Vào rằm tháng giêng năm 2012, lần đầu lễ hội Ná Nhèm được phục dựng, vật tế tàng thinh mặt nguyệt (sinh thực khí nam nữ) có hình dáng nhỉnh hơn cái chày treo bên cái mẹt cỡ nhỡ. Mỗi năm kế tiếp kích thước tăng dần lên, treo theo hướng chúc đầu xuống đất, đủ gọn nhẹ để hai thanh niên vác tòng teng. Đến năm 2016, tàng thinh đạt mức đột phá dài khoảng 1,5 mét, nặng hơn 60kg, sơn màu hồng rực.
Vật tế được đặt lên kiệu như một khẩu pháo và sự kiện này gây bùng nổ phản ứng đầy mâu thuẫn giữa khách tham dự và truyền thông. Hàng vạn người hiếu kỳ, phấn khích rủ nhau đến để xem tận mắt, chụp ảnh, một số báo chê bai, đả kích. Từ lúc này, Ná Nhèm được biết đến như một lễ hội phồn thực táo bạo nhất nước. Nhờ những chứng minh lịch sử sống động, lễ hội với màn rước tàng thinh mặt nguyệt tế vua có một không hai đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng năm đó.
Bí mật tìm thần thái mới cho vật tế
Do áp lực truyền thông và dư luận, năm 2017, tàng thinh giảm bớt kích cỡ, để màu gỗ tự nhiên sơn bóng, khi rước được phủ lên một tấm màn tuyn khiến cả chủ cả khách đều kém vui. Người dân sau đó hậm hực “mâm đồ tế mà giấu trong màn thì sao các cụ nhận được?”. Trước lễ hội năm nay khoảng bốn tháng, thợ mộc Hoàng Văn Cứng (nhà ngay gần cửa đình làng Mỏ, xã Trấn Yên) được các ông lềnh (phụ trách việc chung trong làng) bí mật giao việc chế tác “của quí” tế vua. Tàng thinh được làm bằng gỗ dổi, có đường kính khoảng 22cm, chiều dài 1m30, trọng lượng trên 50kg. Nhiệm vụ của ông Cứng là tạo hình sao cho tác phẩm không được giống hệt những năm trước, vật tế bắt mắt nhưng nhìn không được xa lạ, phải có “thần thái” mới.
Nửa ngày trước giờ rước, không ai được nhìn thấy vật tế, một nhóm phóng viên tìm đến phỏng vấn ông Cứng được ông nói qua về chất liệu, kích cỡ nhưng màu sơn thì chính ông Cứng cũng chưa biết. Có nhà báo đi nghe ngóng trong làng tự ý công bố trong bài viết “tàng thinh sẽ có màu gụ”.
Tổng đạo diễn, người phục dựng lễ hội Ná Nhèm, TS. Bàn Tuấn Năng kể, trước lễ hội ba ngày, Sở Văn hóa huyện Bắc Sơn cử đại diện xuống kiểm tra kịch bản lễ hội và ngầm hiểu là nhân thể duyệt qua tạo hình vật tế. Người dân làng cũng như tổng đạo diễn luôn thường trực cảm giác lo lắng vật tế sẽ bị đề nghị chỉnh sửa phút cuối nên mọi người đều nói quanh, viện đủ lý do để người ở huyện không được nhìn thấy quá sớm.
TS Năng bảo cán bộ huyện là ông thợ mộc đang ở trên rừng, ngủ lại lán chưa về được “tàng thinh ông ấy cất trong kho khóa lại rồi, chẳng nhẽ lại phá khóa vào xem?”. TS Năng hứa sẽ sớm chụp lại hình và gửi email cho họ xem nhưng “cứ bận rối hết cả lên, sao mà chụp và gửi được”. Trước một ngày cán bộ huyện lại xuống xem bản thô, “may quá các đồng chí không thắc mắc gì, chỉ nhắc “sơn màu nhẹ nhàng thôi, đừng phô trương quá”. Đêm 14 âm lịch, hội các ông lềnh mới chốt hạ màu sơn năm này là hồng nhạt gần như màu da. Trước giờ rước 3 tiếng, tức là vào 2h sáng ngày rằm, việc trang trí đính nơ gắn lụa mới xong.
Chủ và khách cùng mãn nguyện
Sáng ngày rằm tháng giêng chính hội, tại đình làng Mỏ, vật tế được bọc kín mít trong tấm vải hoa, có người canh giữ. Nhiều khách nôn nóng lật vải ra nhìn trộm để yên tâm là “của quí” dâng vua năm nay vẫn oách.
Đúng 9 giờ, đoàn rước tàng thinh mặt nguyệt xuất hành từ đình ra đến thửa ruộng thứ nhất thì hạ kiệu. Giây phút tấm vải hoa được dỡ bỏ, hàng nghìn chiếc điện thoại chĩa vào, ai cũng muốn mình là người “cúng phây” sớm nhất hình ảnh tàng thinh năm nay.
Ông Hoàng Văn Chẩn, lềnh trưởng, kiêm bí thư xã Trấn Yên cho biết cả năm dân làng mong đến hội, tham gia màn rước “của quí” hoành tráng, nếu bỗng nhiên vật tế năm đó bị nhạt nhòa, xấu thì mọi người sẽ cụt hứng, cảm giác kém may mắn. “Những năm đầu kêu gọi trai làng tham gia họ không mặn mà lắm. Về sau, vật tế ngày càng bắt mắt, khách xem hội càng đông, thanh niên tham gia rất nhiệt tình. Trước hội có giấy gọi về từng gia đình, thanh niên, nam giới đang làm ở tỉnh xa bằng mọi cách có mặt đúng ngày. Anh Hoàng Văn Hai (làng Mỏ) trong đội chạy cờ kể “năm nào tôi xin nghỉ về hội làng, một đám bạn từ công ty cũng đi theo. Họ bảo lễ hội làng tôi độc lạ không giống bất
cứ đâu”.
Lềnh trưởng Hoàng Văn Chẩn cho biết, kinh phí cho lễ hội không đáng kể, người dân tham gia vì lòng tự hào với di sản. Có 170 thanh niên tham gia đoàn rước, chạy cờ, đánh trận, diễn trò chơi, mỗi người chỉ được phát một đôi giày vải và 20 nghìn ăn trưa cho hôm chính hội, thế nhưng chẳng ai bỏ nhiệm vụ.
Ông Hoàng Văn Chuyên nguyên lềnh phó từ năm đầu phục dựng Ná Nhèm chia sẻ “ai đó chê bai là vật tế trông thế này thế nọ nhưng chính chúng tôi những người có niềm tin đều thấy khỏe mạnh may mắn sau mỗi lần phục vụ tận tâm cho lễ hội”.
Dân địa phương khá tò mò khi gặp một ông Tây lang thang với chiếc smartphone trên tay. Ông chụp và quay phim vẻ mặt của người đi hội. Ông đặc biệt thích thú với những đoạn video quay phản ứng của mọi người bên cạnh tàng thinh trang trí rực rỡ. “Lúc về nước tôi sẽ dựng thành một bộ phim ngắn”.
Gary Kildea là nhà làm phim nhân học người Úc, đã từng đi khắp thế giới làm phim về nhiều tộc người cảm thấy rất may mắn khi tới thăm Việt Nam vào dịp lễ hội Ná Nhèm lần này. Hai ngày khám phá lễ hội, ông Gary chỉ hơi thắc mắc tại sao đa số khách Việt chỉ để ý đến tàng tinh mà không chú ý nhiều đến mặt nguyệt. Trong khi người địa phương kỳ vọng lễ hội mỗi năm hút thêm khách từ các thành phố lớn thì nhà làm phim người Úc lại lo lắng “Ná Nhèm sẽ bị phá hỏng nếu để du khách từ đô thị tràn về quá tải. Tôi thấy nên duy trì đúng như bây giờ - cảnh đẹp tự nhiên, người dân dễ thương, bản sắc độc đáo, nhiều cảm xúc”.
Ná Nhèm (theo tiếng Tày nghĩa là mặt nhọ) là lễ hội đặc biệt của hai dòng họ Hoàng và Bế vốn gốc họ Mạc nhưng phải thay tên đổi họ để tránh họa tru di, truy sát của vua Lê chúa Trịnh. Về bản chất đây chỉ là việc con cháu gốc họ Mạc mượn tín ngưỡng phồn thực để biểu đạt mong ước đức Vua phù trợ cho dòng họ tái sinh lớn mạnh.