Bê bối quấy rối tình dục lan tới nghị viện châu Âu

Phong trào #Me Too khuyến khích phụ nữ tố cáo tệ nạn bê bối tình dục ở nghị viện châu Âu đang thu hút được dư luận. Ảnh: AP
Phong trào #Me Too khuyến khích phụ nữ tố cáo tệ nạn bê bối tình dục ở nghị viện châu Âu đang thu hút được dư luận. Ảnh: AP
TPO - Sau một loạt bê bối quấy rối tình dục của các ngôi sao Hollywood, trong đó có "ông trùm" Harvey Weinstein, đến lượt nghị viện châu Âu cũng dậy sóng với những câu chuyện vốn được xem là "thâm cung bí sử" bấy lâu nay.

Cuối tháng 10 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã mở một cuộc tranh luận về việc loại bỏ các hành vi quấy rối tình dục, hiện trạng nguy cấp đang xảy ra ngày một nhiều hơn ở lục địa già cỗi này.

Nghị viện châu Âu có 751 thành viên và 5.000 nhân viên, nhưng các bản hợp đồng chưa thực sự đảm bảo quyền lợi của họ khi bị quấy rối. Hơn một nửa số phụ nữ làm việc tại đây được cho là đang sống trong sợ hãi trước nạn quấy rối tình dục.

Nhà xã hội học Edouard Martin, một trong số ít đàn ông thẳng thắn đưa ra quan điểm: "Không có bằng chứng nào cho thấy việc quấy rối tình dục ở châu Âu xảy ra nhiều hơn so với các nơi khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng xảy ra ít hơn. Chúng ta có chung trách nhiệm để loại bỏ vấn nạn này. Chúng ta phải chấm dứt những thỏa thuận vô lý đối với phụ nữ, khi mà 95% trong số họ đã bị sa thải vì tiết lộ sự thật".

Những người từng hoạt động ở công đoàn Arcelor-Mittal rất quan tâm đến vấn đề này. Họ kêu gọi thành lập "Ban kiểm toán độc lập" và "Ủy ban đặc biệt về quấy rối tình dục" tại buổi họp hội đồng ở Strasbourg, Pháp.

Cuộc họp hội đồng Strasbourg đã đề ra việc hoàn thiện các biện pháp giải quyết tận gốc vấn đề. "Ủy ban chống quấy rối" đã được thành lập dù chưa nhận được bất kỳ đơn khiếu nại chính thức nào, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani cho biết.

Bà Maia De La Baume, phóng viên của tờ Politico cho biết: “Điều này được thực hiện do có rất nhiều người phụ nữ trẻ đã nói rằng, họ không biết đến sự tồn tại của ủy ban này”.

Tuy nhiên, theo tờ Sunday Times, hơn một chục phụ nữ bị quấy rối tình dục ở Nghị viện châu Âu bởi “các nghị sĩ dày dạn kinh nghiệm, trong đó có một số người từng nắm giữ chức bộ trưởng của hội đồng liên minh".

Bà Elisabeth Morin-Chartier (Đảng Cộng hòa), người Pháp, Chủ tịch Ủy ban chống quấy rối đã đưa ra đề xuất: "Chúng ta cần cải thiện việc giúp các nạn nhân được tự do đưa ra lời khai. Muốn thế, chúng ta cần phải xây dựng một mạng lưới đáng tin cậy giúp cho nạn nhân có thể nói ra những điều được giấu kín. Chúng ta cần có sự kết nối giữa các tổ chức và các nạn nhân. Cuối cùng, điều tôi muốn nói là mọi người đều phải được cung cấp thông tin về các nguy cơ có thể xảy đến đối với các trường hợp quấy rối tình dục”.

Nhiều thành viên của Nghị viện cũng đã kêu gọi tất cả các nước thành viên phê chuẩn Công ước Istanbul về chống bạo lực đối với phụ nữ (do Pháp kí kết năm 2014). Một số thành viên còn đề nghị một hướng chỉ đạo mới.

Đại diện duy nhất của Ủy ban châu Âu trong phiên họp toàn thể, Ủy viên Thương mại Cecilia Malmstrom, nữ chính trị gia Thụy Điển đặt nghi vấn: "Đã tồn tại rất nhiều các điều luật và quy tắc ứng xử nhằm giải quyết vấn đề, vì thế liệu đó có phải là công cụ hữu ích mà chúng ta cần tập trung phát triển thêm?”.

Theo Le Monde
MỚI - NÓNG