Bắt nạt trực tuyến: Gây stress, tự tử cho học sinh

Cứ ba học sinh thì một học sinh bị bắt nạt trực tuyến. Ảnh mang tính minh họa
Cứ ba học sinh thì một học sinh bị bắt nạt trực tuyến. Ảnh mang tính minh họa
TPO - Bắt nạt trực tuyến, một hình thức mới của việc bắt nạt được thực hiện trên mạng internet thông qua các thiết bị điện tử. Theo các chuyên gia tâm lý, hậu quả để lại có khi kinh khủng hơn cả bắt nạt truyền thống.

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học: “Chương trình phòng ngừa và can thiệp bắt nạt trực tuyến dựa vào trường học” vừa được diễn ra sáng nay, 2/1, tại Hà Nội.

 TS Trần Văn Công – ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội và các cộng sự  đã nghiên cứu khảo sát, phân tích thực hiện trên 864 học sinh THCS và THPT trên địa bàn Hà Nội, Nghệ An và Thanh Hóa về vấn đề này. Độ tuổi trung bình là 13.67 trong đó giới tính nam chiếm 53,3% và nữ chiếm 46,7%.

Kết quả phân tích số liệu cho thấy, tỷ lệ bắt nạt trực tuyến ở học sinh tại Việt Nam là 32,5%.

Các hành vi học sinh bị bắt nạt trực tuyến gồm đe dọa người khác trong các nhóm diễn đàn trên mạng; vu khống bằng cách đăng ảnh giả trên internet; lấy trộm thông tin cá nhân từ máy tính, hình ảnh, tin nhắn hoặc thông tin facebook, gửi bình luận đe doạn, gây tổn thương thông qua email hoặc tin nhắn; chế nhạo, bình luận trong nhóm, diễn đàn,…

Bị bắt nạt trực tuyến, học sinh dễ đi tự sát

TS Công cho rằng, việc các em thường xuyên bị bắt nạt trên mạng đối diện với nhiều nguy cơ. Với mối quan hệ xã hội, các em sẽ sợ hãi, ngại gặp các bạn, thầy cô. Có trường hợp bị ghép ảnh hở hang sẽ không dám gặp ai nữa, học tập bị ảnh hưởng, không tập trung học hành, luôn có cảm xúc lo lắng, sợ hãi, ảnh hưởng đến cuộc sống các em. Có trường hợp sau đó tự sát là có thật.

PGS.TS Trần Thành Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng chia sẻ, bắt nạt trực tuyến để lại hậu quả rất lớn. TS Nam ví dụ khi đưa ra một “nạn nhân”, em này có hình thể không được hấp dẫn. Từ những lời bình phẩm của bạn bè trêu đùa trên mạng khiến em bắt đầu có suy nghĩ đến việc mình chết bằng cách nào. Em đó nghĩ cách ăn kiêng, sau đó bắt đầu móc họng khi ăn. Thậm chí, em còn rạch tay, tự làm mất máu. May mắn, mẹ em phát hiện kịp và phải đưa em đến bác sỹ tâm lý để điều trị. 

Theo bà Nguyễn Hồng Kiên- ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, ví dụ điển hình nhất của bắt nạt trực tuyến chính là việc một học sinh lớp 8 ở Khánh Hòa đăng status nếu có 1000 người like thì sẽ đốt trường.

Lúc đầu chỉ là giật tít câu like, gây sự chú ý mà chưa nhận thức được hành vi. Sau đó, học sinh này bị bắt nạt, bị dồn là phải đốt trường. Em sợ hãi, không nói được với bạn bè, bố mẹ, thầy cô.

“Áp lực của dân mạng, em buộc đi mua xăng đốt trường. Rất may, bảo vệ phát hiện kịp và ngăn ngừa. Tuy nhiên, em này cũng bị bỏng và sốc tâm lý", bà Kiên nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG