Tôi chẳng thân quen ông Đức. Một dạo thậm chí còn nghe đồng nghiệp nói lại, ông Đức trách báo Tiền Phong vì “nói xấu” lứa trẻ HA.GL quá nhiều.
Thực tế thì không phải vậy. Có lẽ trong lịch sử bóng đá Việt Nam, hiếm có CLB nào lại tạo ra được 1 lượng CĐV cuồng nhiệt, yêu đến si mê như HA.GL. Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường hay Văn Toàn…đã trở thành thần tượng trong mắt của đông đảo “fan”, cả già lẫn trẻ. Nhưng người ghét cũng không hiếm. Chuyện này có thể thấy được qua những tranh cãi liên tu bất tận trên các tờ báo điện tử và trang xã hội của giới mộ điệu suốt 2 năm vừa qua.
Cả 2 thái cực này, tôi cho rằng đều có phần không ổn. Bên yêu quá, chẳng còn nhìn thấy điểm kém. HA.GL dẫu sao hiện nay cũng chỉ gồm những cầu thủ tuổi đời mới 20, 21, chưa thể đủ “cứng” để đối chọi với lứa đàn anh dày dạn kinh nghiệm, cũng khó đòi lập tức trở thành “rường cột” ở các ĐTQG. Kỹ thuật dẫu khéo, nhưng thiếu thể lực và kinh nghiệm, cũng khó “ăn” ai. Kẻ ghét, chỉ chờ chực HA.GL thua để phản pháo, chê bai. Cầu thủ đội nắng mưa tập luyện, thi đấu trầy trật trên sân thì làm gì nên tội?
Mà sự yêu, ghét nói trên dường như một phần lại do lỗi từ truyền thông. Báo chí có lúc “đẩy” đội bóng của bầu Đức lên tới tận mây xanh, với đủ mỹ từ ca tụng, không còn phân định được giữa giới hạn của cấp độ trẻ với sự khắc nghiệt của bóng đá. VCK U19 châu Á 2014, HA.GL làm nòng cốt đại diện cho Việt Nam sang Myanmar dự tranh. Tôi cứ nhớ hôm ngồi với phóng viên ở Yangoon, bầu Đức mơ mộng về ngày bóng đá Việt Nam vươn bằng với Nhật Bản chỉ trong khoảng 4,5 năm tới. Tôi đã cho là một sự phi thực tế. Giờ ngẫm lại mới thấy, lỗi không hẳn ở bầu Đức. Tại thời điểm trên, từ truyền thông, người hâm mộ đến giới chuyên môn đều như phát “cuồng” vì lứa trẻ HA.GL. Mà quả tình, những cảm xúc lâng lâng, sướng đến run người từ những pha xử lý bóng của Tuấn Anh, Xuân Trường…tạo nên là rất hiện hữu. Hiếm có khi nào một đội bóng Việt Nam lại chơi đẹp và hay được thế trước các đối thủ lớn cùng độ tuổi trong khu vực và châu lục. Trách bầu Đức 1, thì trách giới chuyên môn 7, trách truyền thông 10.
Nếu bình tĩnh lại, vẫn phải thừa nhận rằng HA.GL đang tạo ra một lứa trẻ có căn bản, sinh hoạt lành mạnh và nhiều tiềm năng. Bóng đá rất cần những thần tượng, và những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn... đáp ứng đủ tiêu chí này.
Bầu Đức cũng là thương hiệu
Cái này đã hẳn. Trong khoảng 15 năm trở lại đây, bầu Đức có lẽ là cái tên được nhắc nhiều nhất nhì ở làng bóng đá Việt.
Nói lại chuyện ông Đức trách ở trên, Trưởng đoàn HA.GL Nguyễn Tấn Anh về sau giải thích, là có sự hiểu nhầm. Thì cũng không quan trọng chuyện đúng, sai. Đồng nghiệp trong Nam, những người biết bầu Đức lâu năm, đều nói ông Đức không phải là người hay để bụng. Gặp chuyện không ưng ý, ông Đức có thể nổi nóng “xả” một hồi dài. Sau đó quên luôn. Hơn chục năm làm bóng đá, chưa thấy bầu Đức “thù” một ai.
Nhờ cái tính ấy nên HA.GL và ông Đức có khi “bầm dập” trên báo, nhưng góc độ cá nhân chẳng ai ghét ông Đức. Tìm hiểu thêm thì mới biết, lăn lộn với bóng đá, cũng có người này người khác ông Đức không ưng. Phần lớn vì tính cách không “hợp mắt” hơn là vì chuyên môn. Nhưng ông Đức bỏ qua không tính.
Mười lăm năm gắn với bóng đá cũng chứng kiến những bước thăng trầm của bầu Đức với HA.GL ở cả góc độ kinh doanh. Từ một doanh nghiệp nhỏ trên phố Núi Pleiku, HA.GL nay đã trở thành một tập đoàn lớn, vươn ra ngoài khu vực. Thuyền to, ra khơi xa thì sóng cũng lớn, bầu Đức có lúc nắm giữ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt, nhưng cũng dăm phen lao đao, và nay thì đang thực sự gặp khó khăn.
Ở góc độ cá nhân, ông Đức gắn liền với thương hiệu của một ông “bầu” bóng đá, nhiều hơn là ông chủ quyền uy của một tập đoàn lớn như HA.GL. Không phải đến lúc làm “quan” ở VFF, ông Đức thực đã nổi danh từ trước đó rất lâu. Nhưng một điểm khác khiến ông Đức được quý, là từ hàn vi cho đến khi phú quý, phong cách ông vẫn thế. Trước sao, nay vậy. Chẳng mấy “đại gia” nào lại như ông Đức, vẫn quần bò, áo phông hoặc sơ-mi, hai tay đút túi đi dự họp. Chuyện chân dài, chân ngắn thì tịnh không.
Nhưng đúng thực thời điểm này HA.GL đang lâm vào cảnh khó. Tin xấu cứ dồn dập, lan từ lĩnh vực kinh doanh sang cả bóng đá. Mới nhất là chuyện bầu Đức phải thế chấp Học viện HA.GL-Arsenal-JMG vì thiếu vốn.
Chuyện kinh doanh chẳng bàn nhiều, nhưng trong cơn bão thông tin tiêu cực về HA.GL, chỉ tâm đắc nhất ý kiến của TS Nguyễn Quang A. Ông Nguyễn Quang A nói hãy để HA.GL yên. Quả tình, phải ngạc nhiên vì sao trong giai đoạn khó khăn nhất, HA.GL dường như đang thiếu hẳn những tiếng nói động viên, phân tích thật thấu lý để giúp doanh nghiệp vượt lên. Sự vô tâm của không ít người Việt dường như thể hiện rõ qua câu chuyện của HA.GL. Một doanh nghiệp tạo công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động, có sản phẩm bày trước mắt thì khi gặp khó, rất nên được nâng đỡ.
Chỉ nói riêng bóng đá, nửa thập niên trở lại đây người hâm mộ chẳng mấy lúc được vui. Trong nước thông tin tiêu cực tràn lan, trong khi ra ngoài, các ĐTQG thành tích hầu như bê bết. Thời điểm hân hoan nhất có lẽ là khi lứa trẻ HA.GL trình làng. Cơn sốt đã qua, nhưng dư âm hẳn vẫn còn. Bóng đá cần những cá tính có sức hút, HA.GL và bầu Đức là một cá tính như vậy. Thật khó tưởng tượng đời sống tinh thần của giới hâm mộ ra sao, khi bóng đá Việt mất hẳn sức hút. Mà người Việt yêu bóng đá thì rất nhiều.
Quả tình, phải ngạc nhiên vì sao trong giai đoạn khó khăn nhất, HA.GL dường như đang thiếu hẳn những tiếng nói động viên, phân tích thật thấu lý để giúp doanh nghiệp vượt lên. Sự vô tâm của không ít người Việt dường như thể hiện rõ qua câu chuyện của HA.GL. Một doanh nghiệp tạo công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động, có sản phẩm bày trước mắt thì khi gặp khó, rất nên được nâng đỡ.