân khấu. Một loạt nhà hát như Nhà hát Kịch Hà Nội từng “nhận chìa khoá trao tay” với nỗi trớ trêu: Sân khấu không có đường cho diễn viên xuống với khán giả. “Tuy nhiên cứ có nhà hát là mừng rồi”, Chí Trung nói.
Khi được hỏi trong tình trạng sân khấu đang đi xuống mà vẫn xây nhà hát mới, chưa khai thác triệt để nhà hát cũ, Chí Trung cho rằng sẽ đến lúc người ta có nhu cầu giải trí, tới lúc đó mới nghĩ tới xây nhà hát thì muộn mất. Anh nói thêm, hiện nay cuối tuần các gia đình rất ít lựa chọn nơi đến để giải trí, hy vọng sắp tới đây sẽ là điểm đến hấp dẫn.
Hỏi về kế hoạch hoạt động và nhân sự của cơ sở 2 này, Chí Trung nói còn quá sớm bởi bây giờ chưa động thổ, dự kiến 2021-2022 mới khánh thành. Nhà hát Tuổi trẻ tuy vậy đang trong giai đoạn tinh giản nhân sự, với kỳ vọng giảm từ 200 xuống 100 người, số còn lại sẽ chuyển sang cộng tác hoặc làm bán thời gian.
Chí Trung cho biết, vừa rồi Nhà hát phát động cuộc thi “phát hiện nhiều nhân tố mới” trong đội ngũ diễn viên trẻ. Hiện nay, trước mỗi vở mới diễn viên đều phải casting nếu muốn nhận được vai diễn.
Một số chương trình đặc sắc kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà hát Tuổi trẻ:
Ai là thủ phạm vào 20h tối tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Hài kịch Đời cười vốn là thương hiệu của Nhà hát Tuổi trẻ diễn 20h tối 6/4
Hài kịch chọn lọc Hương xuân Hà Nội tối 7/4 tại Nhà hát Lớn
10h sáng 8/4 lễ diễu hành Carnial đường phố kỷ niệm 40 năm Nhà hát, 20h tối ca múa nhạc chọn lọc tại Sân khấu Tượng đài Lý Thái Tổ.
20h tối 8/4 tại Nhà hát Lớn diễn Vòng phấn Kazka
20h tối 9/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội: Chương trình ca múa nhạc chọn lọc Cánh diều
Ngày 10/4: 9h sáng lễ kỷ niệm 40 năm tại Nhà hát Lớn, 20h tối chương trình nghệ thuật đặc biệt: Kịch thiếu nhi Mảnh Lego màu đỏ, chương trình ca nhạc thiếu nhi Cuộc phiêu lưu của gà trống choai.