Theo người đàn ông, con cá mà anh câu được là loại cá có tên Borka, theo cách gọi của người địa phương, được câu ở khu vực thành phố Pripyat (Ukraina). Đây là thành phố gần biên giới với Belarus, được thành lập từ năm 1970 và đã bị bỏ hoang từ năm 1986 cho đến nay sau thảm họa Chernobyl.
Được biết, con cá dài hơn 2 mét.
Khu vực mà người này câu được con cá “khủng” là khu vực bị giới hạn vì nguy cơ nhiễm độc phóng xạ từ thảm họa Chernobyl xảy ra từ năm 1986. Những loài hải sản bắt được tại khu vực này đều bị cấm sử dụng làm thực phẩm.
Tuy nhiên, khu vực này đang dần trở nên thu hút hơn với những người câu cá dám mạo hiểm mạng sống để câu được những con cá có kích thước “khủng”, khi có nhiều người cho rằng những loài cá sống tại khu vực bị đột biến sau thảm họa hạt nhân và có kích thước ngày càng lớn.
Dù vậy, nhiều người cho rằng không hẳn đột biến đóng vai trò quan trọng trong việc làm tăng kích thước các loài cá sống trong khu vực. Kondrat Yudin, 38 tuổi, một ngư dân địa phương, cho rằng nguyên nhân đơn giản hơn rất nhiều.
“Tôi cho rằng phóng xạ đóng một vai trò nào đó trong việc đột biến các loài động vật trong khu vực, nhưng tôi không cho rằng phóng xạ lại khiến chúng trở nên to lớn hơn”, Yudin nhận xét. “Tôi nghĩ rằng nguyên nhân cho điều này đơn giản hơn rất nhiều. Vì lâu nay không còn ai đánh cá tại khu vực này, và loài cá da trơn không có kẻ thù tự nhiên nên có thể dễ dàng phát triển đến một kích thước rất lớn”.
Trên thực tế, các nhà khoa học địa phương đã từng xác nhận sự gia tăng kích thước của nhiều loài cá trong khu vực bị nhiễm phóng xạ quanh Chernobyl, và nhiều cuộc kiểm tra cho thấy mức độ phóng xạ quá mức là nguyên nhân làm biến đổi kích thước của những loài cá này.