- Là người lăn lộn với bóng đá nước nhà hàng chục năm qua, xin ông cho biết điều gì đã tạo nên thành công của U23 Việt Nam ngày hôm nay?
- Có nhiều yếu tố tạo nên thành công của U23 Việt Nam. Thứ nhất: các cầu thủ có trình độ đồng đều, tài năng, ứng xử đúng mực. Thứ hai: HLV Park Hang-seo đã làm rất tốt vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng, kinh nghiệm cũng như cải thiện các điểm hạn chế của cầu thủ. Thứ ba: bên cạnh trình độ cầu thủ đồng đều, đội tuyển có đủ nhân sự chất lượng thay thế các vị trí. Trên hàng ghế dự bị của U23 cũng là các cầu thủ tài năng, có thể xem là siêu dự bị. Thứ tư: chiến thuật linh hoạt: ông Park đã có sự thay đổi đấu pháp rất hợp lý, thậm chí gây bất ngờ cho từng đối thủ khác nhau, điều này giúp U23 Việt Nam không bị bắt bài khi gặp các đối thủ mạnh trong châu lục, tạo tiền đề tiến sâu vào vòng chung kết.
Tất nhiên phải kể đến cả việc thể lực, tâm lý thi đấu của các cầu thủ đã được cải thiện đáng kể. Các em đủ sức chạy băng băng và khuấy động hàng phòng ngự của đội bạn với phong thái tự tin ngay cả khi bị dẫn bàn trước. Yếu tố tâm lý được cởi bỏ, không còn mặc cảm tự ti rất đặc biệt. Tôi cho rằng cầu thủ U23 Việt Nam có thừa sự tự tin nhờ đã được đưa đi tập huấn quốc tế hoặc được cọ xát ở nhiều giải đấu khác nhau nên dày dạn trận mạc. Tóm lại, sự tỏa sáng của U23 Việt Nam là tổng hòa của rất nhiều yếu tố cộng hưởng lại, trong đó, cầu thủ chất lượng và huấn luyện viên giỏi là hai nhân tố quyết định thành công như hiện nay.
- Nhưng theo ông, đâu mới là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công của U23 Việt Nam?
- Nếu nhìn nhận từ gốc rễ, nguyên nhân thành công đến từ yếu tố con người. Các cầu thủ đều đã được giáo dục, rèn luyện bài bản qua các lò đào tạo trẻ chuyên nghiệp. Tôi muốn nhấn mạnh công tác đào tạo trẻ vì đây là chìa khóa thành công bền vững và thuyết phục nhất. Các chiến công vừa qua của U23 không từ trên trời rơi xuống, cũng không có chuyện ăn may mà là quả ngọt từ chặng đường dài đầu tư của các lò đào tạo trẻ. Các cầu thủ của U23 không phải là tay ngang mà đều đến lò đào tạo như học viện HAGL Arsenal JMG, PVF, Hà Nội, Viettel...
Bầu Đức là người đi đầu trong công tác đào tạo trẻ ở Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng.
Chỉ có công tác đào tạo bài bản mới sản sinh ra những lứa cầu thủ vừa có tài năng, vừa có đạo đức, nhân cách và hành xử đúng mực đồng thời có trình độ văn hóa. Tôi tin rằng, làn sóng các lò đào tạo trẻ sẽ tiếp tục xuất hiện ngày một nhiều trên cả nước. Đây là cơ hội giúp Việt Nam đủ sức chinh phục không chỉ giải đấu châu lục mà còn tiến xa hơn ở những giải đấu thế giới trong thời gian tới.
- Chiến công của U23 Việt Nam khiến ông có suy nghĩ gì về chặng đường gian khổ cách đây hơn 10 năm, khi ông đơn thương độc mã đầu tư lò đào tạo học bóng đá trẻ chuyên nghiệp?
- Tôi đầu tư lò đào tạo trẻ chuyên nghiệp tại Việt Nam đến nay đã bước sang năm thứ 11. Chặng đường dài, nhiều thăng trầm, có những lúc kinh tế khó khăn nhưng tôi quyết theo đuổi tới cùng và không cảm thấy gian khổ chút nào. Trái lại tôi thấy vui sướng và hạnh phúc vì sau những bộn bề lo toan việc kinh doanh, mình còn có những chiều ngồi xem tụi nhỏ đá bóng.
Ngày xưa, vì tự ái dân tộc, tôi khát khao muốn đưa bóng đá Việt Nam vượt qua Thái Lan nên không ngại tốn kém. Năm 2007 lò đào tạo bóng đá trẻ theo chuẩn quốc tế HAGL Arsenal JMG ra đời. Cách tuyển học viên rất đặc biệt, các em ở độ tuổi 10-11-12 đều phải trải qua kỳ thi được chấm điểm khắt khe. Rất nhiều em có năng khiếu, kỹ thuật chơi bóng vượt trội vẫn bị đánh rớt, đến độ tôi tiếc quá, thu nhặt về một lớp năng khiếu riêng để đào tạo cho đỡ phí nhân tài. Ngược lại, có em bị trượt ở Nghệ An lại lọt vào mắt xanh nhà tuyển trạch Arsenal JMG, Công Phượng là một ví dụ điển hình.
Giáo án giảng dạy và các bài tập của Arsenal JMG áp dụng cho học viên cũng rất linh động, được điều chỉnh, thay đổi liên tục. Các em vừa học bóng đá, vừa học văn hóa song song với học ngoại ngữ, mới mẻ hơn cả là hướng tới mục tiêu giao tiếp bằng tiếng Anh. Đây là những điều chưa từng xảy ra ở quốc gia vùng trũng bóng đá như Việt Nam. Đổ tiền đào tạo trẻ, tôi chấp nhận thực tế rằng đầu tư bóng đá mất rất nhiều thời gian. Phải mất ít nhất 7 năm mới có một lứa cầu thủ đủ độ chín như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… Tôi từng bị "ném đá" là chơi ngông, làm chuyện vô bổ vì đầu tư vào lò đào tạo trẻ chuyên nghiệp trong chặng đường 10 năm qua nhưng vẫn kiên trì đeo "nón cối, đội mũ bảo hiểm" để tiếp tục theo đuổi.
Ngày hôm nay, nhìn thành công U23 đạt được, tôi trộm nghĩ giá mà đầu tư đào tạo bóng đá trẻ sớm hơn, giá mà có chiến lược đào tạo bóng đá trẻ xuyên suốt ở tầm quốc gia sớm hơn, có lẽ Việt Nam đã sớm vươn lên thành con rồng châu Á trong bảng xếp hạng bóng đá, thậm chí có quyền chạm đến suất dự World Cup.
Bầu Đức sẽ rút lui khỏi Liên đoàn bóng đá Việt Nam, nhưng cam kết vẫn âm thầm hỗ trợ bóng đá nước nhà. Ảnh: Đức Đồng.
- Mục tiêu ban đầu của ông khi xây dựng học viện chủ yếu là mong Việt Nam vượt mặt Thái Lan, vô địch SEA Games. Nhưng bây giờ lứa cầu thủ này không vô địch SEA Games mà lại có thành tích tốt ở giải châu Á, ông cảm thấy thế nào?
- Thất bại tại SEA Gaems vừa rồi là chuyện đã qua. Thế nhưng tôi muốn khẳng định lại rằng đây là lứa cầu thủ rất tài năng, xứng đáng là niềm tự hào của bóng đá Việt Nam. Lẽ ra lứa cầu thủ này phải vô địch SEA Games mới đúng. Không chỉ đến giải U23 châu Á lần này họ mới bộc lộ tài năng của mình. Trước đó, các em đã sớm cho thấy khả năng ở lứa tuổi U19, U20. Vì thế thất bại tại SEA Games 29 diễn ra ở Malaysia năm ngoái để lại trong tôi nỗi tiếc nuối vô cùng. Tôi nghĩ có nhiều người cũng tiếc như tôi. Tại sao tôi nói như thế, vì chính những con người đó, chính các cầu thủ và cả thủ môn dự bị thời SEA Games đó đang tỏa sáng rực rỡ ngày hôm nay tại sân chơi cao hơn ở tầm châu lục.
Với tư cách phó Chủ tịch VFF, tôi từng tuyên bố nếu U22 Việt Nam không vô địch SEA Games 29 sẽ từ chức. Tôi cũng đã nộp đơn như lời hứa lên VFF xin từ chức nhưng chưa được chấp thuận. Trong thời gian tới, dù rút khỏi VFF nhưng tôi vẫn dõi theo đội tuyển và ủng hộ đội tuyển hết mình. Bóng đá đã ăn vào máu thịt như linh hồn tôi.
- Xin ông đánh giá thêm về cơ hội vô địch của U23 bước vào trận chung kết vào thứ Bảy tuần này và mục tiêu lớn hơn cho thời gian tới của đội tuyển là gì?
- Tôi cũng như 90 triệu dân Việt Nam đặt niềm tin mãnh liệt vào chức vô địch. Tất nhiên để vô địch phải hội tụ rất nhiều yếu tố. Nhưng một khi đã vào đến chung kết thì Việt Nam không ngán bất cứ đối thủ nào. Các em sẽ đá với khát khao lớn nhất và với tinh thần không có gì để mất. Lúc này chính Uzbekistan mới là đội chịu áp lực lớn hơn. Tôi thường nhắm mắt lại, tưởng tượng ra cảnh Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh, Quang Hải, Tiến Dũng, Hồng Duy và nhiều em nữa trong đội tuyển sẽ đá đấm tuyệt vời ra sao. Với tài năng của các em, không gì là không thể.
Với tư thế hiên ngang vào chung kết U23 châu Á, Việt Nam hiển nhiên được xem là đội nhất nhì châu lục và có quyền tham vọng về suất đá World Cup. Sắp tới khi suất tham dự giải thế giới mở rộng từ 4,5 suất lên 6 suất cho châu Á thì Việt Nam hoàn toàn có thể đứng trong hàng ngũ đó. Cần phải có tham vọng lớn hơn, mục tiêu cao hơn để phấn đấu, như thế mới là tinh thần phát triển bóng đá.
- Từ thành công của U23, theo ông bóng đá Việt Nam cần phải làm gì để tiếp tục phát triển trong thời gian tới?
- Tôi khẳng định lại một lần nữa, chỉ có một con đường là đầu tư bài bản vào các lò đào tạo trẻ mới có thể giúp bóng đá Việt Nam vươn ra châu lục và thế giới. Đây là những cái nôi sinh ra các lứa cầu thủ toàn diện: có tài, có tâm, có tầm và có đạo đức, nhân cách cũng như văn hóa bóng đá chuẩn mực. Tôi tin chắc rằng với hình mẫu điển hình của U23 Việt Nam đều là quân tinh nhuệ từ các lò đào tạo trẻ, Chính phủ đã nhìn thấy được cần phải có một chiến lược quốc gia xuyên suốt để phát triển bóng đá chuyên nghiệp.
Tôi không thể giấu niềm hạnh phúc lẫn tự hào khi thấy Xuân Trường mang băng đội trưởng U23 Việt Nam xuất thân từ lò đào tạo trẻ của HAGL Arsenal JMG đã điềm tĩnh, tự tin và khiêm tốn trả lời báo chí nước ngoài bằng tiếng Anh. Tôi tin rằng tất cả các cầu thủ của lò đào tạo trẻ của Việt Nam hiện nay đều hướng tới hình mẫu này và đều có thể làm tốt như thế.
Nhiều cường quốc bóng đá đã đẩy mạnh công tác đào tạo bóng đá trẻ như Hàn Quốc, Nhật Bản và họ đã gặt hái những thành công vang dội. Việt Nam đã, đang và sẽ đi theo quỹ đạo này, tập trung nhiều hơn nữa vào việc phát triển các lò đào tạo trẻ để làm bàn đạp tiến ra sân chơi châu lục và thế giới. Nếu làm tốt điều này, tôi tin việc bóng đá Việt Nam gặt hái vinh quang cao hơn chỉ là vấn đề thời gian.