Từ khoảnh khắc đó, gia đình bà Nguyệt và cô con gái Trần Thị Như An (sinh tháng 11/1999, ở huyện Long Mỹ, Hậu Giang) như sống trong một cơn ấm ức đầy nước mắt và đau khổ.
Khi con gái bị hiếp dâm
Chỉ vài tháng sau đó, chị Nguyệt nhận được một quyết định không khởi tố vụ án hình sự, trong đó ghi rõ: “Hành vi giao cấu... là tự nguyện, phát sinh dựa trên tình cảm yêu đương nam nữ”.
Khi ấy, chị nhìn vào buồng, đã 21 ngày con gái chị thẫn thờ, không dám đến trường và sợ hãi ánh mắt của người xung quanh. Trong hồ sơ vụ án và cả những tâm sự với con trẻ, bé nói đã bị hắn hiếp đến 3 lần, mỗi lần xong đều dọa giết nếu dám nói với ai.
Bé An sợ hãi không dám ra khỏi nhà. Đang học lớp 8, bé không chịu đến trường. Thầy giáo phải đến tận nhà nói: “Thầy sẽ khuyên nhủ bạn bè em. Thầy nghe bất cứ gì mà khiêu khích em thầy sẽ la rầy”.
Là một người bán hàng, chị Nguyệt chưa bao giờ nghĩ một chuyện như vậy có thể xảy ra với con mình khi bé chỉ mới 13 tuổi. Bé không chịu về nhà, đòi ngủ ở quán với chị, không dám đi lễ nhà thờ, sợ đi ngang qua nơi kẻ xấu đã làm hại em. Bé không chịu đến trường, vì sợ những tiếng xì xào xung quanh về mình. Khi ấy chị Nguyệt nhớ lại: “Từ làng trên xóm dưới, người ta nói chuyện con gái mình suốt ngày”.
Khi kết luận của công an là “do quan hệ yêu đương” được đưa đến gia đình, con gái chị càng lặng lẽ. Cô bé không một lần quay về nhà (vì lần đầu tiên bị hại, là khi em ở nhà một mình), không chịu đi nhà thờ (nơi mọi người đã tìm ra em kêu cứu).
Những lời đồn đại của hàng xóm ngày càng ác ý hơn, đỉnh điểm có một lần, một phụ nữ nói: “Con đó, ôi dào, chắc cả chục thằng”. Mẹ con chị chỉ biết ôm nhau khóc trong những đêm khó ngủ, nghe tiếng rủa xả, bông lơn của người xung quanh văng vẳng bên tai.
Từ một bà bán hàng ăn sáng, chị Nguyệt tìm cách để hiểu về chuyện đang xảy ra với con gái mình: “Điện thoại đăng ký bảy chục ngàn để chị lên mạng. Có một thằng con nuôi, chị hỏi điện thoại của mẹ lên mạng được không. Nó coi rồi nói được, nó chỉ mình đăng ký, coi phim, nghe nhạc sao. Lúc hiểu rồi, chị coi về luật. Chị coi kỹ luật về giao cấu trẻ em, về bên hiếp dâm, xem các điều khoản khác nhau, xong chị viết ra, dán lên, có lúc thành cả một cọc giấy để nhớ, rồi mới ngồi viết đơn”.
Mẹ đưa con đi khỏi điều ác
Khi những đoàn giáo viên tâm lý, giáo dục giới tính, luật sư về huyện, chị Nguyệt cất công đi học, nghe người ta giảng cách làm đơn đi kiện, nghe tư vấn luật, nghe tư vấn tâm lý, để tìm cách cứu được con gái mình ra khỏi cái bẫy của miệng lưỡi thiên hạ và giúp con vượt qua.
Gần một năm trôi qua, bé An chịu đi học lại, học khá dần lên. Những cô bạn cùng lớp đã hiểu và thân thiết với em như ngày nào. Đầu trên xóm dưới ác miệng vẫn đàm tiếu bông lơn, vẫn nói những lời vô ý, vẫn đáp trả với tôi: “Nhà con An bị hiếp dâm phải không, đằng kia kìa!”.
Nhưng giờ thì chị Nguyệt đã biết viết đơn, đã chỉ dẫn một vài người gặp hoàn cảnh tương tự cách tự bảo vệ mình trước sự đe dọa của gia đình kẻ cưỡng hiếp, đã biết nói với con gái về cú sốc đã xảy ra và cách mình phải sống tiếp.
Chị Nguyệt lưu tất cả hồ sơ gần 20 lá đơn bà đã viết, gửi đi khắp các cơ quan từ Ban Nội chính tỉnh, cơ quan CSĐT, Viện KSND, TAND, Thanh tra, Công an tỉnh và những công văn đáp trả...
Hàng chục lá đơn gửi đi và thậm chí có khi chị còn nhận được lời “ngã giá” của cha mẹ kẻ hiếp dâm: “Nhận 6 triệu đi rồi im lặng!”. Chị chỉ lắc đầu hỏi lại người đề nghị: “Anh bảo tôi bán trinh con gái tôi giá 6 triệu đó hả?”.
Khi tôi hỏi sao chị lại đi kiện, chị nói: “Tôi không cần người ta bỏ tù kẻ gây tội kia, nhưng nó có tội là rất rõ ràng, bao nhiêu người đã thấy, con gái tôi phải chịu. Giờ không lẽ nói nó chưa đủ 18 tuổi nên không có tội? Vậy sau vụ này, tất cả những đứa nào 16, 17 tuổi đều được tự do đi cưỡng hiếp, hại đời con gái người ta, làm tội ác mà không có pháp luật nào trừng trị sao?”.
Nhưng dù chị Nguyệt có đọc bao nhiêu sách vở, bộ luật hay đi tìm người tư vấn cho con, thì điều tệ bạc nhất là chị đã phải đưa con ra nhà trọ ở, rời xa mái nhà mình, để tránh nghe phải những điều tiếng, gặp phải những ánh nhìn kỳ quặc và cả lời chế giễu của những người xung quanh đầy ác ý.
Sau khi bị cưỡng hiếp, đứa trẻ không có tội tình gì phải rời xa cả mái ấm của chính mình....
Tôi ghi lại một phỏng vấn ngắn với bé gái con chị Nguyệt. Em trả lời thẳng thắn như một người lớn, rõ ràng và mạch lạc, nhưng em đã không thể kết thúc cuộc trò chuyện, khi bật khóc.
Khi chuyện đó xảy ra xong, tại sao em nghỉ học?
Tại em sợ, em nói với mẹ, mẹ cho em nghỉ vài ngày.
Em có sợ gặp bạn bè lúc đó không?
Dạ có. Trong lớp em học có mấy đứa là em của người đó (kẻ đã hiếp dâm bé - PV) nên em sợ.
Vì sao em sợ?
Sợ nó nói này nói kia, em không dám...
Thầy giáo nói em học sút, vì sao vậy?
Tại... em không biết nữa.
Giờ em có đi lễ nhà thờ lại không?
Dạ có
Vậy đi qua chỗ đó thì sao?
Dạ sợ... nhưng rồi quen
Em còn nhớ anh ta làm chuyện đó với em mấy lần không?
...
Lúc đó không có ai cứu em sao?
Không
Trước đó em có biết anh ta là ai không?
Dạ biết, vì ở trong xóm...
Sau lần đầu tiên, sao em không mách mẹ?
Em sợ mẹ la. Với lại nó bảo em không được nói cho ai biết.
Trước đó mẹ có nói với em là mình có thể bị người ta hại không?
Dạ biết. Nhưng lúc đó em ở nhà mình ên (mình em - PV). Em sợ.
Lúc công an đưa em đi khám, em có sợ họ không?
Dạ có.
Giờ em ở nhà một mình, khi ngủ, em thấy thế nào?
Em sợ.
Em có nghĩ lúc nào đó mình sẽ trả đũa hay làm gì đó không?
Dạ không.
Từ lúc xảy ra vụ án, anh ta có xuất hiện gần nhà em không?
Dạ, ở gần đây nè, nó chạy qua chạy lại mấy lần.
Vậy lúc hàng xóm nói về em như vậy, em cảm thấy sao?
Dạ tức. Mà em cũng đâu biết làm gì đâu.
Lúc mới xảy ra vụ việc, em thế nào?
Em sợ đi ra đường, nhìn mặt mọi người.
Có bao giờ em muốn đòi lại công bằng không?
Dạ có.
(*) Tên người mẹ và nạn nhân được thay đổi để bảo vệ danh tính
Theo Khải Đơn