Tuy nhiên, khoảng 40 ngày sau, chị L. lên cơn dại và được chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng hoảng loạn, sợ nước, sợ gió... Tối cùng ngày bệnh nhân đã lên cơn dại và tử vong.
Trước đó, một trường hợp khác là nam bệnh nhân 44 tuổi ở Tuyên Quang bị chó dại cắn vào tay trước khi phát bệnh 2 tháng. Bệnh nhân cũng chủ quan, không theo dõi con chó đã cắn mình nên cũng không đi tiêm phòng. Bệnh nhân cũng đã không qua khỏi sau khi lên cơn dại.
Tương tự, một bệnh nhân 60 tuổi ở Nghệ An đã nhập viện sau khi lên cơn dại vì bị chó cắn khoảng hơn 1 tháng. Khoảng 6 ngày sau khi cắn người, con chó chết nhưng nạn nhân chủ quan nghĩ là chó ốm nên đã không tiêm phòng. Được chuyển đến BV nhưng sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân lên cơn dại, hấp hối nên gia đình đã xin về.
Theo BS. Cấp, người bị chó dại cắn, nếu không tiêm phòng có thể bị phát bệnh dại. Từ khi bị chó cắn đến khi phát bệnh dại trung bình 3-6 tháng, có rất ít trường hợp phát bệnh sớm hơn hoặc cá biệt có những ca sau vài năm mới phát bệnh.
Khi bị chó dại cắn, không phải 100% số người bị cắn phát bệnh dại mà có người bị, có người không. Nguy cơ bệnh nhiễm bệnh dại tùy thuộc lượng virus trong nước bọt chó nhiều hay ít, vết thương sâu hay không làm rách da. Tuy nhiên không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không, và khi đã phát bệnh dại nhìn chung sẽ tử vong nên tất cả những người bị chó dại cắn đều được khuyến cáo tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Các biện pháp thử bằng mẹo, điều trị bằng thuốc nam đến nay chưa có biện pháp nào khẳng định được hiệu quả trong phòng, chữa bệnh dại. Trái lại hàng năm ở nước ta vẫn có hàng chục bệnh nhân chết oan vì tin lời thầy lang thử bảo không phải dại, hoặc cho thuốc chữa và bỏ không đi tiêm vắc xin.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại