Bất lực nhìn biển 'nuốt' đồng

Bộ đội biên phòng hỗ trợ gia cố xử lý sạt lở bờ biển Vinh Hải. Ảnh: N. Văn
Bộ đội biên phòng hỗ trợ gia cố xử lý sạt lở bờ biển Vinh Hải. Ảnh: N. Văn
TP - Sạt lở bờ biển xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) do áp thấp nhiệt đới và bão số 7 hồi tháng 10 chưa khắc phục xong. Những ngày đầu tháng 12, mưa lớn dồn dập lại làm gia tăng xâm thực trên chiều dài 5km bờ biển, ăn sâu vào đồng ruộng xã này. Trong khi đó, vụ đông xuân cận kề, hàng nghìn nông dân Vinh Hải vẫn bất lực nhìn biển “nuốt” dần 300 ha đất lúa, ruộng màu - nơi cung cấp lương thực cho toàn xã.

Từ nhiều ngày qua, tình trạng sạt lở tại Vinh Hải trở nên khốc liệt chưa từng thấy, xảy ra trên toàn bộ phần bờ biển xã này. Dải rừng phi lao phòng hộ chạy dọc bờ biển Vinh Hải hiện trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Có nơi cây rừng bị sóng cuốn mất, lộ ra những khoảng trống cát trắng. Gần đây, khi triều dâng cao hoặc có sóng lớn, nước biển còn ào ạt tràn qua rừng cây, đẩy mặn xâm nhập thẳng vào đồng ruộng.

Gắn bó đồng đất Vinh Hải hàng chục năm nay, nông dân Đào Cửu (ngụ thôn 4) lo lắng: “Biển dạo ni không hiểu răng cứ tràn dữ dội qua rừng phòng hộ, rồi đẩy mặn ồ ạt vô đồng ruộng. Có nơi, nước biển từng mở cả cửa lạch chảy thông vô ruộng. Cơ quan thủy lợi, biên phòng đã mất cả tháng trời mới hàn khẩu xong chỗ lở, nay có nguy cơ vỡ trở lại. Mặn tràn vô ruộng mức độ nhẹ như một số năm thì không răng hết, nông dân cho bơm nước ngọt thau rửa là “sạch”. Chứ mặn tấn công dồn dập như bữa ni, chắc nông dân phải bỏ ruộng”.

Không chỉ nông dân, người làm nghề biển tại Vinh Hải cũng khốn đốn với sạt lở bờ biển. Loay hoay cùng một thợ máy cạnh chiếc ghe cá đánh bắt gần bờ vừa bị sóng lớn “ném” từ bờ biển vào cạnh chân ruộng lúa, ngư dân Phan Thành Hưng (ngụ thôn 4, xã Vinh Hải) than: “Bờ biển sạt lở báo hại gia đình tui tốn tiền sửa lại chiếc ghe. Nó bị sóng đánh hỏng mấy hôm trước, cuốn vô sát ruộng lúa như thế này đây”.

Anh Hưng kể, do sự cố môi trường biển, chiếc ghe máy nhà anh phải nằm bờ nhiều tháng trời, được neo cột chắc chắn trong rừng phi lao kín gió cạnh bờ biển. Mấy hôm rồi ra kiểm tra, anh Hưng phát hoảng vì chiếc ghe không còn ở chỗ cũ, cứ tưởng ai đó đánh cắp. Quanh quẩn một lúc, anh Hưng mới tìm thấy chiếc ghe nằm vất vưởng gần một ruộng lúa. Nhìn vết trượt trên cát, anh biết ghe bị sóng lớn đánh đứt dây néo khi tràn qua rừng cây, cuốn dạt vào bên trong. Ngư dân Lê Cu thì bất lực kể, do nạn xâm thực biển dữ dội, cả nhà ông bị “đuổi” dạt sâu vào trong làng sinh sống. Nhiều thế hệ gia đình ông trước cư ngụ gần bờ biển để tiện đánh cá. Cũng như hàng nghìn dân xã, ông Cu mong sớm có giải pháp xử lý sạt lở bờ biển bền vững,
ổn định.

Bờ biển Vinh Hải hiện bị sạt lở khoảng 5km, nặng nhất là đoạn 2,5km qua ba thôn 2, 3 và 4 của xã, ăn sâu đất liền từ 15 đến 50m. Theo chính quyền địa phương, hiện có 300 ha ruộng lúa, hoa màu, đất thủy sản tại Vinh Hải bị sạt lở bờ biển đe dọa. Nếu sạt lở tiếp diễn, toàn bộ 230 ha ruộng lúa của xã sẽ bị bỏ hoang trong vụ đông xuân 2016-2017. Trước tình hình này, Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN TT-Huế đã xuất 36 rọ thép, 1.500 m2 vải lọc để khắc phục tạm. UBND huyện Phú Lộc cũng bố trí 47.000 bao tải, 30m3 đá hộc, 310 m3 đất, huy động hơn 1.000 nhân công (chủ yếu là bộ đội) xử lý sạt lở khẩn cấp.

Được biết, UBND tỉnh TT-Huế từng đầu tư 2,5 tỷ đồng xử lý xâm thực bằng kè cứng, rọ đá, trên chiều dài khoảng 500m tại điểm nóng sạt lở Vinh Hải. Tuy nhiên, sạt lở diễn ra dữ dội thời gian gần đây đã kéo chìm nhiều rọ đá ra biển, bờ kè kiên cố mới xây cũng bị sóng đánh vỡ. 

Kiểm tra bờ biển Vinh Hải mới đây, ông Văn Phú Chính, Cục trưởng Cục phòng chống thiên tai - Bộ NN&PTNT, cho rằng; về lâu dài, cần tính toán chỉnh trị bờ biển sạt lở bằng giải pháp công trình và phi công trình. “Bộ NN&PTNT đã giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu và có giải pháp cùng địa phương.

MỚI - NÓNG