Cuối tuần qua, nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ và Đoàn kịch Jigeum trình diễn bản “Bến bờ xa lắc” của tác giả Lê Duy Hạnh. Vở diễn xoay quanh chủ đề người phụ nữ đi tìm lại chính mình và khao khát yêu thương ra đời từ hai chục năm trước, nay được biên tập và làm mới. NSND Lê Khanh đóng vai chính-cô Thúy- nay kiêm thêm vai trò trợ lý đạo diễn. Vở này trước đây do NSND Xuân Huyền dàn dựng.
Chia sẻ về quá trình dàn dựng, bà Lee Eun Son, Giám đốc Đoàn kịch Jigeum nói: “Phụ nữ trung niên Hàn Quốc thường ở nhà nội trợ, có nhiều thay đổi tâm sinh lý nên dễ buồn và cô đơn hơn. Chúng tôi biên tập lại vở kịch với hy vọng các gia đình quan tâm nhiều hơn tới họ”. Nghệ sỹ hai nước thể hiện sự thích thú bởi dù không trao đổi trước nhưng cách biên tập lại vở diễn khá đồng điệu.
Nghệ sỹ hai nước từng biểu diễn vở diễn này tại Hàn Quốc. Khán giả Việt Nam và khán giả Hàn Quốc tại Hà Nội có dịp thưởng thức hai phong cách dàn dựng khác nhau. Phiên bản “Bến bờ xa lắc” của Hàn Quốc đưa thêm khá nhiều âm nhạc.
Trước thắc mắc tại sao NSND Lê Khanh cố “gồng” mình để làm cô Thúy của 20 năm trước, chị trả lời đó chính là một trong những ý đồ của Nhà hát. “Khán giả sẽ được thưởng thức nhiều va ri răng khác nhau của mỗi vở kịch”, Lê Khanh nói. Chị cho biết, đồng hành với chị sẽ có các diễn viên khác như Hoa Thúy, Nguyệt Hằng và tương tự nhiều nghệ sỹ khác cũng thay nhau đảm nhiệm các vai khác nhau. Lãnh đạo Nhà hát chia sẻ đây là bước đi mới cho Nhà hát Tuổi trẻ trong thời gian tới.
Nói thêm về điều này, Giám đốc NSƯT Chí Trung cho biết trước nhu cầu đòi hỏi của khán giả, nghệ sỹ buộc phải tự thay đổi hoặc là chết. Anh cho biết sẽ không có chuyện chọn vai nữa, các diễn viên đều phải casting để có được vai diễn, và họ sẽ được thử sức nhiều hơn ở các dạng vai khác nhau.
Thêm nữa, anh chia sẻ thêm sự thay đổi trong tiếp cận khán giả: Không đánh vào số lượng, Chí Trung chia sẻ dự định “quây” lối đi lên tầng 2 của Nhà hát lại. Dù chỉ với khoảng hơn 200 ghế ở tầng 1, nhưng các nghệ sỹ mong muốn tìm được những khán giả thực sự quan tâm và yêu sân khấu.