Thông tin nói trên được tờ Economic Times (Ấn Độ) loan báo trong lúc Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có chuyến thăm hai ngày tới Ấn Độ. Ông Putin đã hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó bao gồm cả chuyện Mỹ cấm vận hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran, được cho là những chủ đề chính.
Hệ thống phòng không tiên tiến S-400 Triumf trở thành mối khúc mắc lớn trong quan hệ Ấn Độ-Mỹ, đặc biệt từ tháng 8/2017, khi Mỹ ra luật “Chống các kẻ thù của nước Mỹ qua lệnh trừng phạt” (CAATSA). Luật này là cơ sở để mới đây Mỹ áp dụng các lệnh trừng phạt mới đối với Iran, Nga và Triều Tiên. Chính việc này đã hạn chế Ấn Độ trong các quyết định mua vũ khí, trang thiết bị quân sự từ Nga. Đồng thời, CAATSA buộc New Delhi phải sử dụng một loại tiền tệ khác mà không phải USD để xác định tỷ giá giữa đồng ruble và đồng rupee. Trước đây, Ấn Độ thường mua vũ khí bằng USD.
S-400 Triumf do công ty nhà nước của Nga là Almaz-Antey phát triển, có năng lực bắn hạ máy bay và các tên lửa đạn đạo của đối phương. Tầm bắn của hệ thống này đạt 250km và có thể nâng cấp để đạt mức 400km.
Một khẩu đội S-400 gồm bốn xe phóng, mỗi xe mang bốn ống phóng, một xe mang radar dẫn bắn và một xe chỉ huy.
Với năng lực phòng thủ vượt trội, không đơn thuần là một thiết bị quân sự, S-400 có ý nghĩa là một công cụ phục vụ chiến lược địa chính trị. Mặc dù Mỹ cấm vận công ty Almaz-Antey, Nga vẫn đang chào hàng hệ thống S-400 tới một loạt quốc gia, trong đó bao gồm cả những thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã ký một thỏa thuận mua bán với Nga cho dù Mỹ lên tiếng cảnh báo.
Trung Quốc được cho là đã mua hệ thống S-400. Một số nước có thể vào danh sách tiếp theo sở hữu S-400 là Algeria, Belarus, Iran.
Một lý do khác khiến Mỹ chống lại việc mua bán S-400: hệ thống này được cho là có khả năng bắn hạ các máy bay tàng hình của Mỹ, bao gồm tiêm kích tiên tiến F-35. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ có được hệ thống S-400 cùng với các máy bay F-35 (đã đặt mua từ Mỹ), chắc chắn những điểm yếu của tiêm kích tàng hình con cưng của Mỹ sẽ bị lộ ra và trước sau gì cũng sẽ đến tai người Nga.
Theo tờ Sputnik, việc chuyển giao 5 hệ thống S-400 Triumf cho Ấn Độ bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2020.
Ngày 13/7 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman tuyên bố CAATSA là một bộ luật của Mỹ, không phải luật của Liên Hợp Quốc và rằng Ấn Độ sẽ tiếp tục xúc tiến thương vụ S-400 Triumf.
Tháng trước, chính quyền Mỹ đã áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc vì mua vũ khí Nga, bao gồm hệ thống S-400. Nhưng theo CNN, trong khi Trung Quốc đang nổi lên là một đối thủ, Ấn Độ được xem là một đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ. Washington và New Delhi cùng chia sẻ quan ngại về sự mở rộng hiện diện quân sự của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Việc Ấn Độ mua vũ khí Nga có thể buộc Mỹ phải chọn hoặc trừng phạt Ấn Độ và hủy hoại mối quan hệ quốc phòng, hoặc coi đây là ngoại lệ và bị chỉ trích là thiên vị.
Chuyên gia Peter Layton thuộc viện Griffith châu Á (Australia) nói vấn đề đối với Mỹ là nếu để Ấn Độ mua S-400 thì cũng chẳng có lý do gì ngăn các nước khác, ví dụ Thổ Nhĩ Kỳ, làm điều tương tự. Theo ông Layton, hệ thống S-400 rất hiệu quả và giá lại tương đối dễ chịu nên các nhà sản xuất vũ khí Mỹ khó mà cạnh tranh nổi.
Tuy nhiên, mua S-400 cũng có những điểm bất lợi khác đối với Ấn Độ, theo lời ông Layton. Bởi Trung Quốc cũng đã mua S-400 và có thể chuyển thông tin làm cách nào để vô hiệu hóa hệ thống này cho Pakistan, nước láng giềng không thân thiện với Ấn Độ.