Bất hợp lý việc chia tiền

CSGT bị hất lên nắp ca bô khi làm nhiệm vụ
CSGT bị hất lên nắp ca bô khi làm nhiệm vụ
TP- Với quy định hiện hành, khoản tiền phạt từ vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) chia vào ba giỏ: Cảnh sát giao thông, Ban ATGT và nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với tỷ lệ chia hiện nay, chỗ tiêu không hết, nơi không có kinh phí hoạt động...

> Tai nạn nhiều, phạt ít

Hiện việc phân phối nguồn tiền phạt từ vi phạm TTATGT được thực hiện theo Thông tư số 89 ngày 25-7-2007 của Bộ Tài chính.

Theo đó, 70% số tiền phạt của các tỉnh, thành được để lại bồi dưỡng cho lực lượng CSGT trực tiếp tham gia đảm bảo TTATGT và một số nội dung chi khác. Mức chi cụ thể cho mỗi CSGT được phân bổ theo khung, từ 700.000 đồng/tháng đến 1,5 triệu đồng/tháng.

Theo quy định của Thông tư nói trên, ở những địa phương có số thu từ xử phạt vi phạm TTATGT đạt 30 tỷ đồng/năm trở lên thì kể cả bồi dưỡng mức cao nhất 1,5 triệu đồng/người/tháng, cũng chi không hết tiền.

Ngược lại, với những địa phương chỉ đạt mức tiền phạt dưới 20 tỷ đồng/năm thì không đủ chi phí.

Cũng theo Thông tư 89 thì 10% số tiền phạt vi phạm TTATGT được để lại cho Ban ATGT của các tỉnh, thành; 10% cho các lực lượng khác trực tiếp tham gia công tác ATGT tại cấp huyện, xã.

Như ở Hà Giang, một năm chỉ thu được 2,5 tỷ đồng, thì Ban ATGT tỉnh chỉ được 250 triệu đồng, không đủ chi phí để hoạt động nghiệp vụ và triển khai công tác tuyên tuyền pháp luật đảm bảo ATGT, nhiệm vụ đang được coi trọng.

Trong khi đó CSGT có xin thì ngân sách cũng không đủ để cấp. Đơn giản như thực hiện các biển báo pano ap phích tuyên truyền về ATGT cũng không có kinh phí để thực hiện.

Ở những địa phương có mức thu khá (thường trên 50 tỷ đồng/năm) đang có ý kiến nên tăng mức bồi dưỡng cho lực lượng công an trực tiếp đảm bảo ATGT, chứ không nên cứng nhắc chỉ cho chi trong phạm vi 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Thêm nữa nên cho phép cơ quan công an tăng tỷ lệ trích số tiền đó để mua sắm trang thiết bị phương tiện để phục vụ cho công tác đảm bảo ATGT và chi cho việc xóa những điểm đen về TNGT.

Tăng tiền, giảm tiêu cực

Nói về những bất cập về Thông tư 89 hiện nay, ông Triệu Trọng Đạo, Trưởng phòng CSGT tỉnh Hà Nam cho biết: “Từ thực tế hoạt động của lực lượng CSGT, tôi thấy với quy định hạn mức như hiện nay cũng rất khó khăn, vì với mức thấp như thế mà anh em chiến sỹ làm việc trong điều kiện mưa gió, bụi bặm trong khi ngân sách của tỉnh không có để hỗ trợ. Theo tôi, việc phân chia để tăng tiền cho các lực lượng là cần phải làm, vì nó sẽ giảm bớt được những phiền hà, những tiêu cực để anh em làm việc tốt hơn”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, hiện nay xung quanh việc sửa đổi Thông tư 89 đang còn nhiều ý kiến khác nhau.

Tuy nhiên, các bộ ngành liên quan đang cho ý kiến sẽ sửa đổi theo hướng, nơi nào thu được nhiều sẽ chi thêm trực tiếp cho lực lượng làm nhiệm vụ để đảm bảo ATGT như, xóa điểm đen, bổ sung mua sắm thêm trang thiết bị cho các lực lượng làm nhiệm vụ.

Các tỉnh thu được tiền xử phạt quá thấp thì tính toán dùng ngân sách của tỉnh để hỗ trợ cho lực lượng tham gia làm nhiệm vụ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG