Bảo vệ đường dây 220kV: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Bảo vệ đường dây 220kV: Cần sự chung tay của toàn xã hội
TP - Đó là khẳng định của lãnh đạo Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN-NPT) xung quanh việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện đường dây 220kV Phả Lại-Hải Phòng-Quảng Ninh.

> Cảnh báo nguy cơ xảy ra sự cố gây mất điện diện rộng
> Nghiêm trọng và khó gỡ

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Ông Phạm Thanh Tùng, Phó phòng Kỹ thuật an toàn (Công ty Truyền tải điện 1-PTC1) cho biết, đặc điểm địa hình của các tuyến đường dây do Truyền tải điện Hải Phòng quản lý chủ yếu là khu vực đồng bằng có trồng nhiều cây và một phần là qua vùng đồi núi, vùng ngập nước.

Các tuyến đường dây có nhiều điểm giao chéo với đường sông, đường bộ có nhiều phương tiện giao thông qua lại. Chính vì thế, thường xuyên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nguy cơ gây sự cố cho đường dây 220kV.

Theo ông Tùng, trong thời gian vừa qua, đã xảy ra nhiều sự cố do các phương tiện giao thông vi phạm khoảng cách an toàn, do người dân thả diều gần đường dây. Hiện, tại khoảng cột 77-78 đường dây 220kV Phả Lại-Hải Phòng 2, đang bị đe dọa mất an toàn do việc khai thác đất cát trong lòng sông gây sạt lở đất khu vực gần chân móng cột.

“Theo dòng chảy, đáng lẽ phía cột 77-78 là bên bồi, nhưng vì khai thác đất cát nên đất bị lún sụt. Hiện, ngành truyền tải và chính quyền cũng như sở ngành liên quan đang phối hợp với nhau để tìm biện pháp tháo gỡ. Nếu để lâu, đất sẽ sụt lún và tiến dần vào cột 78”, ông Tùng cho biết.

Theo ông Mai Văn Huynh, Phó phòng tổng hợp Truyền tải điện Hải Phòng, để đảm bảo an toàn cho tuyến đường dây 220kV Phả Lại-Hải Phòng-Quảng Ninh, cần phải có sự chung tay của toàn xã hội. “Một mình ngành truyền tải không thể có đủ người cũng như vật lực để bảo vệ an toàn lưới điện nếu không có sự vào cuộc của toàn xã hội để bảo vệ”, ông Huynh nói.

Tăng cường tuyên truyền, giám sát

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Truyền tải điện Hải Phòng cho biết, thực hiện chỉ đạo của PCT1, thời gian qua, Truyền tải điện Hải Phòng đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn ngừa sự cố có thể xảy ra. Theo đó, một loạt biện pháp được tiến hành như in tờ rơi tuyên truyền dán tại cột các đường dây; in tờ rơi tuyên truyền gửi trường học, cơ quan, doanh nghiệp... nơi có đường dây 220kV đi qua.

Ngoài ra, ngành truyền tải còn làm việc trực tiếp, thông báo bằng văn bản gửi các cảng vụ, cơ quan quản lý đường thủy, đoạn quản lý đường sông, các nhà máy đóng tàu... nhằm thông báo, cung cấp thông tin về đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp.

Cắm các biển báo hiệu đường bộ, đường sông theo đúng quy định tại các điểm giao chéo. Thậm chí, có những biện pháp lần đầu được áp dụng như lắp các quả bóng báo hiệu và đèn tín hiệu tại một số khoảng giao chéo với đường thủy và đường bộ để tránh nguy cơ xảy ra.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó giám đốc PTC1, Hải Phòng có tới 17 vị trí giao chéo qua các sông Kinh Môn, Lạch Tray, Sông Cấm, Đá Bạc, Văn Úc, Sông Hóa… Việc xây mới, mở rộng các cảng đường thủy đã làm gia tăng mật độ phương tiện đường thủy qua lại các điểm giao chéo với đường dây dẫn đến nguy cơ gây sự cố ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là ý thức của người dân về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp chưa cao. Việc chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động đường thủy nội địa của các chủ phương tiện còn nhiều hạn chế. Các tàu không đảm bảo chiều cao tĩnh không, cố tình đi vào các khu vực cấm. Điều đó khiến cho lưới truyền tải khu vực Hải Phòng đang tiềm ẩn có rất nhiều nguy cơ gây sự cố.

Thời gian tới, theo ông Tuấn, để tránh sự cố tái diễn, ngành truyền tải cần phối hợp với cơ quan chức năng Thành phố Hải Phòng, Hải Dương... vận động, tuyên truyền toàn dân tham gia bảo vệ hệ thống truyền tải điện quốc gia.

“Nếu có sự đồng thuận của các cấp chính quyền, người dân và toàn xã hội, chắc chắn hành lang an toàn lưới điện sẽ được vận hành an toàn, bảo đảm nguồn điện cung cấp cho việc phát triển kinh tế, xã hội nâng cao đời sống người dân”, ông Tuấn nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG