Bắt quả tang Hapaco Đông Bắc xả thải độc hại ra sông Mã

Suối Sia, nơi tiếp nhận nguồn nước thải của Nhà máy Hapaco Đông Bắc thường xuyên trong tình trạng nổi váng, sủi bọt Ảnh: Nguyễn Hoài
Suối Sia, nơi tiếp nhận nguồn nước thải của Nhà máy Hapaco Đông Bắc thường xuyên trong tình trạng nổi váng, sủi bọt Ảnh: Nguyễn Hoài
TP - Khoảng 5 giờ sáng qua (3/4), sau nhiều ngày khảo sát, Đoàn Thanh tra Tổng cục Môi trường bắt quả tang Công ty sản xuất bột giấy Hapaco Đông Bắc (xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đang xả nước thải ra Suối Sia (chảy vào sông Mã) qua đường ống ngầm. Nước thải được đánh giá là rất độc hại.

Lắp đặt đường ống xả ngầm trái phép

Tại thời điểm bắt quả tang, Đoàn thanh tra ghi nhận, suối Sia khu vực gần Nhà máy xuất hiện rất nhiều bọt trắng và có nhiều bột giấy vàng nổi trên mặt suối, nước suối có màu vàng đục mùi hôi thối. Tiếp cận điểm xả nước thải của Nhà máy sản xuất giấy Hapaco Đông Bắc, Đoàn thanh tra phát hiện Công ty bố trí 1 đường ống bằng nhựa, đường kính 110 (đường ống cắm sâu xuống suối khoảng 1,5m), dài khoảng 24m đang xả nước thải có màu nâu, vàng, lẫn bột giấy, mùi hôi thối ra Suối Sia. 

Đoàn thanh tra cho biết, đã tiến hành lấy 3 mẫu nước thải. Tuy nhiên, trong khi Đoàn thanh tra đang lấy mẫu, Công ty đã mở máy bơm để bơm nước sạch vào bể chứa số 2 nhằm pha loãng nước thải trái phép, Đoàn đã yêu cầu không xả nước sạch vào bể nêu trên.

Đoàn thanh tra cũng phát hiện, nhà máy đặt máy bơm nước mặt từ suối Sia, có thể xả thẳng vào bể lắng ba ngăn (là nơi lưu giữ nước thải của nhà máy), các đường ống đều có van đóng, mở có thể theo chủ định của người vận hành để pha loãng nước tại bể lắng.

Theo nhận định của Đoàn Thanh tra, việc Công ty xả nước thải ra suối Sia với chất lượng nước thải như trên là không đúng với quy định. Việc đặt đường ống ngầm dưới đất và dưới nước là không đúng quy định về điểm xả nước thải theo Điều 101, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Nhà máy này cũng vận hành không đúng quy trình đối với hệ thống xử lý nước thải (Công ty báo cáo là tuần hoàn tái sử dụng nước thải) nhưng thực tế thải bằng ống ngầm ra suối Sia.

Bắt quả tang Hapaco Đông Bắc xả thải độc hại ra sông Mã ảnh 1

 Nơi lưu giữ nước thải của Nhà máy Hapaco Đông Bắc. Theo đoàn thanh tra, tại đây có van đóng mở có thể pha loãng nước thải bằng nước suối    Ảnh: Nguyễn Hoài

Sẽ tăng cường thanh tra đột xuất

Đại diện Đoàn Thanh tra cho biết, đã yêu cầu Công ty dừng ngay toàn bộ hành vi xả trái phép nước thải ra suối Sia, tháo dỡ toàn bộ các đường ống xả nước thải bằng ống ngầm ra suối Sia. Yêu cầu hàn, bịt đường ống thoát nước thải tại bể lắng ba ngăn ra suối Sia đồng thời nghiêm cấm việc pha loãng nước thải và xả nước thải không đạt quy chuẩn ra môi trường.

Đoàn thanh tra cũng yêu cầu công ty cải tạo, nâng cấp toàn bộ hệ thống xử lý nước thải, khí thải, đảm bảo nước thải, khí thải phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường, cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu về môi trường để Đoàn thanh tra tiếp tục xem xét, đánh giá.
Suối Sia, nơi nhà máy xả thải trái phép nối ra dòng sông Mã.

Cử tri ven sông và người dân địa phương nhiều lần kiến nghị về tình trạng xả thải gây ô nhiễm của Công ty Hapaco Đông Bắc. Được biết trước đó, Công ty này cũng từng bị Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường.

Trước phản ánh của cử tri và người dân địa phương, ngày 25/3 Tổng cục Môi trường có quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH MTV Hapaco Đông Bắc tại huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình. Mất nhiều ngày liên tiếp khảo sát, đánh giá, đoàn thanh tra mới có thể bắt quả tang Công ty này xả thải trái phép vào sáng qua. Theo chia sẻ của thành viên đoàn thanh tra, phía công ty thường xuyên cắt cử người túc trực hoạt động xả thải, thậm chí cho người phun nước làm tan bọt trên mặt suối Sia.

Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết thêm, việc phát hiện xả thải trái phép thông qua thanh tra đột xuất cho thấy, hiệu quả của phương pháp làm việc này, thay vì thanh tra theo kế hoạch. Vì thế, trong năm 2019, Tổng cục Môi trường sẽ dành khoảng 60% kinh phí để thanh tra đột xuất khi có phản ánh của người dân và báo chí.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nước thải của nhà máy sản xuất bột giấy đế chứa nhiều phèn và xút tẩy rửa (NaOH). Khi thải ra môi trường nước sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh vật tại nguồn nước. Được biết, tại khu vực gần nơi xả thải của nhà máy, từng xảy ra hiện tượng cá chết.

MỚI - NÓNG