Ông Nguyễn Quang Lâm (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) cho biết đã bắt đầu gầy dựng vườn đào Nhật Tân trên 300 gốc tại Nam Ban cách đây hơn 20 năm. Riêng loại đào tuyết (đào trắng, bạch đào) được đưa từ Hà Nội vào trồng 4-5 năm nay.
Đất đỏ bazan giúp các giống đào đưa từ làng hoa Nhật Tân vào lớn nhanh gấp 3 lần ở Hà Nội. Tuy nhiên nếu không biết cách chăm sóc thì trong điều kiện thời tiết nắng nóng như ở Tây Nguyên, cây chỉ ra lá chứ không có hoa hoặc hoa nở không đúng Tết Nguyên đán.
Phải dày công nghiên cứu thuần hóa đào Nhật Tân để cây quen dần với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất mới, sau đó sửa tán, tạo dáng và hãm bớt thời gian sinh trưởng để đào nở đúng thời điểm. Với đào trắng, càng phải chăm bón kỳ công hơn.
Những ngày này, cây bạch đào có chiều cao cũng như đường kính hơn 2m trong vườn nhà ông Lâm đang nở hoa sum suê. Mỗi đóa xếp 5-6 tầng cánh hoa với màu trắng như tuyết, nhụy vàng nhạt đẹp viên mãn, chen giữa những búp lá xanh mượt. Hoa đào thường thắm sắc, vô hương, riêng bạch đào tỏa hương thơm dịu nhẹ thu hút khá nhiều ong bướm.
Đào trắng kén người chơi, đa phần là người trung tuổi, cao niên, bậc tu hành…, những người có thú chơi hoa tao nhã và tinh tế. Chậu đào trắng với vẻ đẹp mong manh, tinh khiết như làm gian phòng thêm bừng sáng.
Bạch đào tên khoa học là Flos salicina. Năm 2013, Viện Nghiên cứu Rau quả (Bộ NN&PTNT) đã nhân giống thành công và chuyển giao hàng trăm cây giống cho nông dân các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Giang... trồng và chăm sóc. 2 năm sau, bạch đào xuất hiện ở một số chợ hoa Tết tại Hà Nội khiến nhiều người ngỡ ngàng, thích thú.
Các kỹ sư của Viện Nghiên cứu Rau quả lưu ý người trồng bạch đào, khi chồi mầm cao 30 - 35cm thì bấm ngọn và thường xuyên điều chỉnh các cành mọc đều bốn phía cho đều tán; ngoài việc bón phân để cây phát triển tán thì đến hạ tuần tháng 8 âm lịch bắt đầu khoanh vỏ cây; trước Tết Nguyên đán 2 tháng phải tuốt lá...