Không có gì lạ khi các họa sĩ xưa tự lấy chính họ thành đề tài sáng tạo nghệ thuật, nhưng tự vẽ đôi “gò bồng đảo” của mình rồi đưa đi tặng như Sarah Goodridge, sống cách đây hai thế kỷ, thực sự hiếm có.
Sarah Goodridge (1788 – 1853), sinh ra ở Templeton, Massachusetts, Mỹ. Từ bé, Goodridge đã bộc lộ niềm yêu thích với hội họa. Bà thường vẽ lại tranh từ trong sách của mẹ lên nền bếp đầy cát. Vào những năm 1820, bà chuyển đến Boston để học hỏi và trở thành họa sĩ chuyên vẽ tranh tiểu họa có tiếng tại đây. Khách hàng yêu thích các tác phẩm vẽ trên nền ngà voi của bà.
Năm 1928, nữ nghệ sĩ vẽ bức chân dung tự họa “Beauty Revealed” (tạp dịch: Vẻ đẹp được hé lộ). Đúng với sở trường, bức chân dung màu nước được vẽ trên miếng ngà voi có kích thước 6,7x8 cm, mô tả đôi “gò bồng đảo” căng tròn của Goodridge được bao quanh bởi vải trắng. Thời điểm đó, Goodridge 40 tuổi và đang phải lòng một chính khách.
Trước đó, trong một lần nhận vẽ chân dung, bà gặp Daniel Webster – luật sư kiêm Thượng Nghị sĩ của tiểu bang Massachusetts. Dù Webster đã có một vợ và ba con, giữa họ vẫn nảy sinh một "tình bạn" lãng mạn. Từ năm 1827 - 1851, hai người trao đổi thư tư qua lại hơn 40 lần, xưng hô ngày một thân mật hơn. Ở cuối mỗi bức thư, Webster đều viết “Người bạn tốt của tôi”. Goodridge trân trọng những bức thư này, còn vị chính khách luôn đốt bỏ sau khi đọc xong. Trong giai đoạn này, nữ họa sĩ đã vẽ ông Webster hơn chục lần, đồng thời từng ít nhất hai lần đến Washington gặp gỡ người trong mộng.
Năm 1928, vợ đầu của ngài nghị sĩ qua đời. Goodridge đến thăm hỏi, còn tặng ông Webster bức tiểu họa Beauty Revealed. Nhà phê bình nghệ thuật người Mỹ John Updike cho rằng, Goodridge muốn thông qua bức vẽ này mời gọi vị chính khách góa vợ. Tuy nhiên, cuối cùng ông Webster khước từ người đẹp lãng mạn để tái hôn với người vợ thứ hai xuất thân giàu có ở New York.
Sau này, khi Webster ly thân với vợ hai, Goodridge có đến thăm ông một lần nữa, nhưng không có ghi nhận chính thức nào về việc hai người đã đến với nhau. Sau khi Webster qua đời, “Beauty Revealed” được gia đình ông giữ gìn cùng với một bức chân dung tự họa khác do Goodridge gửi cho ông. Con cháu của Webster còn cho rằng, hai người có ước định với nhau. Sau đó, bức tranh được bán thông qua nhà đấu giá Christie's (Anh), với giá niêm yết là 15.000 USD. Cuối năm đó, bức tiểu họa được chuyển đến phòng trưng bày Alexander ở New York trước khi được vợ chồng nhà sưu tập Gloria và Richard Manney, đến từ New York, mua. Năm 1991, cặp đôi chọn “Beauty Revealed” và loạt tác phẩm hội họa khác trong bộ sưu tập tư nhân của họ để thực hiện tour triển lãm "Tokens of Affection: The Portrait Miniature in America", đi qua Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (Met) ở New York, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington, D.C. và Viện Nghệ thuật Chicago. Năm 2006, ông bà Manney tặng “Beauty Revealed” cho Met và đến nay vẫn được trưng bày tại đây.
Bức tranh nhận được nhiều lời khen từ chuyên gia. Nhà sử học nghệ thuật Dale Johnson đã mô tả “Beauty Revealed” là "thực tế nổi bật", thể hiện khả năng khắc họa ánh sáng và bóng tối đa dạng của Goodridge.
Nhà phê bình Chris Packard cho rằng, "Beauty Revealed" là một phép hoán dụ hình ảnh, thông qua vòng một để thể hiện toàn bộ cơ thể của nữ họa sĩ. Trái ngược với bản tự họa “nặng nề” vào năm 1845 hay phiên bản phi gợi cảm vào năm 1830, “Beauty Revealed” bộc lộ được toàn bộ Goodridge cũng như sự khao khát được quan tâm của bà. Theo Packard, lớp vải mỏng xung quanh đôi “gò bồng đảo” trần trụi có tác dụng giống như một bức màn của một vở diễn. Người xem sẽ bị thu hút và tập trung vào bộ ngực, trong khi đó toàn bộ cơ thể được trừu trượng hóa trong đầu. Ông Packard đánh giá, bức tiểu họa cho thấy sự táo bạo trong tư duy của Goodridge, thách thức những khuôn mẫu về phụ nữ đoa trang ở thế kỷ 19.