Gã rồ Ná Nhèm

Bàn Tuấn Năng cùng bà con dân tộc Sán Dìu ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hồng Hà.
Bàn Tuấn Năng cùng bà con dân tộc Sán Dìu ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hồng Hà.
TP - Ðầu năm 2016, cái tên Bàn Tuấn Năng bỗng được truyền thông ồ ạt nhắc đến vì anh là tác giả phục dựng Lễ hội Ná Nhèm (Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn) có màn rước “tàng thinh mặt nguyệt” (sinh thực khí nam nữ) với kích thước gây tranh cãi.

Động đến chủ đề phong tục di sản vùng cao, Bàn Tuấn Năng có thể hăng say bàn luận ngày này qua ngày khác. Luôn trong tình trạng “kinh phí hạn hẹp”,chính anh không biết mình lấy đâu ra năng lượng để thực hiện đam mê khám phá, gắn kết những mảnh ghép sót lại của kho tàng văn hóa dân gian vùng núi phía Bắc.

Trở lại chuyện Lễ hội Ná Nhèm, nhiều người nghĩ, tay thạc sĩ văn hóa học này ngông, dùng chiêu giật gân để hút khách câu view, nhưng tìm hiểu rồi mới biết trước đó Tuấn Năng đã có bốn năm lang thang nghiên cứu và thuyết phục người dân làng Mỏ ở Trấn Yên phục dựng lại lễ hội độc đáo bị thất truyền từ năm 1963.

Nặng duyên với làng Mỏ

Năm 2009, trong một lần đi nghiên cứu khảo sát tại Bắc Sơn, qua câu chuyện với cán bộ phòng Văn hóa thông tin huyện, Tuấn Năng  được biết sơ lược về một lễ hội đã mất - Lễ hội Ná Nhèm (tiếng Tày nghĩa là bôi mặt nhọ). Ấp ủ khôi phục lễ hội nhưng Tuấn Năng và cộng sự gặp khó khăn khi về làng tìm gặp nhân chứng từng tham gia lễ hội xưa. Do hơn 50 thất truyền, tìm mãi mới ra cụ Hoàng Văn Tiến, hơn 90 tuổi, vốn nặng tai là người duy nhất còn thạo việc diễu võ, đánh đao và gươm trận khi xưa. Ra giữa đồng dạy các cháu, cụ đi được hai đường gươm mác đã đứng chống gậy thở hổn hển. Tuấn Năng lúc này đã phải lòng  những mảnh ghép kỳ bí của câu chuyện lịch sử bởi đây là lễ hội của hai dòng họ Hoàng và Bế, vốn gốc họ Mạc nhưng phải thay tên đổi họ, ẩn vào văn hóa người Tày để tránh họa tru di. Nhiều đợt anh vác ba lô từ Hà Nội lên ăn ở liền vài tháng luôn tại làng Mỏ, thân quen từng nhà, người dân gọi anh là “ông Ná Nhèm”.

Ngay sau ngày tổng duyệt cho lễ hội lần đầu phục dựng đầu năm 2012, trong làng bỗng dưng có hai người chết . Dân làng hoảng loạn, đồn nhau “bị các cụ quở vì làm lễ sai cách”. Ban tổ chức nghẹt thở căng thẳng, sợ dân bỏ cuộc. May thay, sau khi được thuyết phục và giải thích “hai người chết là do bệnh”, người tham gia bớt lo, lễ hội đã ra mắt thành công. Qua bốn năm liên tục từ 2012 đến 2015, lễ hội thu hút đông đảo người dân quanh vùng Sơn bởi các trò diễn độc đáo và kích cỡ bộ đồ cúng tàng thinh mặt nguyệt mỗi năm một to dần, bắt mắt hơn.

Năm 2016, cũng là năm Lễ hội Ná Nhèm đón bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, kích cỡ khác thường của tàng thinh mặt nguyệt khiến ông Ná Nhèm một phen lao đao vì thắc mắc của báo chí. Trả lời câu hỏi “Vì sao tàng thinh mặt nguyệt năm nay lại khủng thế?”, tổng đạo diễn nói: “Cùng là đồ cúng, tại sao cái bánh chưng bảy tạ ở Ðền Hùng thì được mà tàng thinh mặt nguyệt nặng sáu tạ thì thành vấn đề?”. Rằm tháng giêng 2018 tới đây, hình hài của đồ cúng ra sao còn là một bí mật do các ông lềnh quyết định, mà nói trước khách hội sẽ hết bất ngờ.

PGS.TS Vương Xuân Tình (Nguyên Viện trưởng viện Dân tộc học) Tổng biên tập tạp chí Dân tộc học từng tham dự lễ hội năm 2016 bày tỏ sự kinh ngạc khi biết việc phục dựng chỉ được tài trợ bằng khoảng nửa đề tài cấp bộ của nhiều viện nghiên cứu vậy mà Bàn Tuấn Năng  cùng đồng nghiệp vẫn tái hiện, nâng tầm được lễ hội này. Chứng kiến đam mê, tận hiến của Tuấn Năng, TS Tình trìu mến gọi anh là “gã rồ”.

Bàn Tuấn Năng tâm sự, do kinh phí eo hẹp, đa số lần làm lễ hội anh đều “ăn cơm nhà vác tù và cho làng Mỏ”, không ít lần vợ con giận dỗi vì anh bỏ bẵng họ để đến Trấn Yên. “Nhưng tôi cảm thấy may mắn, thăng hoa khi ghép được những mảnh vụn rời rạc thành một huyền sử ở nơi hẻo lánh như làng Mỏ. Hạnh phúc hơn, mong muốn ban đầu của anh đang dần thành hiện thực đó là nhờ Ná Nhèm, Trấn Yên trở thành điểm đến du lịch. Gã rồ nuôi kỳ vọng “một ngày gần đây Ná Nhèm sẽ được tôn vinh như một di sản của nhân loại”.

Gã rồ Ná Nhèm ảnh 1 Hí họa: Nguyễn Văn Hổ.

Hăm hở tìm bí ẩn sơn cước

Là con trai của tiến sĩ Văn hóa dân gian người Dao đầu tiên bảo vệ luận án tại Liên Xô, từ nhỏ Bàn Tuấn Năng đã có niềm say mê với những sự tích thuộc về các dân tộc vùng cao. Năm 1993 tốt nghiệp đại học sư phạm văn, bố muốn xin cho con trai dạy học gần nhà tại Thái Nguyên  nhưng Năng đòi bằng được lên Hà Giang dạy văn. Không lâu sau cú sốc bố mất đột ngột, Tuấn Năng xin về làm cán bộ Sở Văn hóa Bắc Kạn. Nhận công việc sưu tầm chuyện cổ Bắc Kạn, chàng trai 25 tuổi hăm hở xách ba lô với chiếc máy ghi âm “cục gạch” đến những bản làng xa xôi, hẻo lánh. Công tác phí mỗi ngày 20 nghìn và thù lao trả cho nhân vật kể chuyện (dùng được) là hai gói mỳ ăn liền hoặc số tiền tương đương. Thời đó khổ, cán bộ văn hóa nghèo, dân còn nghèo hơn nhưng đó là những trang sống động nhất trong tuổi trẻ của tôi, Tuấn Năng vui vẻ nhớ lại.

Bàn Tuấn Năng tâm sự, do kinh phí eo hẹp, đa số lần làm lễ hội anh đều “ăn cơm nhà vác tù và cho làng Mỏ”, không ít lần vợ con giận dỗi vì anh bỏ bẵng họ

Có một giai đoạn mọi sự tích, chuyện xưa bị người dân dè dặt kể vì sợ tội tuyên truyền “mê tín dị đoan” hoặc “nói chuyện bậy”. Tại xã Rã Bản (Bắc Kạn), Tuấn Năng tập trung một số cụ cao tuổi vào kể mà cả buổi chẳng có chuyện nào hay. Hôm sau anh nhờ người mua được 4kg thịt trâu và rượu chiêu đãi các cụ, tới đêm, không khí tưng bừng hẳn, các cụ bỗng nhớ ra một loạt truyện cổ độc lạ, có cả chi tiết tục khiến cả khách lẫn chủ cười như pháo ran.

Trong vòng ba tháng, nhà sưu tập truyện cổ làm việc với năng suất khó tin. Ngày thu gom, đêm về gỡ băng ghi chép, Năng giao nộp Sở 1.000 trang truyện. Cho đến nay bộ ba tập truyện cổ Bắc Kạn vẫn là tài sản duy nhất của tỉnh về văn học dân gian.

Nhẹ vía

Có rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà quay phim nhân học không tìm được tiếng nói với người dân tộc, chủ thể của một phong tục hay lễ hội. Họ khăng khăng từ chối cho người lạ quay phim sự kiện của gia đình. Tuấn Năng khoe anh khá “nhẹ vía” khi tiếp xúc với bà con của các dân tộc khác nhau. Sau mỗi lần làm đề tài bảo tồn anh đều giữ mối quan hệ thân thiết với bà con. Có dịp chụp ảnh người địa phương khi đi làm đề tài, anh luôn nhớ rửa ảnh và gửi bưu điện đến tận tay họ.

Trong một lần tham dự lễ hội cấp sắc của người Dao Tiền, Tuấn Năng để ý có những thanh niên ngồi miệt mài đan hoa tre (trông như cái rế con). Gặng hỏi nhiều lần người đan đều im lặng. Lúc sau ra uống rượu mấy cụ lớn tuổi, Năng mới vỡ lẽ “những người tham dự lễ cấp sắc của người cùng dòng tộc phải kiêng sinh hoạt vợ chồng trong vòng hơn một tháng, nếu ai phạm qui thì bao nhiêu lần sinh hoạt, tự giác phải đan ngần ấy bông hoa tre phạt. Hoa này đặt lên mâm cúng rồi đốt. Chi tiết giải mã hoa tre lần đầu tiên được Năng công bố trong luận án tiến sĩ “Lễ cấp sắc của người Dao Tiền ở Ngân Sơn (Bắc Kạn)” bảo vệ hồi tháng 11 vừa qua.

Từ năm 2010 đến nay Bàn Tuấn Năng chuyển về giảng dạy tại Học viện Chính trị Quốc gia nhưng nhiệt huyết khám phá kỳ bí vùng cao trong anh không thay đổi. Chỉ nghe đến một tình tiết độc lạ bất thường, bỏ ngỏ nào đó của phong tục xưa là anh lại nhấp nhổm muôn lên đường về phía Tây Bắc.

MỚI - NÓNG