Rồi mới đây, bệnh lạ ở tỉnh Quảng Ngãi, những gì bà làm đến thời điểm này ngon ơ. Hay những chuyện nhỏ xíu khác như kiến ba khoang, bà chỉ huy giải quyết triệt để.
Trên các mặt trận y tế nóng bỏng khác mà dư luận đặc biệt quan tâm thì sao? Viện phí, bảo hiểm y tế, chất lượng khám chữa bệnh và, nhất là, quá tải bệnh viện. Kinh nghiệm quản lý dịch tễ có vẻ chưa giúp gì được cho bà.
Nhiều vị bộ trưởng y tế, họ chỉ là những nhà chuyên môn rồi số phận đặt họ vào cái ghế quản lý.
Bởi thế, các giải pháp mà họ đưa ra đều na ná như can thiệp một ca phẫu thuật hay một đợt dập dịch. Hầu như ít thấy bóng dáng của tư duy quản trị vĩ mô, tầm chiến lược, để rồi không được trang bị tư duy hệ thống của nhà quản lý khiến các loạt giải pháp đề ra cứ như đấm vào bị bông.
Lấy ví dụ về viện phí và quá tải bệnh viện. Ai cũng biết, tiền cấp cho y tế đủ thì chắc không có chuyện căng thẳng viện phí. Ngược lại, một khi cái đầu tiên cho y tế thiếu kinh niên, không dựa vào viện phí thì bám vào đâu để sống?
Vậy tiền thiếu là do ai? Do Bộ Y tế? Hoàn toàn sai và oan cho ngành y tế. Chừng nào chưa cắt được cái ung nhọt gốc này thì chừng đó đừng mong hóa giải những oán trách xung quanh hoạt động khám chữa bệnh.
Nhưng thẳng thắn mà nói, một tư duy quản trị tốt vẫn có thể sử dụng nguồn ngân sách hạn hẹp để “tùy căn cơ mà hóa độ chúng sinh”, để có thể đột phá một nút thắt quan trọng nhất, quá tải bệnh viện chẳng hạn, tác động tích cực đến toàn hệ thống.
Hơn 700 giám đốc bệnh viện công bây giờ có vẻ chẳng mặn mà gì giảm quá tải. Đơn giản chỉ vì đấy là nguồn sống của các bệnh viện ấy.
Trong cái chăn cơ chế hiện hành, cộng với thách thức về kinh nghiệm quản trị hiệu quả, khó để biến quyết tâm giảm quá tải bệnh viện bằng các giải pháp luẩn quẩn như bệnh viện vệ tinh, đưa bác sỹ về tuyến dưới, tăng viên phí như hiện nay. Xem ra đó là nhiệm vụ bất khả thi thách thức bộ trưởng.