Bé 6 tuổi ở Phú Thọ bị xương cá đâm xuyên cơ ức và tuyến giáp

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Các bác sĩ Tai – Mũi – Họng phối hợp với các bác sỹ Ngoại khoa, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa thực hiện phẫu thuật cho một trường hợp bệnh nhi 6 tuổi bị hóc dị vật xương cá đâm xuyên qua cơ ức đòn chũm và tuyến giáp.

Theo thông tin từ gia đình, 4 ngày trước khi nhập viện, trẻ bị hóc xương cá trong khi ăn tối. Sau khi được sơ cứu bằng các biện pháp tại nhà, trẻ cảm thấy đỡ đau, ngày hôm sau trẻ ăn uống bình thường nên gia đình chủ quan nghĩ cháu đã khỏi. Tuy nhiên, đến tối trước ngày vào viện trẻ tự nhiên thấy đau và không quay được cổ nên được gia đình đưa đến viện khám.

Tại Khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt, các bác sĩ khám thấy cổ phải của trẻ sưng nề nhẹ, nắn đau, quay cổ hạn chế. Điều đặc biệt là khi tiến hành nội soi họng cho trẻ, các bác sĩ không phát hiện dấu hiệu nào bất thường. Chỉ khi siêu âm vùng cổ và chụp CT-Scanner mới phát hiện hình ảnh dị vật dạng xương cá dài khoảng 2,8cm đâm xuyên qua cơ ức đòn chũm và tuyến giáp. Dị vật nằm ngay sát phía trên bó mạch cảnh (mạch máu lớn cung cấp máu cho não bộ), cách bó mạch cảnh chỉ khoảng 0.5cm.

Sau khi được dùng kháng sinh 3 ngày, chiều ngày 20/8/2021, trẻ được phẫu thuật qua đường rạch ở cổ để tìm dị vật. Các bác sĩ đã lấy ra được chiếc xương cá dài khoảng 3cm. Sau phẫu thuật, hiện tại sức khỏe bệnh nhi hoàn toàn ổn định và được cho xuất viện vào chiều nay 23/8/2021.

Bé 6 tuổi ở Phú Thọ bị xương cá đâm xuyên cơ ức và tuyến giáp ảnh 1

Dị vật xương cá dài khoảng 3cm sau khi được lấy ra khỏi cổ bé trai. Ảnh: BS cung cấp

BS.Đỗ Duy Thanh – Khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết: Hóc dị vật sắc nhọn như xương cá là trường hợp khá thường gặp ở trẻ nhỏ. Khi nuốt phải xương cá, do hoạt động của nhu động ruột, xương cá có thể di chuyển khắp hệ tiêu hóa, từ khoang miệng – thực quản – dạ dày – ruột non – ruột già và thậm chí có thể tự ra ngoài theo đường phân.

Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển đó, phụ thuộc vào kích thước dị vật to hay nhỏ mà xương cá có thể mắc lại và cắm vào bất kỳ vị trí nào trong hệ tiêu hóa.

Nếu dị vật đâm vào thực quản, có thể gây abscess thực quản - một biến chứng rất nặng nề có thể gây thủng thực quản, thủng các mạch máu lớn, viêm trung thất, áp xe trung thất.

Trong trường hợp này, bệnh nhi rất may mắn do xương cá chỉ di chuyển trong vùng cổ mà không đâm vào động mạch cảnh (chỉ cách động mạch cảnh 0.5cm). Bởi nếu xương đâm vào hệ thống mạch cảnh này có thể khiến nạn nhân tử vong trong tích tắc!

Hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp “tự chữa” hóc dị vật xương cá tại nhà bằng các phương pháp dân gian như: ăn miếng cơm to, ăn chanh, gõ đầu,… Các chuyên gia cho rằng việc làm này là hoàn toàn vô nghĩa. Khi nghi ngờ trẻ bị hóc dị vật, gia đình nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh xảy ra các tình huống đáng tiếc.

MỚI - NÓNG