Bầu cử Mỹ năm nay sẽ có kỷ lục

Ông Trump nói chuyện với một số cử tri tại hội trường của NBC Newsảnh: AP
Ông Trump nói chuyện với một số cử tri tại hội trường của NBC Newsảnh: AP
TP - Hơn 17 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu, lập một kỷ lục về số lượng bỏ phiếu sớm. 

Số phiếu này tương đương 12% tất cả số phiếu trong cuộc bầu cử năm 2016, dù 8 bang chưa báo cáo số lượng và cử tri vẫn còn hơn 2 tuần nữa để đi bỏ phiếu. Diễn biến này khiến các chuyên gia hàng đầu về bầu cử dự báo sẽ có tổng số khoảng 150 triệu phiếu được bỏ và tỷ lệ cử tri đi bầu cử năm nay có thể cao hơn bất kỳ cuộc bầu cử nào kể từ năm 1908. 

“Thật là điên rồ”, ông Michael McDonald, một nhà khoa học chính trị tại ĐH Florida từ lâu đã theo dõi các cuộc bầu cử để lấy dữ liệu cho trang web ElectProject.org, nói với AP. Phân tích của ông McDonald cho thấy số người đi bỏ phiếu đã cao gấp 10 lần so với thời điểm này năm 2016. 
“Chúng ta có thể chắc chắn tỷ lệ đi bầu năm nay sẽ rất cao”, ông McDonald nói. 

Theo tính toán của AP, phe Dân chủ đang có lợi thế trong giai đoạn nước rút. Ở nhiều bang chiến địa quan trọng, phe Dân chủ đã thu hút được số lượng lớn cử tri và giờ đang đầu tư thời gian lẫn tiền bạc vào những cử tri khó tính hơn. 

Nhưng điều đó không hẳn cho thấy phe Dân chủ sẽ dẫn đầu vào thời điểm kiểm phiếu. Cả hai đảng đều nhận định lực lượng ủng hộ đảng Cộng hoà sẽ đi bầu cử ào ạt vào ngày 3/11, và tình thế có thể bị xoay chuyển chỉ trong vòng vài giờ. 

John Couvillon, một chuyên gia về thăm dò dư luận của đảng Cộng hoà, cho rằng đảng Dân chủ không thể nghỉ ngơi khi dẫn đầu trong giai đoạn bỏ phiếu sớm, nhưng đảng Cộng hoà cũng đang phải chơi một ván cược lớn. Nhiều yếu tố, từ tình hình dịch bệnh đến thời tiết, có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu. “Nếu bạn đặt tất cả niềm tin vào một ngày bầu cử thì thực sự sẽ có rủi ro cao”, ông Couvillon nói với AP. 

Đó là lý do dù ông Trump hùng biện như thế nào thì đảng và nhóm hỗ trợ tranh cử của ông vẫn đang khuyến khích những cử tri ủng hộ họ sớm đi bỏ phiếu trực tiếp hoặc gửi qua thư. 

Trong khi đó, tối 15/10, ông Trump và đối thủ Joe Biden khi tham gia hai phiên đối thoại riêng biệt trên truyền hình đã thể hiện sự tương phản về tính khí, quan điểm về công bằng chủng tộc và cách thức tiếp cận với dịch bệnh đã tái định hình nước Mỹ. 

Hai phiên tranh luận diễn ra khi chỉ còn cách ngày bầu cử hai tuần rưỡi, nhưng khó có thể tạo nên một khoảnh khắc có thể lật ngược tình thế đối với vị tổng thống đang sắp hết thời gian và cơ hội để thuyết phục những người không thuộc lực lượng ủng hộ truyền thống. 

Ông Trump vẫn giữ giọng điệu quyết liệt, khiển trách giám đốc FBI, đấu tranh với người dẫn chương trình Savannah Guthrie, phàn nàn về câu hỏi, lần đầu tiên nói rằng ông sẽ tôn trọng kết quả bầu cử sau khi bày tỏ hàng loạt hoài nghi về tính công bằng. Ông cũng hạ thấp ý nghĩa của thông tin mà báo New York Times tiết lộ rằng ông đã nợ hơn 400 triệu USD và rằng tờ báo này không đúng khi nói rằng ông đã nộp rất ít tiền thuế trong hầu hết các năm thuộc 2 thập kỷ qua. 

MỚI - NÓNG