Trước đó, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận bé trai Y.T.B. (2 tuổi, ở thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hoá) cấp cứu trong tình trạng sốc mất máu, trên vùng mặt có nhiều vết thương hở, để lộ xương sọ, tổn thương mắt.
Bệnh nhi sau đó được chuyển đến Khoa gây mê hồi sức để tiến hành phẫu thuật cấp cứu, xử lý vết thương. Sau 10 ngày được các y bác sĩ điều trị tích cực, hiện các vết thương đã khô, sức khỏe bệnh nhi dần ổn định.
Cháu bé bị chó cắn, sức khoẻ hiện đang dần ổn định. |
Theo anh T. (bố bệnh nhi) kể lại: Khi bé B. đang chơi gần nhà thì bị một con chó tấn công. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Thủy để sơ cứu. Do vết thương quá nặng, cháu bé được chuyển xuống Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cấp cứu.
Thạc sỹ Lê Văn Trường, Phó trưởng khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) khuyến cáo nếu nhà có trẻ em, gia đình không nên nuôi chó hoặc nếu nuôi phải nuôi nhốt. Đồng thời, các bậc phụ huynh phải thường xuyên để ý, quan sát và không cho chó tiếp xúc với trẻ, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
"Hàng năm khoa tiếp nhận hàng chục bệnh nhân liên quan đến chó cắn với nhiều vị trí và mức độ khác nhau, nhưng chủ yếu gặp tổn thương vùng đầu mặt" - Bác sĩ Trường cho biết thêm.