Hiện cơ quan quản lý nhà nước đang hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường. “Thông tin và minh bạch thông tin về thị trường BĐS đang ở bước đầu. Thị trường BĐS chủ yếu dựa vào 3 nguồn vốn: nhân dân, chủ đầu tư và ngân hàng. Tới đây, chúng ta phải phát triển thêm các thể chế tài chính để hỗ trợ phát triển cho thị trường, thúc đẩy vốn cho thị trường”, Bộ trưởng Hà nói.
Đánh giá về thị trường BĐS hiện tại có hay không dấu hiệu bong bóng? Theo ông Hà, phân tích trên một số các yếu tố cơ bản, trước mắt chưa có dấu hiệu quá bất bình thường trên thị trường BĐS. Nhưng ông cũng đồng thời chỉ ra 3 yếu tố đang diễn ra như: Sự lệch pha cung cầu giữa nguồn cung căn hộ cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng với nhà ở xã hội. Nếu thực hiện hết các dự án BĐS có khả năng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, thị trường sẽ dư thừa nguồn cung cao cấp nhưng thiếu nhà cho người thu nhập thấp. Bên cạnh, tốc độ tăng dư nợ tín dụng vẫn ở giới hạn an toàn (8- 9%). Tuy nhiên, phần lớn mới tập trung vào sản phẩm cao cấp hoặc chỉ tập trung một số nhà đầu tư. Thị trường BĐS sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như không kiểm soát tốt tài chính. Cuối cùng, Bộ trưởng Hà lưu ý dư luận đã có ý kiến về việc có đầu cơ, dự án tăng giá 3-7%, thậm chí có một số dự án tăng cao hơn.
Theo báo cáo từ Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2016, thị trường BĐS đã phát triển ổn định. Lượng giao dịch tăng đều với tổng số giao dịch tại Hà Nội và TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2016 khoảng 15.300 giao dịch, so với 18.000 giao dịch cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, chất lượng, giá trị giao dịch cao hơn. Giá BĐS tăng 3-7%, cao hơn so với cùng kỳ 2015 là 3-5%. Hàng tồn kho hiện còn 37.489 tỷ đồng, so với cùng kỳ 2015 là 67.443 tỷ đồng. FDI vào thị trường BĐS có 25 dự án mới và giá trị vốn đầu tư tăng thêm 604,8 triệu USD, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2015 là có 7 dự án và tổng vốn 465,5 triệu USD.