Bé 9 tuổi suýt liệt toàn thân vì nhầm bệnh nguy hiểm là ... đau chân

Viêm xương tủy cấp là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, chủ yếu gặp ở tuổi học đường tuổi từ 6-16, chiếm 80% số ca mắc bệnh. Ảnh minh họa: Internet
Viêm xương tủy cấp là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, chủ yếu gặp ở tuổi học đường tuổi từ 6-16, chiếm 80% số ca mắc bệnh. Ảnh minh họa: Internet
TPO - Đang khỏe mạnh bình thường, chỉ sau một lần đau chân, bé trai 9 tuổi ở Hà Nội phải nhập viện khẩn cấp vì căn bệnh nguy hiểm chuyên 'tấn công' trẻ em tuổi học đường.

Đang hoàn toàn khỏe mạnh, một buổi sáng thức dậy, bé Phạm Minh L. (9 tuổi, Hà Nội) chợt kêu đau nhức ở cẳng chân phải....

Thấy chân bé sưng đỏ, gia đình nghĩ con bị đụng dập do đá bóng nên đưa con đến nắn chân, đắp lá thuốc ở một ông lang trong vùng. Đến ngày thứ hai, bé L. sốt cao, cẳng chân tiếp tục sưng to và đỏ mọng như quả cà chua, gia đình vội mang con tới Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ thông báo bé mắc căn bệnh nguy hiểm: viêm xương tủy nhiễm khuẩn.

Câu chuyện của bé L. xảy ra vào tháng 11/2016. Trải qua 17 lần ra vào viện liên tục vì căn bệnh viêm xương nhiễm khuẩn, mới đây, sau gần 2 năm được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương tích cực chăm sóc và điều trị, cuối cùng cháu L. đã có thể vận động, đi lại và trở lại cuộc sống học tập như các bạn bè đồng trang lứa.

Bác sĩ CKII Lê Tuấn Anh - Phó Trưởng khoa Chỉnh hình nhi, người trực tiếp tiến hành khám cho bé L. trong lần đầu nhập viện nhớ lại: “Lần đó, chúng tôi tiếp nhận cháu L. trong tình trạng sốt cao không dứt, cẳng chân phải sưng to, nóng, đỏ, phải chỉ định siêu âm”. Các bác sĩ kết luận cháu mắc bệnh viêm xương tủy nhiễm khuẩn đường máu cấp tính do vi khuẩn tụ cầu vàng.

Bé L. được chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Mục tiêu của ca phẫu thuật là giải phóng mủ trong xương và các mô mềm, tưới rửa xương bằng dung dịch kháng sinh để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm lan rộng.

Theo các bác sĩ, viêm xương tủy xương cấp tính là nhiễm khuẩn huyết viêm tất cả các thành phần của xương do vi khuẩn sinh mủ không đặc hiệu gây nên. Bệnh hay gặp ở các xương dài như xương đùi, xương chày, xương cánh tay. Bệnh này nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại các biến chứng nghiêm trọng, toàn thân và tại chỗ.

Viêm tủy xương cấp chủ yếu gặp ở tuổi học đường tuổi từ 6-16, chiếm 80% số ca mắc bệnh. Giai đoạn đầu dấu hiệu mơ hồ, không rõ ràng, dễ bỏ qua. Thông thường trẻ bỗng nhiên sốt cao, nhiễm trùng nhẹ. Trẻ kêu đau quanh chi, hạn chế hoạt động (trái với thường lệ).

Khám thấy sưng nề nhẹ quanh đầu xương (hay gặp nhất viêm xương quanh gối), ấn vào khớp không đau. Ở giai đoạn muộn khi viêm đã phá ra tổ chức phần mềm, toàn thân bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn, trùng rõ. Tại chỗ có ổ áp-xe cơ ở chi: sưng - nóng - đỏ - đau và ở giữa bùng nhùng mủ. Nhiều khi có lỗ dò mủ ra ngoài. Lỗ dò mủ do viêm xương có đặc điểm điển hình: da quanh lỗ dò thâm, da sát xương, mủ chảy qua lỗ dò mùi hôi, tanh...

Bác sĩ Tuấn Anh cho biết, mỗi năm, Bệnh viện Nhi Trung ương gặp trên dưới 100 trường hợp trẻ mắc bệnh lý về viêm xương. Nguyên nhân gây bệnh phổ biến là do bệnh nhi nhiễm khuẩn tụ cầu vàng - một loại vi khuẩn kháng thuốc cao. Đây là bệnh cần điều trị lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và tuân thủ phác đồ điều trị nghiêm ngặt của gia đình người bệnh.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.